Cải thiện dinh dưỡng để chống ung thư

GiadinhNet - Ngày 26/8, Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức chương trình “Vượt qua chán ăn – Chiến thắng ung thư” dành cho bệnh nhân ung thư.

0

Theo số liệu thống kê từ dự án Globalcan năm 2008 của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), mỗi năm có thêm 111.000 người Việt Nam mắc bệnh ung thư, số bệnh nhân tử vong hàng năm lên đến 82.000 người.

Ngày nay, với sự phát triển của y học, các phương pháp mới được ứng dụng vào chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu nên tỉ lệ điều trị thành công các bệnh ung thư ngày càng cao. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp nhưng do tâm lý chán nản, bỏ ăn khiến lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể không đủ, dẫn tới suy kiệt, giảm hiệu quả điều trị, thậm chí dẫn tới tử vong.

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Minh Hương, BV Ung Bướu Hà Nội, hơn 50% bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư đã đối mặt với chứng chán ăn làm cơ thể không thể nhập đủ các chất dinh dưỡng cần thiết nên không vượt qua được các liệu pháp điều trị. Chán ăn có thể xuất phát từ các nguyên nhân như yếu tố tâm lý. Khi được chẩn đoán bệnh ung thư, hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng căng thẳng, chán nản càng khiến tình trạng này trầm trọng hơn. Chán ăn còn do điều trị, người mắc ung thư thường phải phẫu thuật, xạ trịhóa trị. Các phương pháp điều trị này lại gây ra nhiều rối loạn đến tình trạng dinh dưỡng của người bệnh. Việc này dẫn đến 50 – 90% bệnh nhân ung thư bị sụt cân, hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị suy kiệt. Càng sụt cân, người bệnh càng mệt mỏi, chán ăn, tăng nguy cơ tiến triển bệnh, làm suy yếu đáp ứng miễn dịch và có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Theo GS.BS Phạm Duy Hiển, BV K Hà Nội, có nhiều nguyên nhân chán ăn như do khối u gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Khắc phục tình trạng chán ăn là rất quan trọng cho quá trình điều trị ung thư lâu dài. Nếu không quan tâm đúng về dinh dưỡng thì dù ung thư có được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh cũng khó lòng tiếp cận tốt với các phương pháp điều trị bệnh vốn thường khá nặng nề như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Điều trị dinh dưỡng phải được đặt ra ngay từ khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư và luôn song hành với các biện pháp điều trị đặc hiệu.

Theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, có khoảng 20-30% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt vì cơ thể đói chứ không phải vì tế bào ung thư.   
 
Vân Khánh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]