Cần có cách nhìn khác

ANTĐ - Vàng với những đặc tính tự nhiên vốn có từ bao đời nay đã là phương tiện thanh toán và từ khi xuất hiện tiền giấy đã trở thành một trong những công cụ tích trữ quan trọng nhất của xã hội loài người. Nói như vậy để thấy vàng và cách ứng xử với vàng đã trở thành một bộ phận quan trọng không chỉ với kinh tế mà còn là với văn hóa con người. Và cũng vì vậy vàng và thị trường vàng có quy luật riêng của nó, với một nền kinh tế thị trường không thể bằng các mệnh lệnh hành chính có thể can thiệp vào nó mà không hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng.

15.62


Cần phải có một thị trường vàng tự do

Diễn biến thị trường vàng nước ta trong năm 2011, đặc biệt nửa cuối năm đã cho thấy hậu quả của việc can thiệp chưa được cân nhắc kỹ vào thị trường vàng. Không chỉ là giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá trên thị trường thế giới từ 7-10% mà còn là sự mất lòng tin vào thị trường tài chính, mất lòng tin vào nhiều thứ nữa để mọi người phải tự tính toán, tự lo cho mình, dẫn đến những rối loạn khó lường…Nhưng quan trọng nhất, chính là thái độ không thừa nhận vàng và thị trường vàng có những quy luật riêng của nó để những người điều hành trở thành những người muốn xâu mũi một con hổ dữ không có khả năng thuần phục mà cứ tưởng nó là một con trâu hiền lành và thảm cảnh loay hoay, khi thì chạy đường này khi thì chạy đường kia với những lý do cụ thể là…nó chạy, nó diễn biến…

“Vàng hóa” nền kinh tế

Chống “vàng hóa” nền kinh tế là một trong những biện minh của các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường vàng trong thời gian qua. Nhưng “vàng hóa” là gì? Khái niệm này chỉ xuất hiện khi nào vàng trở thành một phương tiện thanh toán. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi giá vàng trên thế giới biến động tăng cao liên tục và thất thường, trên thực tế ở nước ta vàng đã hầu như không trở thành phương tiện thanh toán. Người dân chỉ mua vàng để tích trữ, như công cụ tiết kiệm. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô luôn bất ổn, lạm phát liên tục tăng, sức mua đồng tiền VND luôn mất giá, chưa ổn định, chưa có khả năng chuyển đổi, nên người dân vẫn còn lo ngại, thì không thể cấm được họ mua vàng. Giữ vàng là truyền thống của dân Việt Nam, là quy luật chung của cả thế giới chứ không chỉ riêng ở nước ta. Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là “vàng hoá”. Nếu coi việc tích trữ tài sản bằng vàng là “vàng hóa” nền kinh tế thì hoàn toàn không đúng.

Vì vậy theo NĐ 24/CP việc siết chặt quy định kinh doanh vàng để loại bỏ khoảng 120.000 cửa hàng kinh doang vàng khỏi thị trường với mục đích ngăn cản người dân mua vàng tích trữ hoặc bán vàng làm vốn kinh doanh khi cần thiết là hành vi can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng, để rộng đất cho những kẻ kinh doanh trái phép kiếm lợi trên nhu cầu chính đáng của người dân. Thêm nữa việc công bố độc quyền thị trường vàng miếng của NHNN đã gây thêm khó khăn cho hoạt động bình thường của thị trường vàng, tạo thêm một thị trường vàng khác, thị trường vàng không có nhãn hiệu độc quyền nhà nước… càng làm phức tạp hơn. Hậu quả là vàng trở nên khan hiếm và giá vàng tăng cao hơn giá vàng thế giới là việc đương nhiên. Chưa kể trong tương lai để dẹp nạn buôn bán trái phép vàng không dẹp được chúng ta sẽ lại tiếp tục ban hành các chủ trương hạn chế buôn bán vàng chặt chẽ hơn và lúc đó không có nhà kinh tế nào lường được hậu quả…

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ một trong những mục tiêu năm 2012 là “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”. 

Nhưng trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày12-11-2012 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quan điểm không nhất thiết phải bình ổn giá vàng. Ông Nguyễn Văn Bình nói: “Nếu thấy rằng chênh lệch giá như thế mà phải bình ổn thì rõ ràng không có lý do để bình ổn, kể cả về mặt tác động đối với kinh tế vĩ mô cũng như bản chất của vàng miếng” và “liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”, như vậy chấp nhận giá Việt Nam không liên thông với quốc tế. 

Đây là hệ quả buông xuôi của một loạt chính sách dồn đọng thời gian qua và thể hiện sự bất lực của quản lý Nhà nước trước một thị trường rối ren và phức tạp. Hình ảnh chính sách chạy vòng quanh theo con hổ thị trường vàng đã thấy rõ.

Làm sao biến được vàng dự trữ thành vốn kinh doanh?

