Cân nhắc giữa lợi ích và những điều không mong muốn của vaccine

GiadinhNet - Đợt dịch sởi diễn ra vừa qua cho thấy nhiều người chưa thực sự hiểu hết các lợi ích của việc tiêm vaccine. Trong buổi Giao lưu trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè của báo Gia đình & Xã hội, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế đã có những trả lời thẳng thắn về vấn đề này và cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến phòng chống dịch bệnh lây nhiễm.

15.6102

Bệnh mùa hè và câu chuyện vaccine

Độc giả Nguyễn Diệp Chi - [email protected] - Nữ 28 tuổi: Xin ông cho biết, các bệnh mùa hè thường là những bệnh gì? Trong mùa hè năm nay có những bệnh khác biệt nào có thể xảy ra ở nước ta?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chào bạn, có rất nhiều bệnh lưu hành tại nước ta, cả mùa hè và những mùa khác như bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh cúm...

Vào mùa hè thì các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh viêm não vi rút có xu hướng gia tăng mạnh hơn do điều kiện thời tiết thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Do đó, vào dịp hè chúng ta cần phải lưu ý nhiều hơn đối với các bệnh này. Chúng ta cần lưu ý phòng tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm thông qua việc ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm; phòngbệnh viêm não vi rút thông qua việc tiêm vac xin viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải chú ý phòng các bệnh khác như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm...
Không tiêm vaccine là nguyên nhân chính khiến bênh sởi dễ lây lan

Độc giả Mai Thế Hiển - [email protected] - Nam 35 tuổi: Chắc ông có nghe câu chuyện về 1 bà mẹ tại Mỹ tẩy chay việc tiêm vaccine vì bà cho rằng việc tiêm này là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tự kỷ của con bà. Ông bình luận gì về câu chuyện này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cảm ơn bạn đã quan tâm và thẳng thắn đưa câu hỏi. Đó cũng là nhiều mối băn khoăn chung của không ít các bà mẹ. Về câu chuyện này, chúng tôi cũng có nghe được qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên Cơ quan y tế Mỹ chưa có thông tin chính thức về vấn đề này.

Theo quan điểm của chúng tôi thì mỗi biện pháp phòng chống đều có mặt lợi và tác dụng không mong muốn. Về mặt có lợi, hầu hết các vac xin có tác dụng phòng bệnh một cách hiệu quả nhất đối với mầm bệnh mà vac xin phòng, một số vac xin hiệu lực phòng bệnh tới 95%. Về tác dụng không mong muốn, hầu hết là những phản ứng tại chỗ nơi tiêm, có một tỉ lệ rất thấpphản ứng toàn thân như sốt hoặc sốc phản vệ, nhưng nếu được theo dõi sát sau khi tiêm thì cán bộ y tế vẫn xử lý được. Như vậy, chúng ta cần phải cân nhắc giữa những lợi ích mà vac xin mang lạivà điều không mong muốn mà vac xin gây ra.

Sau vaccine sởi, nhu cầu về vaccine thủy đậu tăng đột biến

Độc giả Phạm Thúy Phương - [email protected] - Nữ 30 tuổi: Con gái tôi mới tiêm 1 mũi vaccine sởi từ lúc nhỏ nhưng nghe những thông tin về vaccine đã khiến gia đình lo lắng không cho cháu tiêm tiếp. Giờ cháu đã 7 tuổi, có thể tiêm tiếp 1 mũi hay phải tiêm lại từ đầu là 2 mũi sởi?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Câu hỏi của bạn là băn khoăn của nhiều bà mẹ. Vac xin sởi là một trong những vac xin có hiệu lực cao. Khi tiêm một mũi có hiệu lực từ 80-85%, tiêm hai mũi có hiệu lực từ 90-95%. Con bạn đã tiêm một mũi nghĩa là có thể đã có miễn dịch với sởi. Song để có miễn dịch một cách bền vững, con bạn phải tiêm mũi hai. Việc tiêm mũi hai cách mũi 1 ít nhất là một tháng. Hiện nay con bạn đã 7 tuổi, bạn phải cho con bạn đi tiêm tiếp mũi 2 và không cần phải tiêm lại từ đâu hai mũi sởi.

