Cách sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt đột ngột mùa lạnh

(VietQ.vn) - Tình trạng hạ thân nhiệt đột ngột có thể xảy ra với cơ thể khi khi nhiệt độ liên tục giảm như những ngày gần đây. Nhất là phụ nữ và trẻ em, nếu không được sơ cứu đúng cách, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

15.586

Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ bên trong cơ thể xuống dưới 35 độ C. Khi cơ thể tiếp xúc với thời tiết lạnh, ẩm ướt trong thời gian dài, các cơ chế kiểm soát thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn. Nếu quần áo ẩm ướt, để đầu trần, mặc không đủ ấm khi trời lạnh, hay phải lội hay làm việc trong nước lạnh cũng dễ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt nếu không được xử lý nhanh chóng, kịp thời có thể dẫn đến tử vong, do đó, cần biết cách sơ cứu hạ thân nhiệt đột ngột một cách khoa học, an toàn.

Dấu hiệu và đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột

Trước khi sơ cứu hạ thân nhiệt đột ngột cho người bệnh, cần nhận biết rõ những triệu chứng của bệnh để kịp thời cứu chữa

Có 3 mức giảm 35 - 34 độ C là hạ thân nhiệt nhẹ; 34 - 32 độ C là hạ thân nhiệt trung bình; 32 - 25 độ C là hạ thân nhiệt nặng; dưới 25 độ C là hạ thân nhiệt nguy kịch. Khi thân nhiệt quá thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não, làm cho người bệnh khó vận động, di chuyển, suy nghĩ cũng bị hạn chế. Do đó, người bị hạ thân nhiệt đột ngột thường có biểu hiện run lẩy bẩy, nói lắp bắp, nhịp thở chậm bất thường, da lạnh, có màu tái xám... Những triệu chứng trên thường xuất hiện cùng thời điểm hoặc xuất hiện dần dần.

Những đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt bao gồm người già, trẻ em và người gầy yếu, người đang mắc các bệnh như tâm thần, Alzheimer, suy dinh dưỡng, bệnh tim mạch, thiểu năng tuyến giáp...; người bị say rượu, phê ma túy, người vô gia cư hoặc bị mắc kẹt trong thời tiết lạnh do xe hỏng, tắc đường. Người bị hạ thân nhiệt thường bị mất dần ý thức và năng lực thể chất, do đó không ý thức được sự cần thiết phải điều trị cấp cứu.

Sơ cứu hạ thân nhiệt đột ngột

Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị hạ thân nhiệt đột ngột, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Trong khi chờ người giúp đỡ, cần theo dõi hơi thở của người bệnh. Nếu hơi thở ngừng hay có vẻ chậm hoặc nông trầm trọng, cần hà hơi thổi ngạt ngay. Chuyển người bệnh vào nơi ấm. 

Nếu không thể vào trong nhà, hãy che chắn bảo vệ người bệnh khỏi bị gió, che kín đầu bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm cách ly khỏi đất lạnh. Cởi bỏ quần áo ẩm ướt. Thay đồ khô, ấm. Đắp gạc ấm lên cổ, lồng ngực và háng của bệnh nhân. Cho người bệnh uống nước ấm, uống nước cháo nóng...

Sơ cứu hạ thân nhiệt đột ngột cho người bệnh bằng cách đưa nạn nhân vào nơi ấm áp, kín gió, thay đồ ướt và cho bệnh nhân ăn đồ nóng

Sau đó, cởi bỏ quần áo ẩm ướt và thay bằng đồ khô, ấm. Có thể cho người bị hạ thân nhiệt uống nước gừng nóng từng ít một để làm ấm cơ thể từ phía trong. Dùng gạc ấm đặt lên cổ, lồng ngực và hai bẹn của bệnh nhân để làm ấm cho cơ thể.

Tuy nhiên, khi sơ cứu cần chú ý, không nên chườm nóng trực tiếp. Không dùng nước nóng, đệm sưởi hoặc đèn sưởi để làm ấm nạn nhân. Không cố làm ấm tay và chân. Vì làm nóng tay và chân gấp gáp sẽ thúc đẩy máu lạnh trở về tim, phổi và não, gây hạ thân nhiệt trung tâm và có thể gây tử vong. 

Không xoa bóp hoặc chà xát người bệnh. Các động tác đối với người bị hạ thân nhiệt, cảm lạnh phải thực hiện nhẹ nhàng vì khi xoa bóp mạnh máu thúc đẩy lưu thông gấp cũng làm bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim. 

Ly Ly (T/h)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]