Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam là tình trạng máu từ niêm mạc mũi chảy ra mũi trước hoặc chảy ra mũi sau xuống họng.

Niêm mạc mũi rất dễ chảy máu vì có nhiều mạch máu tập trung và mạng lưới mao mạch cung cấp cũng dày đặc. Chảy máu mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là 3-8 tuổi. Chảy máu mũi được chia làm 2 loại:

- Chảy máu mũi trước chiếm 90% các trường hợp. Máu thường chảy ra từ các mạch máu ở khu vực trước cửa mũi.

- Chảy máu mũi sau ít gặp hơn, thường hay gặp ở người lớn. Máu chảy ra từ động mạch ở phía sau của mũi.

Nguyên nhân gây chảy máu cam:

- Chảy máu mũi vô căn chiếm 90%, với đặc điểm: lành tính và hay tái phát.

- Dị vật mũi: thường kèm theo thối mũi và chảy nước mũi, nghẹt mũi một bên.

- Viêm mũi xoang

- Xuất huyết giảm tiểu cầu

- Suy tủy

- Rối loạn đông máu

- U vách ngăn hoặc cuốn mũi

- Một số dị dạng mạch máu mũi

Cách xử trí:

Khi bé bị chảy máu mũi, chúng ta cần bình tĩnh và làm theo các bước sau:

- Xác định bên chảy máu: lau sạch cửa mũi trước 2 bên, cho trẻ cúi người về phía trước để xác định bên chảy máu.

- Cầm máu: Đa số chảy máu mũi ở trẻ em là chảy máu vô căn nên bạn chỉ cần cầm máu bằng cách dùng ngón tay trỏ đè cánh mũi vào vách ngăn trong khoảng 3-5 phút là máu sẽ ngừng chảy, sau đó cho trẻ nằm nghỉ. Tuyệt đối không cho bé nuốt máu vào bụng. Nếu máu chảy xuống họng bạn cho bé nằm nghiêng và dùng lưỡi đẩy máu ra mỗi 2-4 phút để theo dõi lượng máu mất.

- Bình tĩnh và động viên trẻ.

Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi:

- Máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã làm các bước trên

- Bị chảy máu mũi nhiều lần trong thời gian ngắn

- Bị hoa mắt, choáng váng

- Tim đập nhanh, khó thở

- Nôn ra máu

- Sốt hoặc phát ban

Những điều nên tránh khi trẻ chảy máu cam:

- Không bắt trẻ ngửa đầu hoặc nằm xuống ngay khi bị chảy máu cam.

- Không cho trẻ hỷ mũi mạnh trong vài giờ đầu.

- Không cho trẻ cho ngón tay vào ngoáy mũi.

Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường