Cảm giác ớn lạnh, mỏi tay chân, khó thở... bị bệnh gì?

Cho đến 19g chiều nay, ngày 6/5, có rất nhiều email và cuộc gọi đến nhờ BS Lan Hương tư vấn. Mời bạn theo dõi nội dung tư vấn ngày hôm nay.

0
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Thanh Trúc - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Em tên là Thanh Trúc, em 21 tuổi. 2 hôm nay ngón chân cái (bên phải) của em bị đau giống như đau khớp xương nhưng không sưng. Bác sĩ cho em hỏi vậy là triệu chứng của bệnh gì vậy? Xin cảm ơn bác sĩ!


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em

Đau vùng ngón chân cái có thể đau do cơ học hay đau do viêm. Các tổ chức vùng ngón chân cái thì ngoài khớp xương còn có mô mềm, móng... Do đó chỉ dựa vào thông tin “đau” chưa thể định khu được bệnh. Tôi khuyên em nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, từ đó có hướng xử lý thích hợp riêng cho từng loại bệnh, em nhé.

- Nguyễn Thanh Vân - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Bác sĩ ơi dạo này em hay bị ớn lạnh từ sau gáy xuống giữa lưng. Sau khi ngủ trưa ở công ty dậy là em lại bị kèm theo mỏi 2 cánh tay, khó thở. Hiện tượng này kéo dài đến khi nào em rời khỏi công ty một lúc và buổi sáng thường không bị.

Em cao: 1m58, nặng: 40kg và làm việc trong phòng máy. Có phải em bị cảm lạnh không? Em đã dùng thuốc cảm nhưng không có tác dụng. Hiện tượng này kéo dài hơn 2 tuần rồi. Bác sĩ tư vấn giúp em. Xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

“Cảm lạnh” là thuật ngữ dân gian thường chỉ tình trạng nhiễm virus cúm mùa, gây ra các khó chịu toàn thân và mũi họng; các thuốc trị cảm thường có thành phần là paracetamol, chỉ điều trị giảm đau hạ sốt không đặc trị bệnh.

Cảm lạnh thường chỉ kéo dài vài ngày, không kéo dài đến 2 tuần. Cảm giác ớn lạnh, mỏi tay chân, khó thở có thể do em đang bị suy nhược cơ thể, thiếu máu thiếu chất, làm việc căng thẳng... mà ra.

Tốt nhất em nên đi khám tổng quát, nếu kiểm tra cho thấy chưa có biến đổi gì bất thường nhờ cơ thể em còn bù trừ được, thì em chỉ cần thay đổi lối sống, bằng cách tăng cường bổ sung thêm các vi khoáng chất như canxi D, Magie B6, vitamin, sắt... có trong viên multivitamin hoặc từng loại dược chất riêng.

Em nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý và quan trọng nhất là nên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng và giải tỏa đầu óc, em nhé.

- Le Dai Cuong - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Năm nay cháu 17 tuổi. Cháu bị lên quai bị cách đây 6 ngày. Ban đầu cháu bị sưng 1 bên nhưng 2 ngày sau thì sưng cả 2 bên. Vài hôm sau khi trên hàm đã xẹp thì lại sưng ở cổ và hiện tại là sưng ở trước ngực. Cháu muốn hỏi là bệnh của cháu có bị sao không sao lâu hết vậy? Sau này cháu có bị vô sinh do bệnh để lại không? Xin cảm ơn bác sĩ.  

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai do virus quai bị, bởi vì biểu hiện phổ biến nhất là viêm tuyến mang tai không hóa mủ.

Bệnh thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, bệnh có thể sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai, vùng sưng viêm có thể lan đến má, dưới hàm và có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Khi có biểu hiện phù trước xương ức là biểu hiện bệnh phức tạp, cần theo dõi sát, tốt nhất nên nằm viện theo dõi.

Biến chứng vô sinh do quai bị là khi có viêm tinh hoàn và mào tinh 2 bên, hiện giờ thì em chưa có biến chứng này nên chưa cần lo sợ việc vô sinh. Nhìn chung, em cần phải đến khám để các bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn xử lý thích hợp, có khi cần phải nhập viện theo dõi nếu như em thật sự có phù trước xương ức do quai bị.

