Cách nhận biết và đề phòng viêm phổi ở bé

Vào những ngày trời lạnh như thế này, trẻ em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là bệnh viêm phổi. Viêm phổi ở bé có thể do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, phổ biến nhất vẫn là viêm phổi do virus gây ra.

15.572
  • 1

    Triệu chứng

    Tùy từng giai đoạn của bệnh, độ tuổi và sức khỏe của bé, các dấu hiệu viêm phổi là khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, triệu chứng điển hình của viêm phổi là sốt hoặc hạ thân nhiệt; thở nhanh (hoặc thở ra tiếng), ớn lạnh, nôn trớ, kém bú hoặc bỏ bú…

    - Thỉnh thoảng, bé bắt đầu thở gấp.

    - Viêm phổi do vi khuẩn có triệu chứng đặc trưng là sốt cao và thở nhanh.

    - Viêm phổi do virus kém nghiêm trọng hơn viêm phổi do vi khuẩn và triệu chứng thường xuất hiện từ từ.


    Viêm phổi ở bé có thể do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.

    Lưu ý: Khi thấy con có dấu hiệu sốt, thở nhanh, bỏ bú… cha mẹ cần đưa con đi khám ngay. Tránh đưa bé đi khám muộn vì viêm phổi rất dễ gây biến chứng nặng. Đặc biệt, bé càng nhỏ thì triệu chứng viêm phổi càng không rõ nét và khó nhận biết. Nhiều bé tuy không sốt cao, không ho nhiều nhưng lại mắc viêm phổi nặng.

    Ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh có thể khác nhau tùy từng bé, cũng như khác nhau giữa các loại vi khuẩn hoặc virus gây viêm phổi. Thông thường, thời kỳ ủ bệnh khoảng một ngày đến một tuần.

    Viêm phổi ở bé có thể chia làm hai loại: Viêm lá phổi lớn và viêm khí quản nhánh. Viêm lá phổi lớn thường gặp ở bé hơn 3 tuổi, viêm ở một lá phổi, hoặc một đoạn phổi. Viêm khí quản nhánh thường gặp ở bé nhũ nhi.

  • 2

    Lây nhiễm bệnh

    Bệnh viêm phổi nói chung là không lây nhiễm, nhưng các virus và vi khuẩn gây viêm phổi có thể lây nhiễm sang người khác. Một số virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên (cổ họng và mũi) sẽ gây biến chứng là viêm phổi. Để ngừa lây lan virus, tốt nhất là bạn nên bảo vệ bé khỏi người xung quanh (hoặc các thành viên trong nhà) mắc bệnh về cổ họng và mũi.

    Không cho bé dùng chung quần áo, khăn mặt hoặc những vật dụng khác với người nhà, anh (chị) của bé hoặc những bé khác.

    Một số bé có nguy cơ viêm phổi nhiều hơn những bé khác bao gồm: Bé mắc dị tật tim, phổi bẩm sinh; Bé có hệ miễn dịch yếu; Mắc suyễn/hội chứng trào ngược dạ dày thực quản; Một số rối loạn di truyền bao gồm cả xơ nang và bệnh tế bào hình liềm.

  • 3

    Điều trị

    Một số thuốc kháng sinh có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị viêm phổi. Dựa vào điều kiện cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định loại kháng sinh hiệu quả nhất cho bé gồm độ tuổi của bé, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng liên quan khác.

  • 4

    Phòng chống

    Phải giữ ấm cho bé, đặc biệt trong mùa đông và nhất là với bé sơ sinh. Tuy nhiên, không khí trong phòng bé cần được đảm bảo trong lành. Nếu là mùa đông thì không nên đóng kín cửa trong phòng bé cả ngày, nên chọn những lúc nắng ấm để mở cửa phòng, tránh gió lạnh lùa trực tiếp vào bé.

    Nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi bú, cần cho bé bú đúng cách để tránh bé hít phải sữa mẹ vào phổi dễ gây viêm phổi.

    Phải vệ sinh dụng cụ ăn uống, cơ thể mẹ (người tiếp xúc với bé) sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.

    Bé phải được tiêm văcxin đầy đủ để ngăn ngừa nhiễm trùng gây ra bởi virus hoặc vi khuẩn. Bé phải được tiêm chống cúm. Bé có thể được sàng lọc bệnh lao hàng năm, nhất là những bé ở khu vực có nguy cơ cao để ngăn ngừa bệnh lao và viêm phổi.

    Để phòng tránh viêm phổi cho bé, các mẹ có thể nhờ đến các thiết bị làm ấm phòng như: đèn sưởi phòng tắm, quạt sưởi, máy sưởi dầu... Với những chiếc máy này, các mẹ có thể đặt trong phòng để làm căn phòng trở nên ấm áp, không sợ bé yêu bị lạnh nữa.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]