Cách phát hiện sớm trẻ điếc, câm

SKĐS - Em sinh cháu đầu đến nay đã gần 3 tuổi, cháu phát triển bình thường về thể lực như các trẻ khác nhưng đến giờ cháu chưa nói được câu nào...

15.6075

Em sinh cháu đầu đến nay đã gần 3 tuổi, cháu phát triển bình thường về thể lực như các trẻ khác nhưng đến giờ cháu chưa nói được câu nào (gia đình em không có ai bị điếc, câm). Em rất lo liệu có phải cháu bị điếc, câm? Em phải cho cháu đi khám ở chuyên khoa nào?

          Nguyễn Thị Lan (Quảng Ninh)

Nếu trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường, trẻ tự phát âm được một vài từ khi 12-15 tháng và đến 2 tuổi đã nói được một số câu ngắn. Đến 2 tuổi mà không nói được câu nào có thể là chậm ngôn ngữ đơn giản nhưng cũng có thể không nói được do không nghe được (gọi điếc câm). Điếc, câm có thể do di truyền hoặc mắc phải. Điếc, câm di truyền thường xuất hiện trong một gia đình có nhiều người bị điếc, câm. Điếc xuất hiện sớm ngay sau khi đẻ. Điếc, câm mắc phải có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai, trong khi đẻ hoặc sau khi đẻ. Điếc, câm mắc phải trong thời kỳ thai nhi thường do mẹ nhiễm một số loại virut trong khi mang thai ba tháng đầu hoặc dùng một số thuốc gây ngộ độc ốc tai của thai nhi (quinin, salixylat, acsenic...). Điếc, câm trong khi đẻ xảy ra với những trường hợp đẻ khó, xuất huyết tai trong hoặc bệnh tăng hồng cầu non. Điếc, câm xảy ra sau đẻ liên quan tới một số bệnh viêm màng não, viêm tai, nhiễm độc ảnh hưởng tới tai trong (độc tố của vi khuẩn, thuốc kháng sinh như gentamycine, néomycine, kanamycine, streptomycine...). Những trẻ này không tự nói được mà phải được dạy nói thông qua thị giác và xúc giác hoặc phải cấy điện cực ốc tai.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến điếc câm ở trẻ, nếu trong gia đình không có người điếc câm di truyền, quá trình mang thai và nuôi dưỡng cháu không bị bệnh gì như trên thì có thể cháu chỉ bị chậm ngôn ngữ đơn giản chứ không phải điếc, câm. Tuy nhiên, chị cần cho cháu đi khám chuyên khoa thính học nhi hoặc chuyên khoa nhi để phát hiện nguyên nhân chậm nói và điều trị sớm. Có thể đó là một biểu hiện của trẻ tự kỷ nữa.   

BS. Nguyễn Kim Dung

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]