Cần cơ chế phù hợp cho quỹ hưu trí bổ sung

Bảo hiểm hưu trí bắt buộc chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người về hưu l Nên thể chế hóa việc trích lập quỹ hưu trí bổ sung, cho phép hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp

15.5411
"Đã đến lúc chúng ta cần phải cải thiện hình ảnh của các cụ già hưu trí để hưu trí không đồng nghĩa là những người già và nghèo, phải nương nhờ sự cưu mang của con cái hoặc trông chờ sự hỗ trợ của xã hội”- ông Nguyễn Hữu Thiết, Giám đốc nhân sự Công ty Dutch Lady VN, đã nói như vậy khi đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng quỹ hưu trí bổ sung (HTBS) cho người lao động (NLĐ). Quỹ HTBS rất cần thiết Có thể nói, quy định khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Luật BHXH (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007) không quá 20 tháng lương tối thiểu, đang tạo sự quan tâm sâu sắc của doanh nghiệp (DN) và NLĐ. Bà Huỳnh Thu Hường, thành viên của Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham), cho rằng: “Quy định này tác động nhiều đến chính sách thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nhất là nhân lực cao cấp đang thiếu trầm trọng trên phạm vi cả nước. Thu hút chất xám không chỉ bằng chăm lo trước mắt mà còn phải đãi ngộ lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay, bảo hiểm hưu trí bắt buộc chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người về hưu: Không có quỹ hỗ trợ mua nhà ở (ở Singapore, NLĐ có thể đóng góp lương hằng tháng vào quỹ BHXH và dùng quỹ này để mua nhà hay đầu tư sinh lợi); tiền lương không đủ để trang trải các nhu cầu tối thiểu như ăn, uống, chữa bệnh. Giải trí, du lịch trở thành xa xỉ...”. Giải pháp cho vấn đề này, theo bà Kiều Thị Kim Hoàn, Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics – KCN Việt Nam-Singapore: “Hiện nay, đối với các DN nước ngoài, việc giữ nhân viên giỏi rất được quan tâm. Ngoài lương, DN còn có nhiều chính sách phúc lợi khác để giữ lao động. Việc khống chế đóng BHXH đã khiến nhiều DN phải tìm một loại hình bảo hiểm khác để giúp nhân viên an tâm làm việc. Tại công ty chúng tôi, sắp tới, để bù lại phần chi phí cho nhân viên khi bị ốm đau, thai sản, công ty sẽ mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại các bệnh viện quốc tế. Nếu có một loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì sẽ tốt hơn cho DN”. DN và NLĐ sẵn sàng thực hiện Quỹ HTBS hiện được nhiều nước áp dụng. VN đang hội nhập nên chắc chắn đây cũng là một xu thế. Nhiều DN đã “đón đầu” bằng cách chuẩn bị cho ra đời quỹ HTBS. Bà Lê Thị Ngọc Hương, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Công ty Tư vấn Bảo hiểm Aon, cho biết: Công ty và Quỹ Đầu tư chứng khoán VN đang xây dựng một quỹ HTBS, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2007. Giám đốc một DN cơ khí ở quận Tân Bình cũng cho biết, tuy thu nhập bình quân của NLĐ chưa cao, nhưng công ty cũng đã xây dựng quỹ HTBS cho những NLĐ có thời gian gắn bó với công ty từ 5 năm trở lên. “Quỹ HTBS không chỉ khuyến khích NLĐ tiết kiệm vì lợi ích lâu dài, mà còn tăng cường sự gắn bó giữa NLĐ với DN. “Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục cho việc ra đời quỹ HTBS. Nếu không có gì thay đổi, cuối quý I/2007, quỹ sẽ hoạt động”- ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốëc Công ty LD Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán VN, cho biết như vậy. Ông Tân hy vọng sự ra đời của quỹ sẽ là một giải pháp, một công cụ mới cho chính sách nhân sự của các DN trong cuộc chạy đua để thu hút và giữ nhân tài như hiện nay. Tạo điều kiện để chăm lo cho NLĐ Xã hội hóa BHXH là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, cái vướng của cả DN lẫn NLĐ là cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Ông Nguyễn Hữu Thiết nhìn nhận: “Công bằng mà nói, việc điều chỉnh mức đóng BHXH là nhằm bảo đảm an toàn cho quỹ BHXH và thực hiện nguyên tắc cơ bản của BHXH là san sẻ nên không thể có cách biệt nhiều. Ở nhiều nước trên thế giới, phần bảo hiểm hưu trí của Nhà nước luôn luôn có giới hạn và thường không nhiều lắm. Do vậy, xã hội hóa BHXH là phù hợp. Vấn đề là cần có những chính sách để chủ trương này trở thành hiện thực”. Ông Thiết đề nghị, nên thể chế hóa việc trích lập quỹ HTBS và cho phép hạch toán vào chi phí hợp lý của DN. Về phía NLĐ, số tiền trích mua HTBS được phép trích trước thuế thu nhập cá nhân; chỉ khi nào nhận lương hưu hoặc khi kết thúc hợp đồng bảo hiểm mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thu Hương, quản lý nhân sự Công ty Tư vấn Sinh Minh, cho rằng: “Nhà nước nên có hướng mở cho các DN có chính sách khuyến khích NLĐ tích cực hơn trong quá trình làm việc để sau này có nguồn thu nhập ổn định khi nghỉ hưu”. Một chính sách thông thoáng về HTBS, tạo điều kiện cho DN chăm lo cho NLĐ có cuộc sống tốt đẹp hơn, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình cao của xã hội.
ÔNG ĐẶNG NGỌC TÙNG, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC TỔNG LĐLĐ VN: Sẽ kiến nghị để Nhà nước sớm ban hành chính sách Nhà nước luôn khuyến khích DN chăm lo, đãi ngộ để NLĐ gắn bó lâu dài, phát huy tối đa năng lực để đóng góp cho DN nói riêng và xã hội nói chung. Tổ chức Công đoàn rất ủng hộ việc làm này. Chúng tôi sẽ kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho DN và NLĐ thực hiện. ÔNG CAO VĂN SANG, PHÓ GIÁM ĐỐC BHXH TPHCM: Không nên đánh thuế vào khoản chi HTBS

Để giải quyết vướng mắc về việc hạch toán các khoản đóng cho quỹ HTBS, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh cho hợp lý, tức là DN không phải chịu thuế về khoản chi này. Khi góp ý xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH, chúng tôi đã đề nghị đưa vấn đề này vào để DN không bị ảnh hưởng khi thực hiện các quyền lợi liên quan đến BHXH của NLĐ.

Hội thảo “Tiến đến xã hội hóa bảo hiểm xã hội”

Tiếp theo loạt bài về vấn đề khống chế mức trần đóng BHXH và xây dựng mô hình quỹ hưu trí bổ sung, Báo Người Lao Động và CLB Nhân sự Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo “Tiến đến xã hội hóa BHXH”. Hội thảo sẽ diễn ra vào 8 giờ 30 ngày 12-12 (thứ ba) tại khách sạn Windsor, số 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5 –TPHCM. Quý doanh nghiệp và đại biểu có nhu cầu tham gia, xin liên hệ bà Đỗ Hoàng Bích Vân, quản lý nhân sự Công ty Ogilvy & Mather Vietnam. Địa chỉ: Tầng 16, tòa nhà Sunwah Tower – 115 Nguyễn Huệ, quận 1- TPHCM. ĐT: 8219529 (133). Email: [email protected].

PHẠM HỒNG VÂN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]