Cẩn trọng với bệnh "vùng hiểm"

Trẻ gái trước tuổi dậy thì hay viêm vùng kín, nhưng vì bệnh không nặng nên ít người đưa con đi khám.

15.5995

Cha mẹ không biết rằng, phát hiện muộn, chậm chữa trị bệnh có thể để lại di chứng lâu dài khi trẻ trưởng thành.

Chăm sóc và điều trị đúng

Theo BS. Vũ Thị Nhạn (Trung tâm chăm sóc SKSS Hoàn Kiếm, Hà Nội), bé gái sơ sinh cần vệ sinh vùng kín khô và sạch, chăm sóc cẩn thận hàng ngày. Mẹ nên dùng khăn xô mềm nhúng nước ấm vệ sinh cho bé. Sau khi bé đại tiện, hoặc thay bỉm cần rửa sạch, thấm khô mới mặc tã, chứ không để ẩm ướt mà trẻ dễ bị nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng khác.

Không nên dùng xà phòng vệ sinh vùng kín của bé, vì sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi làm nhiệm vụ bảo vệ. Nước muối loãng, dung dịch vệ sinh phụ nữ cũng không nên dùng (trừ khi bác sĩ chỉ định).
 
Một số bé gái mới sinh 1 - 2 tuần tuổi vùng kín có thể sưng, hơi đỏ, có nhiều chấm trắng hay chảy một ít máu. Hiện tượng sinh lý bình thường này chỉ cần dùng bông gòn nhúng nước ấm lau sạch là được. Nhưng nếu hiện tượng này kéo dài trên 1 tháng thì phải đưa bé tới khoa nhi để khám và điều trị kịp thời.
 
Theo TS.BS Hồng Minh (Trung tâm chăm sóc SKSS vị thành niên, BV Phụ sản TƯ), âm đạo có pH trung tính và thiếu các kháng thể bảo vệ cũng là yếu tố thuận lợi cho vi trùng phát triển gây viêm nhiễm. Bệnh phụ khoa trẻ gái hay gặp là ra nhiều khí hư, huyết trắng bất thường.
 
Bình thường, khí hư sẽ có màu trắng mờ đục, hoặc trắng trong. Khi bị bệnh, khí hư có màu vàng, hoặc xanh đục và ngứa, đau rát, vùng kín đỏ tấy... Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị đúng.

Bé phải được mẹ chăm sóc cẩn thận ngay từ những ngày mới sinh. Ảnh minh họa
Xà phòng cũng có thể là thủ phạm
 
 
Thực tế, trẻ gái chưa dậy thì thiếu hẳn các rào chắn sinh lý ngăn nhiễm trùng nên dễ nhiễm bệnh. Cộng với việc vệ sinh không đúng cách sẽ là yếu tố thuận lợi cho vi trùng phát triển, gây viêm nhiễm.
 
Hơn 70% trường hợp bị viêm là do kích ứng với hóa chất có trong xà phòng tắm, nước hoa, các chất tạo bọt, hương thơm cho nước tắm. Hoặc do mặc quần quá chật, ẩm ướt hoặc vệ sinh không sạch sau khi đi vệ sinh, với triệu chứng là ra huyết trắng, ngứa, rát, đau...

Trẻ gái còn có thể bị viêm do thiếu nội tiết, do virus nhóm Poxvirus (ở trẻ gái khoảng 5 tuổi), viêm vùng da tiết bã, viêm da dị ứng... Tùy theo từng tác nhân mà bác sĩ có điều trị thích hợp, nhưng quan trọng là phát hiện bệnh sớm để được bác sĩ điều trị kịp thời.

Tình trạng vệ sinh kém, nguồn nước, bụi bẩn hay quần áo mà các bé tiếp xúc hằng ngày cũng là những nguyên nhân gây viêm nhiễm. Đặc biệt, "quần chíp" quá chật hay ẩm ướt, quần áo "sida" là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây bệnh.
 
Do đó không nên cho trẻ dùng quần áo sida, sắm đồ lót cho con vừa mặc, chất liệu cotton thoáng và dễ hút mồ hôi. Giấy vệ sinh, quần lót nên dùng màu trắng để dễ phát hiện huyết trắng đổi màu. Nên dùng xà phòng tắm nhẹ, tắm xong nên lau khô bằng khăn lông mềm, không nên chà mạnh. Tránh các loại xà phòng, sữa tắm có chất tạo bọt, mùi.
 
Một số bệnh ít gặp nhưng cần chú ý

"Khi thấy trẻ thường xuyên kêu đau, ngứa, dùng tay gãi, sờ vùng kín… thì cần cho đi khám chuyên khoa để được điều trị. Vì các bệnh viện nhi và sản khoa ở Việt Nam chưa có phòng khám, tư vấn phụ khoa riêng cho trẻ, nên trẻ phải khám chung với người lớn. Vì thế, bác sĩ và cha mẹ phải kiên nhẫn, tế nhị để khám, chẩn đoán, điều trị đúng".

BS. Vũ Thị Nhạn

Theo BS Nguyễn Thị Hải (Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản Hiếu Thảo, Hà Nội), trẻ em gái còn có thể mắc một số bệnh khác mà cha mẹ cần biết để phát hiện sớm như sau:

Nhiễm trùng tiểu: Các triệu chứng thường mơ hồ và thay đổi theo lứa tuổi. Ở trẻ lớn có các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu đau, tiểu đục, đái dầm trong nhiễm trùng đường tiểu dưới (còn gọi là viêm bàng quang) sốt cao, đau hông, đau lưng trong nhiễm trùng tiểu trên (còn gọi là viêm đài bể thận)...

Dính môi nhỏ: Hay gặp ở trẻ gái dưới 6 tuổi, biểu hiện ở dạng viêm vùng da môi nhỏ và bị dính vào nhau che kín lỗ âm đạo và lỗ tiểu. Bệnh khó phát hiện (ngoài việc nước tiểu có thể chẽ ra các tia mà không thành dòng), 20-40% bệnh nhân dính môi nhỏ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu.

Nhiễm trùng do giun kim: Giun kim có thể mang vi khuẩn vào đáy chậu và gây viêm nhiễm thứ phát. Trẻ mẫu giáo và cấp I bị ngứa có thể gãi tới tróc da chảy máu vùng kín. Phòng bệnh bằng cách không cho trẻ ngồi lê la dưới đất. Tránh mặc quần vải mỏng, chất liệu nilon mà nên chọn vải thấm hút tốt.

Đa số các chứng bệnh và một số dị tật ở vùng kín của trẻ gái đều dễ chữa, nhưng nếu không được điều trị, hoặc chữa muộn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống, khả năng sinh sản và đời sống tình dục của trẻ khi trưởng thành.
 
Theo Trà Giang - Gia đình & Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]