Cần bổ sung quy định về nhận tội thay

15.6041
ANTĐ - Thời gian gần đây, việc “nhận tội thay” ngày càng diễn biến phức tạp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những hệ lụy không nhỏ cho hoạt động tố tụng nói riêng và xã hội nói chung.Mặc dù vậy, quy định về xử lý người nhận tội thay hiện còn bỏ ngỏ.
Thực tế đã xảy ra, nhiều vụ án tuy nhỏ, đơn giản nhưng lại bị chính những người trong cuộc biến thành phức tạp do hành vi nhận tội thay. Hành vi này không chỉ làm rối loạn hoạt động tố tụng, đánh lừa cơ quan tiến hành tố tụng mà còn làm tăng nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, theo tôi, Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi cần bổ sung quy định để xử lý nghiêm những người nhận tội thay cho người khác, kể cả truy tố thêm về tội “không tố giác tội phạm” nếu xét thấy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Có thể ví dụ về hành vi nhận tội thay như sau: A làm chết người, sau đó dùng tiền, quyền, dùng ảnh hưởng của mình để B đồng ý nhận tội thay mình. Những thỏa thuận này diễn ra giữa A và B, song đây không phải trường hợp đồng phạm, cũng không phải hành vi che giấu tội phạm nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể khởi tố người thực hiện hành vi này về tội “Không tố giác tội phạm” hoặc “Che giấu tội phạm”. Bởi, người nhận tội thay không “biết rõ” người thuê mình có phạm tội hay không và cũng không hề tác động đến quá trình điều tra, xử lý người phạm tội.

 Bên cạnh đó, cả hai tội che giấu tội phạm và khai báo gian dối đều có xuất phát điểm là khai báo sai sự thật nhằm che đậy sự thực khách quan và làm lệch hướng điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng. Đối với tội che giấu tội phạm, dấu hiệu cấu thành phải có sự tác động làm thay đổi chứng cứ, xóa vết tích vụ án và có tác động giúp thủ phạm lẩn trốn. Trong khi đó, hành vi nhận tội thay là nhận hẳn trách nhiệm về mình, cũng có tính chất đánh lạc hướng và làm khó cơ quan điều tra nhưng nếu không có sự tác động làm thay đổi vết tích vụ án, giúp thủ phạm lẩn trốn thì không thể phạm tội che giấu tội phạm. Do vậy, không thể xử lý hành vi này về tội che giấu tội phạm.

Trong khi đó, tội khai báo gian dối chỉ áp dụng với các đối tượng là nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập lấy lời khai nhưng lại khai báo không đúng những gì mình biết. Tội này không nhất thiết phải biết người phạm tội là ai mà chỉ cần khai báo không đúng những gì mình biết trong vụ án. Còn hành vi nhận tội thay nhất thiết phải biết thủ phạm nhưng vì lý do nào đó mà đã không khai báo ra thủ phạm, đồng thời tác động che giấu đi tội phạm. Vì vậy, cũng không thể xử lý hành vi này về tội khai báo gian dối. 

Từ trước đến nay, do hành vi nhận tội thay người khác không bị xử lý hình sự nên nhiều người vì bị ép buộc, cần tiền hoặc vì một lý do nào đó đã chấp nhận nhận tội không do mình gây ra. Hành vi này đã giúp thủ phạm không bị phát hiện, có thời gian lẩn trốn, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Do vậy, để tránh bỏ lọt tội phạm, BLHS cần sớm bổ sung thêm “Tội nhận tội thay người khác” nhằm xử lý nghiêm những đối tượng vì vụ lợi cá nhân coi thường sự nghiêm minh của pháp luật.

Phạm Thị Minh Hồng (Cử nhân Luật khóa 21 - ĐH Luật Hà Nội)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]