Cách phân biệt bún "sạch" và bún chứa hàn the

Bún là loại thực phẩm truyền thống thường được sử dụng trong các gia đình và nhà hàng. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận và mong muốn tạo ra những mẻ bún đẹp, bắt mắt, người sản xuất bún đã phải dùng tới hàn the.

15.5697

Hàn the là gì?

Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Borax được sử dụng phổ biến trong các chất tẩy rửa, chất làm mềm nước. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi... nhưng hiện ít được dùng. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.

Hàn the (Ảnh minh họa).

Theo y thư cổ, hàn the còn gọi là bồn sa, bàng sa, bồng sa, nguyệt thạch; vị ngọt, tính mát mặn, giúp chữa sốt, tiêu viêm, giải độc. Có một thời hàn the được dùng bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho. Tuy nhiên hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó.

Hàn the hoà tan trong nước thành chất không mùi vị, trong suốt, có tính sát khuẩn nhẹ. Hàn the làm chậm lại quá trình phân hủy thực phẩm, khiến thịt cá giữ được vẻ tươi lâu hơn và làm cho thực phẩm như bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác trở nên giòn, dai.

Hàn the độc hại như thế nào?

Trong cuốn sách "Hỏi đáp về vệ sinh an toàn thực phẩm" do Bộ Y tế phát hành vào tháng 3/2001, có viết: "Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng với liều lượng thấp. Liều từ 5 g trở lên đã gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây bệnh mạn tính".

Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.

Tuy nhiên, tác động của hàn the chủ yếu là mãn tính. Thường gặp là các ca nhiễm độc trường diễn do tích luỹ hàn the qua nhiều lần ăn thực phẩm chứa chất này. Tác hại đặc biệt nghiêm trọng đối với thai nhi và trẻ em.

Phân biệt bún “sạch” và bún chứa hàn the

Bằng cảm quan, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết được đâu là bún sạch, đâu là bún chứa hàn the, hóa chất bảo quản độc hại.

Màu sắc:

Bún được làm từ gạo nguyên chất, có sợi màu trắng đục hoặc tối màu.

Bún chứa hàn the hay hóa chất bảo quản sẽ có màu trắng trong, sáng và sợi bún có độ bóng mẩy.

Độ dẻo dai:

Bún không chứa hàn the, hóa chất, sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn.

Bún chứa hàn the, sợi bún dai giòn hơn, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo do đã sử dụng hàn the và hóa chất giúp sợi bún dai, giòn hơn.

Mùi vị:

Bún không chứa hàn the có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. Đây là mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún.

Khi ăn bún “sạch” sẽ có cảm giác tinh bột và mùi vị của bột gạo như ăn cơm. Bún mua về để hơi lâu hoặc qua ngày sẽ bị chua và ôi thiu.

Bún chứa hàn the sẽ không có mùi chua dịu của gạo ngâm. Nếu bún để ngoài chợ tới cuối ngày với nhiệt độ cao mà không có mùi chua, thì nhiều khả năng bún đã sử dụng hàn the và hóa chất. Loại hóa chất chống hỏng được phép sử dụng nhưng phải trong liều lượng cho phép.

Bún sử dụng hàn the và hóa chất để 2 - 3 ngày chưa ôi thiu, khi nhai trong miệng không có mùi vị là loại sử dụng hàn the và hóa chất quá liều lượng. Nếu lấy bột nghệ thử sẽ thấy sợi bún chuyển sang màu xám.

Lưu ý:

Người tiêu dùng nên mua bún tại các địa chỉ mua hàng uy tín, đáng tin cậy. Khi sử dụng bún cần chần qua nước sôi để các sợi bún trở nên ngon miệng và đảm bảo an toàn hơn. Nếu sử dụng bún khô cần kiểm tra kĩ lưỡng nguồn gốc, nhãn hiệu, trên bao bì cần ghi rõ hạn sử dụng…

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]