Độc giả Huyen Trang - [email protected] - Nữ 27 tuổi: Con gái tôi đã tiêm hai mũi sởi thời điểm 9 tháng và 18 tháng, Hiện tôi muốn tiêm phòng Thủy Đậu và Rubella cho cháu, tôi có thể sử dụng mũi ba trong một (Sởi, thủy đậu, Rubella) không, hay phải tiêm riêng lẻ các mũi, Xin cảm ơn.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Ý thức của bạn khi cho con tiêm đủ hai mũi sởi là rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao ý thức của bạn và các bà mẹ khác khi tiếp tục cho con đi tiêm phòng vac xin 3 trong một (sởi, thủy đậu, rubella) để cháu không những được bảo vệ không bị mắc sởi mà còn không bị mắc thủy đậu và rubella, đặc biệt rubella là bệnh gây nhiều dị tật bẩm sinh cho các thai nhi khi các bà mẹ đang mang thai mắc bệnh. Bạn không phải tiêm riêng lẻ các mũi.
Vaccine vẫn là cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất

Độc giả Nguyễn Hồng Anh - [email protected] - Nữ 27 tuổi: Con trai tôi được 16 tháng tuổi, đã tiêm phòng 1 mũi vacxin sởi. Tôi xin hỏi bây giờ tôi muốn cho con tiêm mũi vacxin 3 trong 1 (sởi-quai bị-rubela) có được không? và phải tiêm mấy mũi nữa ạ?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Con bạn 16 tháng tuổi, đã tiêm được một mũi phòng sởi, nghĩa là con bạn phải tiêm một mũi nhắc lại vào thời điểm cách mũi tiêm đầu tiên ít nhất 1 tháng. Bạn cũng có thể cho cháu tiêm mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) nhưng phải cách mũi tiêm trước ít nhất một tháng.

Độc giả Nguyễn Tiến Anh - [email protected] - Nam 30 tuổi:Chúng tôi đang rất lo lắng vì bệnh thủy đậu, có thông tin là không có vaccine. Tôi phải làm gì để phòng bệnh cho con?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chào bạn, thứ nhất, thủy đậu là bệnh lưu hành ở Việt Nam, lây theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp từ việc đưa tay có mang vi rút lên miệng, mũi.

Trước kia khi chưa có tiêm phòng thì hầu hết mọi người đều có thể mắc thủy đậu. Bệnh thường nhẹ, triệu chứng chủ yếu là các nốt phồng trên da. Khi khỏi thường không để lại sẹo, chỉ trừ khi bội nhiễm gây nhiễm trùng.

Hiện nay, đã có vac xin phòng bệnh thủy đậu nhưng vac xin thủy đậu chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (do chương trình tiêm chủng mở rộng được đầu tư của nhà nước nên được tiêm miễn phí mới chỉ ưu tiên được 11 bệnh nguy hiểm cho trẻ em). Việc tiêm vac xin thủy đậu đang được thực hiện dưới hình thức tiêm dịch vụ. Trong thời gian gần đây, do nhu cầu tăng cao đột biến của người dân so với các năm trước, do đó việc nhập khẩu vac xin không kịp với nhu cầu của người dân, gây nên hiện tượng thiếu vac xin tiêm cục bộ trong một thời gian ngắn.

Hiện các công ty đã nhập vac xin thủy đậu và cung cấp cho các điểm tiêm chủng dịch vụ. Bạn có thể đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm cho cháu.

Độc giả Trần Diệu Linh - [email protected] - Nữ 40 tuổi: Con trai tôi năm nay 8 tuổi thì có tiêm viêm não Nhật Bản được không? Nhân viên TTYT dự phòng tỉnh Quảng Ninh trả lời là chỉ tiêm từ 1-6 tuổi thôi. Tôi muốn hỏi chuyên gia là nhân viên của TTYT trả lời có đúng không ? Tôi xin cảm ơn.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là sử dụng vaccine để phòng bệnh. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay tổ chức tiêm cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Con bạn hiện 8 tuổi, chưa tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thì vẫn nên tiêm. Tuy nhiên, bạn phải đưa con đi tiêm theo hình thức tiêm dịch vụ. Cảm ơn bạn.

