Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

(VietQ.vn) - Cách phòng bệnh đau mắt đỏ tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh để tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập và thị lực sau này

15.572

Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang lây lan rộng, hãy biết cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bạn và cả gia đình. Ảnh minh họa

TS Phạm Ngọc Ðông, Trưởng khoa Kết giác mạc Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết: Bệnh viêm kết mạc cấp hay dân gian gọi là đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè, thu, bệnh thường gặp hơn và có thể lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch viêm kết mạc cấp. Viêm kết mạc cấp biểu hiện ban đầu bằng các triệu chứng như cộm mắt, ngứa, có tiết tố (rử mắt). Phần kết mạc (lòng trắng) đỏ dần, có thể đỏ toàn bộ mắt. Nặng hơn, mi mắt có thể sưng nề, đỏ. Người bệnh có thể thấy nước mắt chảy ra có mầu hồng do các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết, thoát huyết tương. Phần kết mạc mi có thể có giả mạc trắng.

Ðiểm đặc biệt trong viêm kết mạc cấp là người bệnh không bị giảm thị lực (khả năng nhìn trước và khi bị bệnh là như nhau). Người bệnh có thể khó nhìn do rử mắt che khuất, sau khi lau sạch rử, mắt lại nhìn được bình thường.

Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.

Cách phòng tránh khi không có dịch đau mắt đỏ

Cách phòng bệnh đau mắt đỏ tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Ảnh minh họa

- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt nên rửa mặt sạch rồi rửa mắt bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%.

- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

- Không dùng tay dụi mắt.

Cách phòng tránh khi đang có dịch đau mắt đỏ

- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.

- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng xát khuẩn.

- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…

- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.

-Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng biến chứng bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng, sau một tuần bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách hoặc điều trị sau 7-10 ngày bệnh không khỏi rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc. Khi bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị. Không điều trị bằng thuốc kháng sinh vì không có hiệu quả.

Nguyễn Huyền

 (tổng hợp từ báo Nhân dân và VnExpress)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]