- Chau Nguyen - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Em là nam, năm nay 22 tuổi, đang là sinh viên. Cách đây hơn 1 tuần, em luôn cảm thấy hơi thở mình không được sâu, không đủ hơi, muốn hít đủ hơi rất khó. Hôm nay, lúc ngủ dậy em bắt đầu bị viêm phần phía dưới mũi, bên trên miệng, có đàm loãng, gần đây em uống khá nhiều nước đá, nước ngọt có gas. Em có sử dụng thuốc lá và bia rượu, thức khuya. Vậy bác sỹ có thể cho em biết em đang mắc phải trường hợp gì không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Cảm giác thở thiếu hơi, cạn hơi của em có thể do nhiều nguyên nhân, như bệnh lý ở vùng hầu họng, bệnh lý của cơ quan hô hấp, cũng có thể là biểu hiện của suy nhược cơ thể là hậu quả của lối sống và sinh hoạt thường ngày của em trong thời gian qua.

Em cần đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để bác sĩ kiểm tra xem em có bệnh lý tiềm ẩn nào không, nếu loại trừ được các tổn thương thực thể, có thể tạm thời quy kết nguyên nhân gây thở thiếu hơi của em là do suy nhược cơ thể, em chỉ cần điều chỉnh lại lối sống của mình.

Em nên hạn chế bia rượu thức khuya, không hút thuốc lá, ăn uống điều độ và tập thể dục, chơi thể thao là dần lấy lại được sức khỏe nhé.

Nguyễn Thị Nga – [email protected]

Chào bác sĩ,

Cách đây hơn 1 tháng cháu có đi xét nghiệm HBsAg thì cho kết quả âm tính 0.894, nhưng lần này cháu đi xét nghiệm lại thì cho HBsAg dương tính 1453 và Antihbs 2. Tại sao hai lần xét nghiệm cùng 1 bệnh viện lại cho kết quả hoàn toàn khác nhau ạ? Xin bác sĩ trả lời thắc mắc của cháu với ạ? Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Kết quả xét nghiệm HBsAg từ âm tính sang dương tính trong vòng 1 tháng có thể gặp trong 3 trường hợp chính sau:

- Một trong hai lần kiểm tra cho kết quả sai, có thể do mẫu bị nhiễm bẩn, nhầm mẫu, trả nhầm kết quả...
- Em vừa mới nhiễm virus gây viêm gan siêu vi B (HBV), vì ban đầu nồng độ virus thấp nên kết quả dưới ngưỡng phát hiện nhưng theo thời gian nồng độ virus tăng dần.
-Nếu trước đây em đã từng bị viêm gan siêu vi B và đã điều trị khỏi hay cơ thể tự đào thải virus, HBsAg đã âm tính nhưng nay hệ miễn dịch cơ thể bị suy giảm và virus tái hoạt động.

Để chắc chắn về vấn đề này, em có thể lựa chọn làm lại xét nghiệm định lượng HBsAg tại 1 bệnh viện khác, hoặc làm định lượng nồng độ virus trong máu HBV-DNA (khá tốn kém), kiểm tra men gan, siêu âm bụng là những xét nghiệm cần thiết khác để đánh giá toàn diện xem có thực sự nhiễm HBV hay không.

Nhiễm HBV này có gây viêm gan hay không, lựa chọn điều trị như thế nào và tiên lượng bệnh ra sao, một số bác sĩ chuyên khoa gan mật cũng có thể đề nghị kiểm tra HBeAg, Anti HBe, Anti HBc IgM đi kèm, đây là những xét nghiệm có liên quan đến viêm gan siêu vi B, nhưng trước mắt cần chắc chắn xem em có nhiễm HBV không đã nhé.

- Lê Thái - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Tôi năm nay 29 tuổi, tôi vừa xét nghiệm máu thấy bạch cầu của tôi tăng cao là 13,1. Tôi bị đau đầu, sốt ho rát họng. Xin hỏi bác sĩ như thế là tôi bị bệnh gì? Có phải bị ung thư máu không? Xin cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Bạch cầu tăng cao song song với tình trạng viêm nhiễm cấp (sốt, đau họng) thì việc tăng bạch cầu là do cơ thể đang chống trả với các tác nhân xâm nhập cơ thể bằng cách tăng tạo bạch cầu - là các tế bào có nhiệm vụ tiêu diệt các tác nhân gây hại; nói cách khác, đây là phản ứng bình thường của cơ thể.