Chưa thể tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

Độc giả Nguyễn Duy Quang - [email protected] - Nam 38 tuổi:Thưa ông, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng bệnh sởi; Tuy nhiên cũng có một số trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh, như vậy có cần phải thay đổi lịch tiêm sớm hơn để phòng bệnh cho trẻ không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Câu hỏi của bạn rất hay. Sởi là một bệnh rất dễ lây lan. Tất cả các trường hợp nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Việc tiêm phòng là biện pháp tốt nhất bảo vệ cho con bạn khỏi bị sởi. Tuy nhiên lịch tiêm chủng cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng mũi 1 là lúc trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 là lúc trẻ được 18 tháng tuổi. Còn đối với vac cin MA (vac xin phòng sởi và rubela hiện đang tiêm dưới hình thức tiêm dịch vụ) áp dụng tiêm mũi 1 lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 là lúc trẻ được 4 tuổi.

Việc đưa ra lịch tiêm như vậy là căn cứ vào trẻ dưới 9 tháng tuổi còn có miễn dịch của mẹ truyền sang. Và việc tiêm từ 9 tháng tuổi trở lên đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho việc đáp ứng miễn dịch của trẻ. Đồng thời việc không tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng dựa trên khuyến cáo của các nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới để đảm bảo tính miễn dịch và tính an toàn cho trẻ.

Như vậy vẫn có những trẻ dưới 9 tháng tuổi có khả năng mắc bệnh. Vì vậy, trong khi chờ bé được 9 tháng tuổi, bạn nên giữ gìn con bạn,hạn chế tiếp xúc với những nguồn lây bệnh như việc tiếp xúc với bệnh nhân sởi, đi đến chốn đông người... Những người chăm sóc trẻ cũng phải thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh như giữ gìn tay sạch để tránh có thể lây truyền trung gian từ nguồn bệnh sang trẻ...

Độc giả Đỗ Hồng - [email protected] - Nữ 31 tuổi: Cháu chào chú Trần Đắc Phu! Hiện tại cháu có 2 bé nhỏ gần 4t và gần 1 tuổi. Bé đầu nhà cháu rất hay ốm, chủ yếu là bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vừa rồi cháu gặp 1 người bạn bảo con họ cũng hay ốm nhưng tiêm vacxin phòng cúm thì thấy đỡ rất nhiều và con khỏe lên. Cháu đang định cho cả 2 bé đi tiêm luôn vacxin cúm nhưng nhiều người lại bảo vacxin này chỉ phòng được 1 loại virut cúm thôi, còn bệnh liên quan đến đường hô hấp là do nhiều loại virut khác nhau nên không nên tiêm phòng. Cháu muốn hỏi chú là có phải như vậy không và theo chú cháu có nên tiêm không ạ. Cháu cảm ơn chú nhiều!

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chào cháu, cảm ơn cháu đã gửi câu hỏi. Viêm đường hô hấp, viêm phổi là do rất nhiều nguyên nhân: do vi khuẩn, do vi rut, nấm... Và cũng có rất nhiều loại vi khuẩn và vi rút khác nhau gây nên viêm đường hô hấp và viêm phổi. Vac xin phòng cúm chỉ phòng được bệnh cúm mùa do vi rút cúm gây nên. Vì vậy, khi cháu cho con tiêm phòng cúm thì cũng chỉ phòng được một số bệnh cúm do vi rút cúm gây nên. Chú khuyên cháu nên cho con đi tiêm phòng cúm để con cháu không bị mắc bệnh cúm theo lịch tiêm tại các điểm tiêm chủng. Còn để giúp con cháu không bị viêm phổi, viêm họng... đặc biệt là trong mùa đông xuân bạn phải giữ gìn con bạn đủ ấm, không để cháu nằm quá lạnh dưới nhiệt độ điều hòa. Cháu đặc biệt lưu ý giữ ấm cổ, mũi, chân cho con. Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe.

HP

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]