Cách ngăn chặn amidan tái phát ở trẻ

Các bà mẹ thường sốt ruột muốn cho con đi cắt amidan vì thấy trẻ bị viêm lại nhiều lân. Tuy nhiên việc cắt hay không phải được cân nhắc rất kỹ.

15.6051
Con gái tôi được 14 tháng tuổi. Hai tháng liên tiếp trước đó bé đều bị sốt cao và đi khám bác sĩ chẩn đoán viêm amidan mủ, dặn theo dõi nếu thêm một lần tái lại nữa thì nên cắt amidan để phòng nguy cơ viêm tái diễn liên tiếp gây viêm tai…
 
Tôi rất lo lắng, bởi bé còn quá nhỏ, có cần thiết phải cắt amidan? Hai lần bé bị đều chỉ sốt cao, cũng không hề bị viêm tai hay ho. Uống kháng sinh đến ngày thứ 2 thì đã hết sốt. Có cách nào phòng ngừa viêm nhiễm amidan tái phát? Ngọc Phương (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội).
 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai trả lời:

Viêm amidan là một trong những bệnh hay gặp trong các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là ở trẻ em. Các bà mẹ thường sốt ruột muốn cho con đi cắt mỗi khi thấy trẻ bị viêm nhưng việc cắt amiđan phải được cân nhắc rất kỹ.

Trong trường hợp con chị, tôi cho rằng bé chưa cần chỉ định cắt amidan, bởi bé mới bị viêm hai lần (theo bác sĩ chẩn đoán), hơn nữa bé còn quá nhỏ tuổi và bệnh viêm amidan vẫn có thể điều trị bằng nội khoa rất hiệu quả.

Bởi amiđan có chức năng miễn dịch, sinh ra các kháng thể và các lympho bào, giúp tăng khả năng chống đỡ của mũi họng với các vi-rút, vi khuẩn gây bệnh…

Khi bị viêm amiđan, toàn bộ vùng quanh amidan bị sưng tấy. Bệnh nhân bị sốt, nuốt thấy đau và bị nhiễm trùng nặng. Viêm amidan còn có thể gây nên viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản và khí phế quản. Biến chứng xa của viêm amidan còn gây nên những biến chứng rất nguy hiểm như: thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận. Đó là lý do nếu bị tái viêm amidan liên tiếp, người ta nghĩ đến chỉ định cắt amidan để phòng nguy cơ gặp các biến chứng trên.

Tuy nhiên, chỉ định cắt amidan rất chặt chẽ. Đó là khi bị viêm amidan nhiều đợt cấp (từ 5 - 6 lần) trong một năm, khi viêm amidan gây nên những biến chứng (viêm tai giữa, viêm xoang) hoặc các biến chứng nặng (thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận). Trong trường hợp dù không bị viêm nhưng amidan có kích thước quá to, gây cản trở ăn, uống, thở của trẻ thì cũng nên cắt.

Chỉ định cắt amidan đặc biệt hạn chế ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi. Bởi ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi việc cắt amidan có thể làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Còn với người trên 45 tuổi, cắt amidan thì dễ bị chảy máu do amiđan bị xơ dính, hoặc còn có các bệnh khác kèm theo như: Bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái đường...

Để phòng ngừa viêm amidan ở trẻ nhỏ, cần giữ vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối pha loãng hàng ngày, giữ ấm vùng cổ, không ăn đồ lạnh. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi. Cho trẻ ăn chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, vitamin C để nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng.
 
Theo Dân trí
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]