Khi cơ thể hết hiện tượng viêm, hết sốt và đau họng thì bạch cầu sẽ về lại mức bình thường.

Nếu trong điều kiện cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh mà bạch cầu vẫn tăng cao, thì nên đến khám chuyên khoa huyết học, ung thư máu chỉ là 1 trong các bệnh lý làm bạch cầu tăng cao, nhưng bệnh hiếm gặp và thường kèm các rối loạn khác. Tôi khuyên bạn trước hết hãy khám bác sĩ và điều trị bệnh viêm họng của mình trước.

- Lê Mạnh - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Hôm vừa rồi em đi nội soi dạ dày thì nhận được kết quả: Thực quản: niêm mạc bình thường, không hẹp, không bứu Đường Z cách cung răng trên 39cm; Tâm vị: bình thường; Phình vị: bình thường; Thân vị - BC Lớn: bình thường; Hang vị: Viêm mạc viêm sung huyết; Góc BCN: Viêm mạc viêm sung huyết; Môn vị: tròn đều không hẹp; Hành tá tràng: bình thường; D2: tá tràng bình thường; Thủ thuật: Clotest. Kết luận: Viêm hang vị. Và trên kết quả có đóng dấu đỏ là Dương tính. Em rất bi quan khi hỏi bác sĩ khám bệnh thì chỉ được trả lời hời hợt. Em không biết tình trạng của mình là thế nào và phương pháp điều trị ra sao. Càng hoang mang hơn khi nghe có người nói góc BCN bị Viêm sung huyết là rất nguy hiểm? Kính mong được lắng nghe ý kiến tư vấn của bác sĩ. Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Hiện em đang bị viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylory. Bệnh không đến nỗi nguy hiểm như em hoang mang, đây là bệnh lý khá thường gặp hiện nay.

Bờ cong nhỏ và hang vị là vị trí thường bị viêm loét nhất, loét dạ dày do Hp thì có khả năng chuyển thành ung thư và cũng thường ở vị trí bờ cong nhỏ, do đó từ “nguy hiểm” có nghĩa là vậy.

Tuy nhiên, hiện em chỉ bị viêm sung huyết mà thôi, em chỉ cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và tái khám theo hẹn để kiểm tra xem đã tiệt trừ thành công Hp hay chưa là bệnh sẽ khỏi và không để lại di chứng gì.

- Nguyen Linh Chi - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Mới đây, cháu có đi xét nghiệm viêm gan siêu vi B ở Viện Pasteur TPHCM. Kết quả nhận được là HBsAg âm tính 0.433 (COI<1.0), anti="" hbs="" dương="" tính="" 256.16=""><10) ui/l,="" total="" anti="" hbc="" dương="" tính="" 0.005="" (coi="">1.0). Với kết quả như vậy cháu có cần chích vaccine không vậy ạ! Cháu xin cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Hiện em đã có kháng thể bảo vệ khỏi HBV và lượng kháng thể này cũng khá cao, em không cần chích vaccine ngừa HBV nữa, em nhé.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, lượng kháng thể có thể giảm, em nên kiểm tra lại Anti HBs, nếu xuống thấp dưới 100 UI/L thì em nên tiêm nhắc lại 1 mũi.

Huyen Trang - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Tôi 28 tuổi, ở cánh tay và cẳng chân xuất hiện những mảng tím dưới da. Không đau, không ngứa, không nổi cục phồng. Xoa bóp thì những mảng đó hết, một lúc sau lại nổi lên. Không có các triệu chứng kèm theo: Sốt, sưng đau khớp, ban mề đay, thiếu máu, nổi hạch... Tôi chưa dùng thuốc gì để điều trị xuất huyết tiền sử về gia đình: không có ai mắc bệnh tương tự. Liệu tôi có phải bị viêm mạch, viêm thành mạch dị ứng hay xuất huyết? Nguyên nhân gây ra bệnh này? Tôi có cần làm xét nghiệm gì không? Đây là bệnh cấp hay mãn tính, có thể tự khỏi được không? Các phương pháp điều trị là gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Nếu những mảng bầm tím ở da là do xuất huyết dưới da thì khi đè và xoa bóp không “mất đi rồi một lúc sau lại nổi lên” được.