Theo dự báo, vàng dự trữ trong dân có khoảng trên 400 tấn chưa kể khoảng gần 100 tấn đang được gửi ở các ngân hàng. Nghĩa là có gần trăm tỉ USD vốn đang nằm ứ đọng ở vàng và một trong những ý chí của những người điều hành thị trường vàng là phải đưa số vốn này vào sản xuất kinh doanh. Nhưng đưa vào bằng cách nào?

Quan điểm của bên cổ vũ một thị trường tự do và bên hạn chế thị trường vàng hoàn toàn khác nhau. Nhằm thu hút các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội,  năm 2000,  NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có giấy phép hoạt động ngoại hối được huy động vốn bằng vàng. Với việc triển khai chính sách này, tính đến ngày 2-11-2012, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng khoảng gần 97 tấn, tương đương khoảng 120 nghìn tỷ VND, chiếm khoảng 3% tổng phương tiện thanh toán (M2), đã giảm nhiều so với mức gần 6% vào cuối năm 2011. Theo quan điểm của bên ủng hộ việc hạn chế thị trường vàng là quy định cho phép huy động vốn bằng vàng đã cho phép vàng thực hiện một phần chức năng tiền tệ ở mức độ nhất định (có thể gọi là “vàng hóa” chính thức trong hệ thống ngân hàng). Vàng gửi vào hệ thống ngân hàng, rồi được cho vay ra đã tham gia vào hệ số tạo tiền của các ngân hàng.  

Mặc dù mấy năm gần đây, tập quán sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán song hành với đồng Việt Nam đã dần mất đi, vàng chủ yếu được sử dụng làm công cụ tích trữ, nhưng do nhu cầu tích trữ/gửi tiết kiệm vàng miếng của dân ngày càng tăng (một phần do kỳ vọng giá thế giới tăng, một phần do các TCTD vẫn huy động vàng). Việc đầu tư, đầu cơ có nguy cơ quá mức vào vàng đã gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế-xã hội, rủi ro cho người dân mua vàng/ người vay vàng, và các tổ chức kinh doanh vàng (trong đó có TCTD) khi giá vàng liên tục tăng cao. Sự mất cân bằng cung cầu trong thời gian ngắn làm cho giá vàng trong nước có mức chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Để ổn định thị trường, NHNN phải cho phép nhập khẩu vàng, do vậy, ảnh hưởng lớn đến cân đối cung cầu ngoại tệ. Năm 2011, để bình ổn giá, NHNN đã phải nhập khẩu 15 tấn vàng nguyên liệu với giá 50 triệu USD/tấn (tổng số ngoại tệ nhập khẩu vàng gần bằng nửa  kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2011 của Việt Nam). Dự trữ ngoại hối của quốc gia khó có khả năng liên tục năm nào cũng đi nhập khẩu vàng để bình ổn giá trong khi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. 

Đồng thời, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, thường xuất hiện tình trạng nhập khẩu vàng lậu, sản xuất vàng miếng lậu, từ đó gây ảnh hưởng bất lợi tới thị trường ngoại tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô. 
Bên phía ủng hộ một thị trường tự do cho rằng chuyển đổi tự do vàng tiền, huy động vốn bằng vàng là một biện pháp thị trường cần thiết để biến lượng vàng dự trữ thành vốn sản xuất kinh doanh. Vàng trên thế giới được coi tương đương như ngoại tệ, được dự trữ và kinh doanh bình thường. Vốn ngoại tệ dự trữ cũng được gửi ngân hàng, tại sao lại ngăn vàng gửi ngân hàng. Nếu nói để thị trường vàng tự do sẽ làm ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế sợ rằng không chuẩn. Trung bình lượng vàng nhập khẩu về Việt Nam trong giai đoạn 1990-2011 xấp xỉ 25 tấn/năm, tức chỉ tương đương 1,5-2 tỷ USD/năm - chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nhập khẩu so với các mặt hàng khác (ô tô, xe máy, điện thoại di động, hàng tiêu dùng, xăng dầu....). Trong khi đó, vàng là hàng hoá có thể tái tạo ngoại tệ, còn các hàng hoá khác thì không. Trên thực tế nhiều năm chúng ta đã xuất khẩu vàng nữ trang thu về không ít ngoại tệ. Còn về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại…không phải là do thị trường vàng mà do các biện pháp quản lý thị trường chưa chặt chẽ, do tham nhũng… Không thể nói do không quản lý được buôn lậu và gian lận nên phải cấm kinh doanh vàng.

Ngay trên diễn đàn Quốc hội, đã có một đại biểu chất vấn: Hình như Chinh phủ có ý tiêu diệt thị trường vàng chứ không phải điều hành nó. Theo quan điểm của chúng tôi chỉ có thể thay đổi cách điều hành, dựa theo sự vận hành của các quy luật thị trường, mở của thị trường vàng liên thông với thế giới… mới có thể ổn định được thị trường và đưa thị trường vàng hỗ trợ nền kinh tế. 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]