Cách phát hiện áp-xe não

SKĐS - Ở xóm tôi có cháu bị áp-xe não phải điều trị ở bệnh viện đã mấy tuần mà chưa khỏi. Cả xóm tôi lo lắng sợ các cháu nhỏ có thể bị bệnh mà cha mẹ không biết để đưa đi chữa sớm.

0

Ở xóm tôi có cháu bị áp-xe não phải điều trị ở bệnh viện đã mấy tuần mà chưa khỏi. Cả xóm tôi lo lắng sợ các cháu nhỏ có thể bị bệnh mà cha mẹ không biết để đưa đi chữa sớm. Xin hỏi bác sĩ cách phát hiện sớm trẻ bị áp-xe não như thế nào?

Nguyễn Thị Mai ([email protected])

Bệnh áp-xe não là tình trạng nhiễm khuẩn làm mủ, tạo thành ổ mủ trong não. Bệnh xảy ra do chấn thương đầu, mặt, cổ; nhiễm khuẩn từ cơ quan khác; viêm tai xương chũm, viêm xoang; nhiễm khuẩn máu sau khi mắc các bệnh áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, áp-xe gan, viêm bể thận, mụn nhọt mùa hè...

Cách phát hiện sớm bệnh cần dựa vào triệu chứng sau đây: trẻ bị sốt cao 38 -  40oC, mệt mỏi, chán ăn, kêu đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, sợ ánh sáng nên mắt lúc nào cũng nhắm, nằm ở tư thế nghiêng và co gấp người vào bụng. Nếu trẻ bị áp-xe tiểu não thì triệu chứng rầm rộ hơn như: đau đầu dữ dội, nôn nhiều, đi lảo đảo chỉ chực ngã, hai chân dang rộng, sai tầm, quá hướng, rung giật nhãn cầu, bại  nửa người, co giật động kinh, không nói được hoặc khó nói...

Điều trị bệnh phải mổ bỏ ổ mủ, dùng kháng sinh (phối hợp nhiều loại kháng sinh). Phải chú ý nuôi dưỡng và săn sóc trẻ tốt phòng loét và viêm phổi do nằm lâu.

Phòng bệnh: Cần phát hiện và điều trị triệt để các bệnh là nguyên nhân dẫn đến áp-xe não nói trên; tránh các chấn thương như tai nạn giao thông bằng cách đội mũ bảo hiểm, sử dụng trang bị bảo hộ lao động...

Bạn cần theo dõi sát, khi phát hiện cháu có một hay nhiều triệu chứng nói trên phải đưa ngay đến bệnh viện khám và điều trị sớm.

BS. Nguyễn Minh Hạnh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]