Mặt khác, những mảng xuất huyết dưới da này chứng tỏ có rối loạn hệ thống đông cầm máu thì càng xoa nắn, đè ép sẽ càng tăng thêm, xuất hiện mới hay lan rộng ra.

Vì thế, thông tin bạn cung cấp khá mơ hồ, mà việc chẩn đoán bệnh không thể chỉ dựa vào lời khai của người bệnh, nhất thiết bác sĩ phải thăm khám và có thể làm một số xét nghiệm cần thiết khác nữa.

Do đó, tôi khuyên bạn nên đến khám tại cơ sở y tế đa khoa tin cậy, bạn có thể khám tổng quát trước, nếu có vấn đề về huyết học, có thể chuyển đến trung tâm huyết học để tầm soát kỹ hơn, từ đó mới định bệnh chính xác và có hướng điều trị thích hợp được.

- Phạm Thị Hương Lan - [email protected]

Chào bác sĩ!

Em đang là sinh viên, gần đây em hay bị nhức đầu kèm theo buồn nôn (nôn khan), chóng mặt khi di chuyển, thỉnh thoảng tối sầm mặt mày đứng không vững. Những lúc như vậy ngực em cảm giác hồi hộp, khó thở. Em có đi khám tim phổi nhưng bác sĩ nói không bị gì. Trong thời gian bị những triệu chứng trên em hay mắc tiểu đi nhiều lần. Thời gian nhức đầu khá dài và có hơi sốt. Cách đây hơn một năm, em có bị tai nạn giao thông nhưng đi khám khoa thần kinh bác sĩ nói không sao, em có đi khám BV 175, bác sĩ có chuẩn đoán em bị rối loạn tiền đình trong cùng thời gian bị tai nạn giao thông. Vậy xin hỏi bác sĩ những triệu chứng trên thì em bị bệnh gì? Cám ơn bác sĩ!   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Em đã đi khám nhiều nơi, nhiều bác sĩ và các bác sĩ cũng khẳng định hiện chưa phát hiện bệnh lý thực thể nào cả, thì nhiều khả năng các rối loạn kể trên là do em suy nhược cơ thể, căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu mà ra.

Trước mắt, em nên thay đổi chế độ sinh hoạt của mình trước, em cần tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là sữa, thịt bò vì tôi thấy em có thể thiếu máu. Kèm theo đó, em có thể bổ sung thêm các vi khoáng chất như canxi D, Magie B6, Vitamin, sắt... có trong viên Multivitamin hoặc từng loại dược chất riêng.

Em cũng nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng đầu óc và quan trọng nhất là nên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng và giải tỏa đầu óc, em nhé. Nếu sau vài tháng mà các triệu chứng kể trên không bớt, em có thể khám lại tại 1 cơ sở y tế có chuyên khoa nội thần kinh như BV 115, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TPHCM... nhé.

- Đào Thị Thúy Vân - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Mẹ cháu năm nay 47 tuổi. Gần đây mẹ cháu bị nổi hạch ở cổ. Đi khám ở BV K thì bác sĩ mới chỉ làm các xét nghiệm về máu, siêu âm; soi họng, tai thì kết luận là chưa xác định chính xác bị bệnh gì. Bác sĩ bảo phải mổ để lấy hạch xét nghiệm nhưng mẹ cháu chưa có điều kiện làm. Từ trước mẹ cháu vẫn bị bệnh về khớp, gần đây đi khám thì bác sĩ bảo bệnh về máu (máu không cân bằng hay gì đó cháu không rõ lắm - cháu ở xa). Cho cháu hỏi: 1. Nguyên nhân dẫn đến nổi hạch ở cổ của mẹ cháu. 2. bây giờ mẹ cháu chưa có điều kiện chữa trị thì có nguy hiểm không? 3. Bệnh có nguy hiểm không?

Mẹ cháu bị khớp từ nhỏ, bị đau dạ dày nữa. Mẹ cháu bị đau dây thần kinh gì đó nữa nhưng lúc đau lúc không. Xin cảm ơn bác sĩ.   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Hạch là cơ quan lympho tập trung các tế bào miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại.

Bình thường hạch ngoại vi không sờ chạm được do kích thước rất nhỏ. Khi hạch tăng kích thước hay dân gian gọi là “nổi hạch” thì có nhiều nguyên nhân, như hạch tăng sinh phản ứng để chống trả lại vi khuẩn, virus tấn công lên cơ quan lân cận, viêm hạch do vi khuẩn virus tấn công trực tiếp lên hạch, do bệnh lý của máu, do ung thư di căn...

