Cải thiện chứng đau buốt đầu

SKĐS - Ai trong chúng ta đều đã bị ít nhất một lần đau đầu, nhưng có người chỉ đau nhẹ, trong khi một số người khác lại bị đau dữ dội.

0

Ai trong chúng ta đều đã bị ít nhất một lần đau đầu, nhưng có người chỉ đau nhẹ, trong khi một số người khác lại bị đau dữ dội. Vì đau đầu có nhiều thể bệnh, trong bài viết dưới đây xin đề cập đến kiểu đau buốt đầu và phương pháp cải thiện chứng bệnh này.

Ai dễ bị đau buốt đầu?

Đến nay khoa học vẫn chưa rõ được nguyên nhân gây bệnh đau buốt đầu. Nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng hoạt động bất thường của vùng dưới đồi, vùng não điều khiển thân nhiệt có thể là nguyên nhân gây đau buốt đầu.

Tập thể dục đều đặn có thể cải thiện chứng đau buốt đầu.

Đau buốt đầu xảy ra chủ yếu ở nam giới, trong đó 85% người bị đau buốt đầu là nam giới tuổi từ 20 - 50. Nhiều bệnh nhân đau buốt đầu là người nghiện thuốc lá nặng. Người uống nhiều rượu bia cũng thường gặp cơn đau buốt đầu nếu họ đã mắc chứng bệnh này từ trước. Đau buốt đầu thường không có tiền sử gia đình.

Cơn đau buốt đầu xảy ra thế nào? 

Một người bị đau buốt đầu sẽ thấy cơn đau xảy ra như sau: đau buốt ở một bên đầu, với mức độ đau buốt hoặc đau nhói dữ dội. Bệnh nhân thường mô tả ví như cảm giác dao đâm hoặc dùi nung ở chỗ đau. Đau trong hoặc xung quanh một bên mắt hay một bên thái dương, có khi đau lan ra vùng trán, mũi, má hoặc hàm trên. Vì đau bệnh nhân thấy mắt đỏ ngầu hoặc cay mắt, đồng tử co nhỏ, mí mắt rũ xuống; tắc mũi hoặc chảy nước mũi; mồ hôi vã ra liên tục. Cơn đau điển hình thường tăng dần trong 5 - 10 phút tới đỉnh điểm và kéo dài từ 30 phút - 3 giờ. Một số người gặp cơn đau buốt đầu xảy ra từ 2 - 3 giờ  sau khi ngủ, có triệu chứng đặc trưng là cử động mắt nhanh. Khi đau khiến bệnh nhân thức giấc. Tuy nhiên, cơn đau buốt đầu  có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Bệnh thường xảy ra từng đợt. Khám thần kinh bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu thực thể của đau buốt đầu như đồng tử mắt co nhỏ hơn hoặc mí mắt rũ xuống trong và giữa các cơn đau.

Đau  buốt đầu cần phải phân biệt với một số bệnh có gây đau đầu khác như: đau đầu kèm theo sốt, cổ cứng, phát ban, lú lẫn tinh thần, động kinh, nhìn đôi, mệt mỏi, liệt hoặc nói khó, dấu hiệu của các bệnh đột quỵ, viêm màng não, viêm não hoặc u não. Đau đầu sau chấn thương.

Cải thiện chứng đau buốt đầu - Cách nào? 

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh đau buốt đầu, việc điều trị chỉ nhằm giảm mức độ đau và rút ngắn thời gian đau. Thuốc có thể dùng là: ergotamin, thuốc chẹn kênh canxi... Cho bệnh nhân thở ôxy 100% trong vài phút thường làm giảm đau và có thể làm giảm tần suất các cơn đau buốt đầu hay xảy ra vào ban đêm.

Lời khuyên của bác sĩ

Khi đã bị đau buốt đầu, bạn cần xác định sống chung với bệnh đau buốt đầu là điều khó khăn. Bệnh đau đầu cũng làm ảnh hưởng đến quan hệ trong gia đình, bạn bè, năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn cần nhờ bác sĩ chuyên khoa thần kinh tư vấn, giúp đỡ đối phó với chứng bệnh này. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhóm bệnh nhân đau buốt đầu. Thành viên trong nhóm thường biết về cách  điều trị mới nhất và sẽ chia sẻ kinh nghiệm của họ với bạn. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn nhóm này ở nơi bạn đang ở. Tuy bạn không thể ngăn được cơn đau đầu, nhưng bạn có thể tự làm giảm nguy cơ bị các cơn đau tiếp theo bằng cách: kiêng rượu, bia, thuốc lá, cà phê, nước chè. Lao động vừa sức, năng tập thể dục là các biện pháp tốt giúp bạn phòng tránh bệnh đau buốt đầu.           

   ThS. Phạm Thanh Xuân

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]