Cải thiện chứng đau nhức cơ khớp

Nhiều người ở độ tuổi trên 40, buổi sáng khi thức giấc thường cảm thấy cứng và đau nhức một số khớp. Vì sao lại đau nhức? Đối phó với chứng bệnh này thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc trả lời các câu hỏi đó.

15.614

Nhiều người ở độ tuổi trên 40, buổi sáng khi thức giấc thường cảm thấy cứng và đau nhức một số khớp. Vì sao lại đau nhức? Đối phó với chứng bệnh này thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc trả lời các câu hỏi đó.

Ít ngủ là đau

Nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân gây đau nhức ở người cao tuổi, trong đó phổ biến nhất là do ít ngủ. Trung bình, mọi người trưởng thành cần ngủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng có người cần ngủ nhiều hơn hoặc trái lại, cần ngủ ít hơn. Những người bị đau nhức, khi bác sĩ hỏi về thời gian ngủ, họ trả lời là chỉ ngủ khoảng 5 - 6 tiếng đồng hồ, nếu so với nhu cầu thời gian ngủ trung bình là họ đã thiếu ngủ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Tìm hiểu kỹ sinh hoạt của những người bị đau nhức này, người ta thấy rằng: khi họ không dành đủ thời gian cho giấc ngủ thì họ thường dành thời gian cho nhiều việc khác. Nghĩa là họ liên tục ở trong tình trạng làm việc.
 
Cơ thể sẽ bị đau do gặp phải quá nhiều stress, mà stress thì làm căng cơ liên tục, căng cơ liên tục thì dẫn đến mỏi và đau. Đối với những người ngồi làm việc nhiều trước máy vi tính thì hầu hết không chú ý tới tư thế ngồi. Quan sát thấy phần lớn họ làm căng các cơ do tư thế ngồi có xu hướng cúi sát vào màn hình như thể nhờ đó máy tính sẽ chạy nhanh hơn. Tư thế này kéo dài hằng ngày gây đau các cơ cổ và lưng. Mỏi mắt, đau cơ sinh ra ít ngủ, ít ngủ đến lượt nó lại làm cho tăng thêm đau nhức.
 Thể dục dưỡng sinh cải thiện chứng đau nhức cơ khớp

Tập ít quá hoặc nhiều quá cũng đau

 

Trong cuộc sống, người ta thường có 2 xu hướng luyện tập lệch lạc, đó là tập quá nhiều hoặc ít tập hay chẳng tập gì. Nhiều người do xem tivi, đọc một bài báo hay nghe một thầy thuốc khuyên nên tập luyện, thế là họ lao vào tập. Nhưng khi bắt đầu tập, họ thường tập liền trong 1 - 2 tiếng đồng hồ với suy nghĩ muốn tập nhiều cho khỏe. Nhưng sau buổi tập đó, họ bị đau và đau là cái cớ để họ bỏ tập. Từ đây, họ lại trở về với trạng thái không tập gì. Những người mà từ trước đến nay không tập gì thì cơ bắp mềm yếu, chỉ trở mình vặn lưng hay làm các động tác gây co cơ đột xuất đều gây đau. Không tập gì thì khí huyết kém lưu thông nên có tình trạng các cục máu đông nhỏ làm bít tắc các mạch máu nhỏ cũng gây đau. Theo Đông y, thông thì bất thống, bất thông thì thống, nghĩa là khí huyết lưu thông thì không đau; khí huyết không lưu thông thì đau.

Bạn cũng chỉ nên tập luyện các động tác phù hợp với các cử động tự nhiên của con người. Nếu bạn chỉ tập lặp đi lặp lại một động tác như nâng tạ chẳng hạn thì cử động này là phi tự nhiên vì nó kéo căng chân để tập các cơ đùi. Các bác sĩ phục hồi chức năng không khuyến nghị bài tập này vì với những người đau dây chằng chéo trước do chấn thương đầu gối thì việc kéo căng chân có thể gây hại cho sự phục hồi sau phẫu thuật. Bạn nên tập những động tác kích hoạt cơ tứ đầu và gân khoeo, giữ đầu gối thẳng như: quay tròn đầu gối và ngồi xổm.

Nếu là người cao tuổi thì dù bạn chơi bất kỳ môn thể thao nào cũng đều là quá sức. Hầu hết những chấn thương trong thể thao xảy ra khi bạn ngã hoặc va đập vào vật cứng, mà người cao tuổi lại thường hay ngã.

 Các cục máu đông làm bít tắc mạch máu gây đau cơ.

Tự chăm sóc để cải thiện

chứng đau nhức

Trước hết, bạn cần sắp xếp để đi ngủ sớm, đảm bảo rằng ban đêm bạn ngủ được 6 - 7 tiếng đồng hồ. Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, bạn cũng nên ngủ khoảng 30 phút - 1 tiếng vì giấc ngủ buổi trưa sẽ làm cho bạn khỏe mạnh cả buổi chiều và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Muốn ngủ ngon ban đêm, bạn cần tránh ăn bữa tối quá muộn và không nên ăn no quá sẽ khó ngủ. Bạn cũng không nên uống nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt không uống nước chè hoặc cà phê để tránh mất ngủ vì phải đi tiểu đêm. Ngâm chân vào nước nóng trước khi ngủ cũng giúp ngủ ngon. Để tránh mệt mỏi, bạn chỉ nên lao động vừa sức, tránh làm việc nhiều quá mà bị đau mỏi cơ bắp gây khó ngủ. Bạn cần chú ý điều chỉnh tư thế ngồi, đi đứng cho thoải mái, phù hợp với sức khỏe.

Trong giường ngủ, bạn nên chọn nệm êm vừa phải như loại nệm làm bằng cao su tự nhiên, tránh dùng nệm cứng hoặc chỉ nằm giường cứng sẽ bị đau phần cơ thể bị tỳ đè gây khó ngủ. Gối cũng nên chọn loại cao vừa phải để tránh bị đau cổ vì dùng gối quá cao. 

Việc luyện tập cần nhất là bạn phải chọn những bài tập phù hợp với sức khỏe của mình và thực hiện một chế độ luyện tập hàng ngày đều đặn. Mỗi buổi tập chỉ nên kéo dài từ 30 -  45 phút, vào ngày có nhiệt độ bình thường, khi tập thấy mồ hôi ra sâm sấp là vừa sức. Bạn phải tuyệt đối tránh cách tập khi thì tập nhiều quá, khi lại chẳng tập gì. Các bài tập thể dục buổi sáng hướng dẫn trên truyền hình, tập yoga hay thể dục dưỡng sinh như thái cực quyền là phù hợp với người cao tuổi, giúp cải thiện chứng đau nhức. Khi bị đau do luyện tập, bạn nên dùng thuốc giảm đau giãn cơ theo chỉ dẫn của bác sĩ.           

 

   ThS.Phạm Vũ Hoàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]