Cách phòng tránh ngạt khí

15.5836

Vụ mười người tử vong do ngạt khí trong phòng karaoke (Quảng Ninh) và bảy người chết trong vụ cháy nhà tại TP.HCM ngày 16/9 khiến nhiều người giật mình. “Cần có kiến thức cơ bản cũng như biết cách xử lý để tự bảo vệ trước những tình huống tương tự”, bác sĩ (BS) Võ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM lưu ý.

Những tình huống dễ gây ngạt

Những khí độc gây ra các vụ chết người chủ yếu là CH4, CO, CO2…

Nguy cơ ngộ độc khí thường xảy ra ở các hầm mỏ, hố sâu, giếng đào… Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí tích tụ lại dưới đáy hồ/hầm, bể kín. Những hoạt động chuyển hóa, phân hủy các chất hữu cơ làm bốc lên những luồng hơi chứa khí CO2, CH4 và các hợp chất lưu huỳnh. Những khí này đều nặng hơn không khí nên tích tụ lại ở chỗ thấp, không gian kín và hòa tan trong lớp nước bề mặt. Ở những giếng khơi, không gian kín cũng dễ là nơi tích tụ nhiều khí CO2.

“Những vụ tai nạn chết người trong tình huống này xảy ra chủ yếu do người đầu tiên xuống hầm kín rồi bị ngạt khí, ngất đi. Những người sau không có kinh nghiệm, lao xuống ngay để cứu và cũng gặp cảnh ngộ tương tự”, BS Huy nói.

Nhiều người hút thuốc lá trong một căn phòng kín, không có sự lưu thông không khí cũng dễ… “chết như chơi”. Một vật cháy trong môi trường ít không khí sẽ sinh ra khí CO. Nạn nhân hít phải khí CO thì cái chết tới rất… êm dịu, bởi khí này làm quá trình trao đổi oxy trong máu bị hạn chế, khiến nạn nhân lơ mơ về tri giác rồi lịm dần.

Hút thuốc trong phòng kín cũng có thể bị ngạt. Ảnh internet

Một tình huống nữa dễ gây ngộ độc khí là các phòng máy lạnh có quá đông người. Tại Việt Nam, có những phòng học, phòng làm việc lắp máy lạnh nhưng số lượng người chật chội, máy lạnh chạy không đủ công suất. Bên cạnh đó, nhiều phòng máy lạnh không lắp đặt quạt hút, không khí trong phòng không luân chuyển kịp.

Lượng người quá đông thở ra lượng khí CO2 lớn. Khi chúng ta hít phải khí do chính mình thải ra, lượng CO2 trong máu tăng. Ban đầu nạn nhân có cảm giác hô hấp bị kích thích như thở nhanh hơn, nhưng để lâu nạn nhân sẽ bị ức chế, thở chậm dần và lịm đi.

Nhiều trường hợp tài xế ngủ quên trong xe hơi bị tử vong cũng do nguyên nhân như trên.

Ngộ độc khí CO2 còn xảy ra trong các đám cháy ở các nơi có không gian chật hẹp. Nếu hít phải khí CO2 hay các khí độc, người ta sẽ rơi vào hôn mê rất nhanh.

Phòng tránh ngạt khí

Một trường hợp bị ngạt khí được sơ cứu. Ảnh internet

Những tai nạn thương tâm do ngộ độc khí đều có thể phòng tránh được, chỉ cần có kiến thức và bình tĩnh.

Đối với các hầm mỏ, hố sâu, giếng đào, phải kiểm tra xem dưới đó có đủ oxy không, bằng cách đốt một ngọn đèn đưa xuống trước. Nếu đèn cháy yếu, hay bị tắt thì tuyệt đối không được xuống mà phải có các biện pháp làm cho không khí lưu thông.

“Tôi từng chứng kiến một công ty dầu nhớt tại Q.7, nhân viên của họ xuống một căn hầm sâu chỉ chừng 2m nhưng họ khá cẩn thận. Trước khi xuống, họ dùng các quạt máy công suất lớn thổi xuống hầm, đội ngũ y tế sẵn sàng chờ ở phía trên, phòng trường hợp xấu xảy ra”, BS Huy kể.

Trong những không gian chật hẹp, tốt nhất không nên hút thuốc lá. Bên cạnh đó, nếu xảy ra cháy trong tòa nhà, mọi người phải biết cách bảo vệ mình. Các khí độc như CO2 thường nhẹ hơn nên ở trên cao, vì thế hãy bò trong tư thế cúi sát xuống sàn nhà, lấy áo hoặc khăn thấm ướt bịt vào mặt. Cháy xảy ra ở phòng lân cận, hãy dùng khăn ướt chèn kín các khe cửa để không khí không lọt vào. Ở những hoàn cảnh như thế, quan trọng nhất phải giữ cho đầu óc tỉnh táo, bởi nếu bạn bị hôn mê, kể như cầm chắc cái chết.

Những người vào cứu nạn nhân bị ngộ độc khí dưới hầm mỏ, giếng hay đám cháy cũng vậy, tránh lao vào ngay mà phải quạt cho không khí lưu thông, bịt mặt bằng khăn ướt, hoặc trang bị đồ bảo hộ đầy đủ.

Khi nạn nhân bị ngạt khí được đưa ra, có thể xử trí ban đầu bằng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt. Nhân viên y tế sẽ cho nạn nhân thở mặt nạ oxy liều cao. Trường hợp ngộ độc khí CO nghiêm trọng, phải đặt nội khí quản trợ thở, dùng thuốc ức chế cạnh tranh…

Tóm lại, cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có bốn phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.

Theo Phunuonline.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]