Cách phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Qua đài, báo tôi được biết trẻ em hay mắc bệnh tay chân miệng. Có những trường hợp biến chứng viêm não rất nguy hiểm. Xin hỏi bệnh do đâu? Cách phát hiện sớm và phòng bệnh này?

0

Phạm Thị Phượng (Quảng Ninh)

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virut đường ruột gây nên. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân - miệng. Virut được đào thải qua phân tồn tại trong đất, nước, rau..., người có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virut.
 

Ảnh minh họa.

 Biểu hiện
 
Bệnh có biểu hiện sốt, sưng miệng, nổi ban có bọng nước. Bắt đầu thường sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi và sưng họng một vài ngày sau có những chấm đỏ có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má. Các tổn thương trên da cũng xuất hiện sau 1-2 ngày. Biểu hiện là các vết đỏ, có thể có bọng nước, không ngứa và thường ở lòng bàn tay, gan bàn chân.
 
Tùy tác nhân gây bệnh, nếu bị tay chân miệng do coxsackievirus A16 thường là một bệnh nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày. Nhưng tay chân miệng do entevirus 71 gây nên có thể gây biến chứng viêm màng não, thậm chí tử vong.
 
Phòng ngừa
 
Hiện nay vẫn chưa có thuốc kháng virut đặc hiệu, trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị biến chứng nếu có.
 
Vì vậy cần chú ý phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, đồ chơi, tránh tiếp xúc với người bệnh, ăn chín uống sôi. Khi trẻ bệnh có các biểu hiện sốt, đau đầu, đau lưng, nôn ói, hay giật mình cần đưa ngay trẻ đi khám để điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng.
Theo BS. Vũ Ngọc Anh
Sức khỏe và Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]