Trong các ý kiến, hầu hết giới LS và chuyên gia pháp luật đều cho rằng: LS phải ngồi ngang hàng với kiểm sát viên (KSV) mới thể hiện sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, phía VKS thì lại không muốn như vậy, vì từ trước đến nay KSV đang ngồi trên bục cao, ngang hàng với HĐXX và điều này được xem như một “thông lệ”. Để bảo vệ quan điểm của mình, VKS và những người ủng hộ VKS cho rằng VKS thay mặt Nhà nước không chỉ giữ quyền công tố tại phiên tòa hình sự mà còn thực hiện chức năng kiểm sát việc xét xử nên không thể ngồi ngang hàng với LS. Nếu không ngang với HĐXX thì VKS cũng phải ngồi trên bục thấp hơn một chút chứ không thể xuống dưới được!

Chỗ ngồi của luật sư cho thấy sự bất bình đẳng giữa hai bên. Ảnh: HTD

Có ý kiến cho rằng chỗ ngồi đâu có quan trọng, nó chỉ là hình thức có gì mà phải tranh cãi, ngồi đâu chả được! Nói vậy là chưa thấy mối quan hệ biện chứng giữa “hình thức và nội dung”.

Chỗ ngồi tuy chỉ là hình thức nhưng nó phản ánh rất đậm nét về tư cách, quyền và nghĩa vụ của người ngồi vào vị trí đó! Trong các cuộc mít tinh, hội họp, hội thảo, hội nghị người ta phải bố trí “chỗ ngồi” cho từng chức danh theo thứ tự “chức vụ” từ cao đến thấp! Ai ngồi ở đâu, ngồi ở hàng ghế nào, ngồi ở giữa hay “cánh gà” đều có chủ ý. Dù chẳng có quy định nhưng ngồi ở vị trí nào đều do sự sắp xếp của ban tổ chức. Chỗ ngồi cao, thấp, trước, sau còn thể hiện nghi lễ ngoại giao. Nhìn vào đó người ta sẽ biết được vị trí, vai trò của từng người trong một khán phòng hay ở cuộc mít tinh ngoài trời. Vì vậy, tại phiên tòa bên buộc tội (KSV) và bên gỡ tội (người bào chữa) nếu lại ngồi ở vị trí cao thấp khác nhau thì chỉ nhìn vào đó người ta đã thấy sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội - bên gỡ tội và không thấy vị trí trung tâm của HĐXX (tòa án). Vì vậy, bố trí luật sư và VKS ngồi ngang nhau sẽ không thấy sự bất bình đẳng giữa bên buộc và bên gỡ tội.

Về cách bố trí chỗ ngồi. Nếu bố trí thư ký ngồi phía trước HĐXX và thấp hơn HĐXX, bàn của thư ký phiên tòa sẽ thấp hơn bàn của KSV và người bào chữa, như vậy sẽ “dư” ra một chiếc bàn ở trên bục đối diện với bàn của KSV, các tòa án chỉ đặt biển “luật sư” vào đó thì tức khắc LS và KSV sẽ ngồi ngang nhau. Nhiều phòng xét xử hiện nay, chỗ ngồi của HĐXX được cấu tạo đã cao hơn chỗ ngồi của KSV và thư ký phiên tòa. Nếu ở tòa án nào trên bục, bàn của HĐXX chưa cao hơn bàn của KSV và thư ký phiên tòa thì sửa lại một chút là được. Với cách bố trí này thì trong trường hợp vụ án có nhiều người bào chữa, khi nào LS trình bày lời bào chữa và tranh tụng với KSV thì ngồi vào vị trí dành cho LS, còn những lúc khác thì LS ngồi ở một vị trí theo sự sắp xếp của tòa án.

Không chỉ có chỗ ngồi của LS, KSV mà còn nhiều vấn đề cần luật hóa như: Chỗ ngồi của bị cáo, giữ hay bỏ vành móng ngựa; trang phục của LS, xưng hô tại phiên tòa… Tất cả vấn đề đó nếu chỉ quy định trong một điều luật thì không đủ, mà nên có hẳn một chương quy định về hình thức phiên tòa.

ĐINH VĂN QUẾ


Video đang được xem nhiều