Cách sống chung với bệnh ra mồ hôi tay chân

Một số cơ sở hiện điều trị bệnh ra mồ hôi tay chân nhưng tác dụng chỉ được một thời gian. Do vậy, cách tốt nhất điều trị căn bệnh này là chơi một số môn thể thao phù hợp.

46.813

Anh Huỳnh Thế Anh, 27 tuổi (quận 1, TP HCM) hài hước kể lại câu chuyện về người yêu. Cách đây một năm, nhân dịp sinh nhật nàng tròn 20, anh chở nàng đến cửa hàng giầy sang trọng với mong muốn tặng nàng một đôi vừa ý. Người yêu vừa cởi giầy, anh đã thấy trong gió có mùi... mồ hôi chân. Không dám nói gì, anh lẳng lặng lánh ra một góc cho nàng tùy chọn.

Một hôm nàng đang vui vẻ, anh bèn hỏi han bệnh tình. Lúc đó nàng mới thỏ thẻ: "Từ bé em đã bị ra mồ hôi nhiều lòng bàn tay và chân". Thảo nào, mỗi lần cầm tay nàng, anh cứ thấy bàn tay lành lạnh. Đưa nàng đi khám, bác sĩ bảo có thể điều trị bằng phương pháp cắt hạch thần kinh giao cảm ở ngực, nhưng người yêu nhất quyết không chịu vì sợ đau.

Là dân nghệ thuật, đôi bàn tay ví như vàng ròng, nhưng anh Phong Sơn, 30 tuổi, nhiếp ảnh gia tự do nhiều phen dở khóc dở cười vì đôi tay luôn rịn mồ hôi. Anh kể, lúc thay đổi thời tiết, tay đổ mồ hôi rất khó chịu. Học mỹ thuật, lần nào có yêu cầu hoàn thành tác phẩm bằng than khô là anh “méo mặt” vì mồ hôi quyện với than trong lòng tay khiến tác phẩm của anh nhòe nhoẹt nước. Anh Sơn buộc phải chuyển sang vẽ bút chì, tác phẩm không đẹp như kỳ vọng.

Bệnh ra mồ hôi tay chân tuy không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu vì phải sống chung với nó suốt đời. Ảnh: Byebyedoc

Cũng vì bàn tay ấy mà anh Sơn khó khăn khi tác nghiệp với máy ảnh. Thường xuyên anh phải sử dụng găng tay, hoặc dùng máy ảnh có lớp da bọc ở bên ngoài cho đỡ trơn trượt. Những hôm thay đổi thời tiết hay căng thẳng, mồ hôi từ tay, chân túa ra liên tục. Mùa hè là khổ nhất vì lúc nào người anh cũng đầm đìa nước, luôn phải dùng khăn để lau mặt, lau tay. Anh Sơn đành tự khắc phục bằng cách rửa tay thường xuyên và sấy khô.

Tiếp xúc với nhiều người bệnh đổ mồ hôi lòng bàn tay, chân, BS Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa nội tâm thần kinh, Bệnh viện Quân y 354 Hà Nội chia sẻ, đây là bệnh không tìm ra căn nguyên khởi phát, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, với mọi giới tính, không gây nguy hiểm nhưng khiến người bị bệnh cảm thấy khó chịu.

"Bệnh đổ mồ hôi lòng bàn tay, chân là loại bệnh về cường giao cảm thần kinh, thực tế hiệu quả điều trị chưa cao và người bị bệnh cần xác định chung sống với 'lũ' suốt đời", bác sĩ Phúc khẳng định. Một số cơ sở điều trị bằng cách cắt hạch thần kinh giao cảm ở ngực, ở cổ, tác dụng chỉ được một thời gian, sau đó bệnh lại như cũ. Có trường hợp, sau khi cắt hạch, chính lòng bàn tay, bàn chân của người bệnh đổ mồ hôi nhiều hơn trước, thậm chí không chỉ tay chân mà đầu và toàn thân cũng chảy nhiều mồ hôi.

"Bóc tách các mạch máu xung quanh hạch thần kinh giao cảm ở ngực, ở cổ với người bệnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Phương pháp này có thể để lại di chứng phù nề, viêm dính gây tác dụng không mong muốn", bác sĩ Phúc cho biết. Theo nghiên cứu thống kê phả hệ, bệnh ra mồ hôi lòng bàn tay, chân có yếu tố di truyền, trong gia đình có họ hàng bị mắc bệnh này thì khả năng con cháu đời sau bị bệnh sẽ cao hơn.

Bác sĩ khuyến cáo: "Người bị bệnh ra mồ hôi trộm nên chơi một số môn thể thao phù hợp sở thích như cầu lông, bóng bàn, chạy bộ... để điều chỉnh hài hòa hệ thần kinh thực vật trong cơ thể, khiến việc tiết mồ hôi cân bằng hơn". Ngoài ra, người mắc bệnh nên đảm bảo giấc ngủ tốt, chế độ làm việc không quá nhiều áp lực, sống chung với "lũ" bằng cách xịt thuốc, hút ẩm lòng bàn chân...

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Phúc gặp nhiều trường hợp phụ nữ hay nam giới đến tuổi suy giảm hoóc môn sinh dục cùng những thay đổi nội tiết bên trong cơ thể dẫn đến việc ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra, những yếu tố như rối loạn cảm giác, rối loạn xương, bị tổn thương khớp, bệnh lý tim mạch, trầm cảm, lo âu... cũng kéo theo rối loạn thần kinh thực vật. Đây là nguyên nhân khiến những người này bị đổ mồ hôi lòng bàn tay chân, bệnh mà trước kia họ chưa từng bị.

AloBacsi.vn
Theo Hồng Nhung  - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]