Cách ngừa viêm đường hô hấp trên ở trẻ

GiadinhNet - Theo thống kê của tổ chức y tế hoa Kỳ,mỗi năm một người trưởng thành có thể bịviêm đường hô hấp 2-4 lần. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn rất nhiều.

0
Đưa bé đến bệnh viện nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc kéo dài 5 đến 7 ngày. Ảnh minh họa.

Một đứa trẻ có tình trạng dinh dưỡng và phát triển bình thường có thể bị viêm đường hô hấp trên 10 lần/năm.Viêm đường hô hấp trên là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp do sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như: virus (influenza, Para - influenza, adenovirus, rhinovirus, Coronavirus, enterovirus, rsV…) hay vi khuẩn (streptococcus pneumoniae, hemophilus influenza, B.catarrhalis, streptococussus pyogenes...).

Nguyên nhân gây bệnh

Trẻ nhiễm bệnh khi hít phải dịch tiết có chứa virus hay vi khuẩn do người bệnh bắn ra khi hắt hơi, sổ mũi, ho hay khi bé cầm nắm những đồ chơi hay vật dụng có sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh. Trẻ sinh non, nhẹ cân, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hay có những bệnh lý mạn tính sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác. Khả năng mắc bệnh sẽ tăng lên rất nhiều nếu trẻ sống ở nơi môi trường bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém, đông đúc, chật hẹp.

Những biểu hiện thường gặp

Tùy theo vị trí, tác nhân gây bệnh, lứa tuổi và cơ địa của trẻ mà bệnh biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau.
 
Viêm mũi họng do virus: sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh 1-2 ngày, trẻ bắt đầu có các triệu chứng: sốt, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. ho thường xuất hiện sau 4-5 ngày do họng bị kích thích. Đôi  khi trẻ có thể bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Các triệu chứng thường tự giới hạn trong 7 ngày.
 
Viêm mũi xoang cấp: Triệu chứng tương tự như viêm mũi họng cấp nhưng các triệu chứng có khuynh hướng giảm nhẹ rồi nặng hơn sau một tuần. Bé ngạt mũi, sổ mũi kéo dài. Nước mũi thường chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều; nếu đã biết nói, trẻ có thể than nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, nhức răng, khô rát họng. Những triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, hôi miệng có thể kéo dài quá 10 ngày…
 
Viêm họng cấp: Vi khuẩn sẽ được xem là “thủ phạm” nếu tình trạng sốt, ho, nuốt đau không tự giới hạn hoặc trở nên nặng hơn sau 5-7 ngày.
Viêm thanh thiệt cấp: Độ tuổi mắc bệnh thường trong khoảng 2-6 tuổi, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi lên ba. Trẻ có biểu hiện: sốt cao, nuốt đau, họng ứ đọng nhiều nước bọt,nổi hạch hai bên cổ, thay đổi giọng nói, mất tiếng, ho, khó thở… Bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng, trẻ có khả năng tử vong do suy hô hấp, nhiễm  trùng, nhiễm độc nếu không được chữa trị thích hợp.
 
Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp: Độ tuổi mắc bệnh thường khoảng từ 6 tháng đến 6 tuổi, tập trung chủ yếu ở tuổi lên hai. sau vài ngày khởi bệnh với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, tiếng ho ong ỏng như chó sủa. Trẻ có thể khó thở, thở nhanh, thở ồn ào, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chăm sóc và điều trị

Cho trẻ ăn uống bình thường khi bệnh, tránh kiêng cữ thái quá. Cố gắng cho ăn thêm bữa khi trẻ lành bệnh để bổ sung lượng dinh dưỡng thiếu hụt.
 
Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường (Panadol, Bivinadol, efferalgan, Tylenol…) kết hợp với dùng nước ấm lau mát để hạ sốt cho trẻ.
 
Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi bé trước khi cho ăn, cho bú.
 
Dùng những bài thuốc dễ kiếm như hoa hồng bạch chưng đường phèn, húng chanh hấp mật ong hay một số loại thuốc ho thảo dược có bán sẵn như Pectol, astex… để làm dịu cơn ho.
 
Kháng sinh không cần thiết phải sử dụng trong hầu hết các trường hợp. Hãy thamkhảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng các loại thuốc này.
 
Đưa bé đến bệnh viện nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc kéo dài quá 5-7 ngày. Cần đưa bé đến bệnh viện ngay nếu bé sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường; các triệu chứng trở nên trầm trọng; trẻ mệt hơn, thở nhanh, tiêu chảy, nôn ói nhiều, bú kém hoặc không ăn uống được.
 

Phòng ngừa

- Cho trẻ bú mẹ từ những giờ đầu sau sinh và duy trì đến 2 tuổi, ăn dặm đúng thời điểm với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Chích ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia và một số vaccin cần thiết khác.

- Không hút thuốc lá và giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.

- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh.

- Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, rửa tay trước và sau khi chăm sóc

người bệnh.

MYB 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]