Xét nghiệm chẩn đoán chắc chắn nhất bản chất của hạch là sinh thiết hạch làm giải phẫu bệnh. Tùy vào bản chất hạch là gì mới tiên lượng được bệnh nguy hiểm hay không, hạch viêm thì lành tính mà hạch có tế bào ung thư thì hẳn là ác tính. Tôi khuyên gia đình nên thu xếp để bác gái được làm sinh thiết hạch sớm.

- Trần Minh Trí - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Tôi năm nay 70 tuổi. Tôi muốn chích ngừa bệnh zona thần kinh. Tôi có đến Trung tâm chích ngừa thuộc BVĐK An Giang nhưng nhân viên y tế cho biết ở đây không có chích ngừa bệnh đó và cũng không biết ở đâu mà chỉ cho tôi. Sở dĩ tôi muốn chích ngừa là vì vợ tôi mới vừa bị bệnh này cách nay nửa tháng và hiện gần như đã khỏi. Xin bác sĩ chỉ giúp tôi ở đâu có chích ngừa bệnh này. Cám ơn bác sĩ.  

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bác,

Bệnh Zona (giời leo) là do sự tái hoạt động của Virus Herpes zoster (virus gây bệnh thủy đậu). Virus thủy đậu sau khi xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh thủy đậu, sẽ trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác và "thức giấc" bất kỳ lúc nào gây bệnh Zona khi cơ thể suy yếu.

Do đó, đã có Zona tức là virus đã có trong người rồi, do đó không thể chích ngừa Zona nữa. Tuy nhiên, nếu bác chưa từng bị thủy đậu, bác có thể tiêm Vaccine ngừa thủy đậu, không bị thủy đậu thì cũng sẽ không bị Zona

- Nguyễn Phúc - [email protected]

Xin chào bác sĩ,

Ba em hiện đang bị các bệnh: Xơ gan(virus C), đang điều trị lao phổi (chích và uống thuốc), giãn tĩnh mạch chân, viêm da dạy và giãn tĩnh mạch thực quản độ 1. Chân bố em sưng to (nhất là mu bàn chân). Vậy có cách nào để làm giảm sưng chân cũng như cải thiện tình trạng đau nhức chân do giãn tĩnh mạch ngoài việc dùng thuốc không ạ? E cảm ơn bác sĩ.            

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Phù chân do giãn tĩnh mạch ở chân thì sẽ xuất hiện khi đi lại nhiều, đứng nhiều hay duy trì lâu tư thế để thòng 2 chân, cả hai chân đều sưng phù và tăng dần lên trên kèm cảm giác bó ép, khi đưa chân cao hay xoa bóp chân thì chân bớt phù và cũng bớt cảm giác nặng chân.

Cần chú ý là đau nhức chân có thể do bệnh lý về khớp như thoái hóa khớp hay gặp ở người lớn tuổi, bệnh lý về thần kinh, động mạch... chứ không đơn thuần là suy van tĩnh mạch 2 chân.

Vì ba em hiện đang mang trong mình nhiều bệnh, do đó khi xuất hiện phù 2 chân có thể không đơn thuần chỉ là do suy van tĩnh mạch ở chân, mà có thể do xơ gan nặng lên, do suy giảm chức năng thận, bệnh lý tim mạch đi kèm, hay do suy dinh dưỡng...

Vì thế, khi xuất hiện phù 2 chân, em nên đưa ba đến khám bác sĩ. Còn vấn đề giảm sưng chân do suy van tĩnh mạch chân thì cách phòng ngừa chính là hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, đi lại nhiều, hay duy trì lâu tư thế để thòng 2 chân; nên kê cao chân khi nằm, gác chân khi ngồi và xoa bóp chân rất có hiệu quả.

                                                                    
Đây là chương trình tư vấn sức khỏe phục vụ cộng đồng - hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates - Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn gửi câu hỏi bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Gửi câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh online

+ Gửi đến email: [email protected]

+ Gọi điện thoại trực tiếp đến số 0976 328 725 hoặc 08 66 800 367 (từ 18 - 20h từ thứ 2 đến thứ 7).

Trân trọng,

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]