Cách phòng bệnh than

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than gây ra. Nguồn bệnh là động vật như: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chuột... bị bệnh.

15.607

Tôi nghe nói hiện nay có bệnh than xảy ở một số địa phương, đây là bệnh lây lan và rất nguy hiểm. Mong bác sĩ cho biết cách phòng chống bệnh này?

Trần Thị Lan Anh (Phú Thọ)

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than gây ra. Nguồn bệnh là động vật như: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chuột... bị bệnh. Người lây bệnh do: tiếp xúc qua da, hít phải vi khuẩn, ăn phải thịt có mầm bệnh than. Biểu hiện bệnh: thể da, nốt loét da, tiến triển qua các giai đoạn nốt dát, nốt sần, sau thành mụn phổng đỏ tím. Ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, mụn vỡ ra, hoại tử lan rộng, sau 2-4 ngày tạo thành nốt loét lớn, trên bề mặt phủ một vảy cứng màu đen. Xung quanh vết loét có nhiều mụn phồng thứ phát nhỏ. Tại vết loét, bệnh nhân không đau. Sau 3-4 tuần, vết loét bong vảy, tạo thành sẹo trắng. Phù nề xung quanh vết loét rất mạnh và lan rộng. Hạch khu vực vết loét sưng, nhưng không đau. Thể hô hấp: hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc nặng; đau ngực, khó thở, viêm phổi hoặc viêm phế quản, khạc ra đờm mầu gỉ sắt. Nặng: suy thở, tím tái, sốc...Thể tiêu hoá: hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc nặng. Đau bụng, nôn, đi tiêu phân lẫn máu và nhầy... Điều trị: cách ly bệnh nhân trong buồng riêng, người nhà và nhân viên phục vụ phải có găng, ủng. Dùng kháng sinh: penicilin, tetracyclin, erythromycin, iprofloxacin... Phòng bệnh: động vật ốm chết vì bệnh than phải được chôn sâu, khử trùng tẩy uế. Người lao động tại các lò sát sinh, xưởng chế biến sản phẩm từ động vật (thịt, xương, da, lông...) cần sử dụng trang phục bảo hộ lao động. Tiêm vaccin để phòng bệnh. Nấu chín kỹ các loại thịt để ăn.

 BS. Nguyễn Bằng Việt

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]