Cái gì khó, cái đó nên làm

Sau một năm học tại Học viện Khoa học Quân sự, với kết quả tốt và có tham vọng nghề nghiệp, tôi được chọn sang Cuba học. Thực ra, học kinh tế chỉ là cái cớ, điều quan trọng hơn là chúng tôi phải hòa nhập với văn hóa, lối sống, con người trong khối các nước nói tiếng Tây Ban Nha để sau này trở thành tùy viên quân sự tại các đại sứ quán.

15.5939

Đọc E-paper

Năm đầu tiên phải học tiếng Tây Ban Nha cật lực để đạt chuẩn học chuyên ngành, nếu không sẽ bị trả về. Ba tháng đầu học như vịt nghe sấm, phải tự lên thư viện đọc sách.

Ở Cuba, internet không phổ biến, chỉ sinh viên chuyên ngành tin học mới dùng, vì vậy tôi phải lân la làm quen với người phụ trách phòng máy vi tính để tiếp cận internet. Trường thường xuyên giới thiệu chúng tôi đến các đơn vị kinh tế để nghiên cứu, sau đó về thảo luận, làm đề tài, hiếm khi ghi chép và thi viết.

Chính những cuộc tranh luận thường xuyên giữa cả trăm sinh viên bản địa đã giúp hình thành trong tôi khả năng hùng biện và sự tự tin, điều mà trước đó tôi không hề có.

Tùy viên quân sự được hiểu như đại diện Bộ Quốc phòng tại nước sở tại với công việc chính là giao lưu, đối thoại, hợp tác quốc phòng, thay mặt Bộ Quốc phòng chuyển giao các công hàm, công văn, thư từ..., tương tự tham tán kinh tế, văn hóa.

Dù bị cấm vận, mức sống ở Cuba vẫn tương đối cao, đời sống văn hóa phát triển, tính tự giác cao. Y tế và giáo dục miễn phí. Người Cuba vui vẻ, cởi mở và tốt bụng. Hệ thống phân phối vẫn là bao cấp, tem phiếu, vào cửa hàng bách hóa thì có gì mua nấy, không được lựa chọn.

Tôi và các bạn phải tự lực xoay xở để có những thứ cần thiết, chẳng hạn muốn có một cái bàn con để ngồi học bài trong ký túc xá, chúng tôi phải mượn đầu này cái cưa, đầu kia cái búa, nhổ đinh trong đống củi, rồi tận dụng gỗ từ mấy cánh cửa mục người ta bỏ đi.

Dù phân phối theo kiểu bao cấp nhưng mỗi nhà vẫn đầy đủ tiện nghi: máy giặt, tivi, bếp gas, tủ lạnh, ngay cả ở những vùng hẻo lánh.

Do khác biệt khẩu vị, nên việc ăn uống đối với tôi quả là khó khăn. Di chuyển cũng là nỗi khổ vì phương tiện không nhiều. Có lần, để đi khoảng 400km, chúng tôi phải sử dụng đến bốn loại phương tiện và cả đi bộ, mất hơn 20 tiếng đồng hồ.

Từ những chuyện vặt vãnh như thế, chúng tôi dần học được cách tự lập, tự xoay xở, thích nghi với mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến cỡ nào.

Sinh viên Việt Nam ở chỗ tôi học có khoảng 300 người, tôi được bầu vào Ban chấp hành Liên chi đoàn sinh viên Việt Nam. Phần việc chính là giúp đỡ các sinh viên mới sang gặp khó khăn trong việc học và cuộc sống. Đặc biệt là tổ chức giao lưu văn hóa với sinh viên các nước khác. C

uba có nền giáo dục khá tiên tiến, hằng năm có rất nhiều sinh viên các nước đến đây học, du học tự túc cũng không ít.

Khi xa nhà tôi mới hiểu được gia đình quan trọng đối với mình như thế nào. Tôi bắt đầu lo khi nghĩ tới khoảng thời gian đằng đẵng sau này phải làm tùy viên ở nước ngoài, phải sống xa gia đình.

Hơn nữa, bằng những trải nghiệm của mình, tôi cảm thấy mình không phù hợp với môi trường quân đội. Sau cùng tôi quyết định xin ra quân.

Vốn tiếng Tây Ban Nha trở thành một lợi thế khi tôi về nước vì ở Việt Nam số người biết ngoại ngữ này không nhiều. Hơn nữa, tôi còn hiểu khá rõ văn hóa và tính cách của những người nói thứ tiếng này.

Tôi bắt đầu bằng việc làm gia sư, rồi làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách nói tiếng Tây Ban Nha, làm trưởng một bộ phận trong một công ty du lịch.

Sau đó tình cờ tôi được giới thiệu làm trợ lý giám sát bán hàng cho một tập đoàn của Peru ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tích cóp được ít vốn liếng, tôi trở về Cần Thơ gầy dựng lại cơ sở kinh doanh ẩm thực của mẹ và dần mở rộng các chi nhánh.

Vì được trả thù lao khá cao nên thỉnh thoảng tôi vẫn nhận thông dịch cho nhiều đoàn khách ở nhiều nơi để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, đồng thời đầu tư thêm vào cơ sở kinh doanh với mơ ước tạo dựng nó thành một hệ thống có đẳng cấp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi thấy mình giống như một con kiến chăm chỉ, tha lâu sẽ đầy tổ. Đúc kết chặng đường đã đi qua, tôi rút ra kết luận: Anh đi đâu, học cái gì không quan trọng, có định hướng hay không cũng không sao, vì mỗi ngày, mỗi bước anh đi đều dạy cho anh nhiều điều. Thế nên, nếu có cơ hội, đừng ngại va chạm, cái gì thấy khó, cái đó nên làm.

NGUYỄN BỬU PHÚC - BẠCH ĐẰNG (ghi)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]