Cẩn trọng với tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Trầm cảm có thể do các yếu tố nội sinh, sang chấn tâm lý, căng thẳng tâm lý kéo dài, do tâm lý - xã hội, do các bệnh ở não, suy nhược...,

15.6247

Trầm cảm có thể do các yếu tố nội sinh, sang chấn tâm lý, căng thẳng tâm lý kéo dài, do tâm lý - xã hội, do các bệnh ở não,  suy nhược..., trừ một số trầm trọng phải nằm viện, số còn lại thường chữa tại nhà. Người bệnh, người nhà cần biết  về thuốc và tác dụng phụ để dùng đúng chỉ dẫn mới có hiệu quả và tránh tai biến. 

Trong quá trình dẫn truyền thần kinh, các chất serotonin, dopamin, adrenalin, noradrenalin có giai đoạn bị "khử hoạt tính" do "sự nắm bắt" và "tái nắm bắt neuron". Khi các chất này bị giảm sút quá mức sẽ tạo ra trạng thái ức chế (giảm khí sắc, giảm năng lượng, giảm hoạt động) gọi là trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm ức chế "sự nắm bắt" và "tái nắm bắt" neuron (có hay không chọn lọc) nên chống lại được trạng thái này.

 Tuy  cơ chế tác dụng gần như nhau nhưng trong lâm sàng mỗi thuốc chỉ đáp ứng  trên một số trạng thái trầm cảm nhất định. Ví dụ, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin) dùng trong trầm cảm nội sinh (loạn tâm thần hưng trầm cảm); exffexor dùng trong rối loạn ưu tư lan rộng; fluoxetin dùng trong trầm cảm rối loạn ám ảnh-bức bách. Người bệnh, người nhà không thể tự nhận biết, phân biệt được nên phải khám chuyên khoa từ đầu cũng như tái khám (khi có diễn biến) để được chỉ định đúng thuốc.

 Não của người mắc chứng trầm cảm. - Não người bình thường.
Một số tác dụng phụ và  tương tác thường gặp ở thuốc chống trầm cảm

- Làm xuất hiện ý nghĩ tự sát: hiện tượng này hay xảy ra lúc mới điều trị. Người bệnh có thể  bỏ thuốc hoặc có hành vi nguy hiểm. Bệnh nhân nên được quản lý ở bệnh viện hoặc có người nhà theo dõi.

- Gây căng thẳng, mất ngủ: thường xuất hiện lúc mới dùng thuốc, giống như quá liều. Cần chỉnh liều hoặc cho kết hợp thêm thuốc làm dịu.

- Làm hạ ngưỡng động kinh: Làm cho người động kinh dễ lên cơn co giật. Phải ngừng ngay thuốc khi xuất hiện cơn co giật.

Thuốc trầm cảm được chuyển hoá hầu hết tại gan, thải trừ qua thận dưới dạng chuyển hoá. Người có chức năng gan thận bị suy giảm khi dùng thuốc sẽ xuất hiện các triệu chứng như quá liều. Người già thường bị một số nhạy cảm quá mức như: hạ huyết áp tư thế đứng gây sốc, táo bón lâu ngày gây liệt ruột. Với những người này phải giảm liều đến mức thấp nhất mà vẫn  duy trì được hiệu quả chữa bệnh (có khi chỉ còn bằng nửa liều người bình thường).

Một số thuốc (đặc biệt thuốc chống trầm cảm 3 vòng, 4 vòng) thường gây nên một số triệu chứng (kháng cholinergic) khá phức tạp như: khô miệng, buồn nôn, táo bón; nhịp nhanh, hạ hay tăng huyết áp, tăng tiết mồ hôi, phát ban; nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn; nhìn mờ, tăng áp lực nội nhãn, nhạy cảm với ánh sáng, thay đổi glucose huyết, gây chứng vú to, phồng tinh hoàn ( ở nam), tăng tiết sữa (nữ). Để khắc phục: chỉ cho uống một liều duy nhất vào buổi tối thì các triệu chứng này hầu như không xảy ra. Ở người trung niên, người già, triệu chứng này hay xảy ra hơn, cần phải giảm liều. Tránh dùng cùng lúc các thuốc này với các thuốc thường gây ra các triệu chứng trên (như atropin, ephedrin...).

Thuốc  hấp thụ vào thai, tiết vào sữa ở mức  gây nguy hiểm cho thai và trẻ bú mẹ. Tốt nhất không nên dùng khi có thai hoặc cho con bú.

Khi dùng các thuốc chống trầm cảm khác cùng lúc với IMAO hoặc khi mới ngừng dùng IMAO chưa đủ 14 ngày sẽ làm tăng tiềm năng thuốc gây ra hội chứng  bất thường về tâm thần (vật vã, hưng cảm, lú lẫn, hôn mê), về vận động (giật rung cơ, run rẩy, tăng phản xạ, cứng đờ), về thần kinh thực vật (hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, rùng mình, sốt cao, đổ mồ hôi...). Nếu vì lý do phải thay thuốc IMAO bằng thuốc trầm cảm khác hoặc thay thuốc trầm cảm khác bằng IMAO thì phải có khoảng ngừng thuốc giữa các đợt thay ít nhất là 14 ngày (riêng fluoxetin chỉ dùng khi đã ngừng IMAO 35 ngày). Rượu làm tăng hiệu lực thuốc và gây độc. Không uống rượu khi dùng thuốc.

Các thuốc làm cường giao cảm, thuốc làm dịu benzodiazepam và các thuốc làm trầm suy thần kinh trung ương khác... làm tăng cường tiềm năng thuốc chống trầm cảm.  Các thuốc chống trầm cảm lại đối kháng với các thuốc chống động kinh như barbituric, carbamazepin, phenytoin. Không dùng chung thuốc trầm cảm với các thuốc này trừ trường hợp đặc biệt có chỉ định của thầy thuốc (ví dụ trong thời kỳ đầu trị liệu, người  bệnh bị căng thẳng, mất ngủ có thể cho dùng kết hợp với thuốc làm dịu).

Một số các thuốc chống trầm cảm khi dùng chung với nhau cũng không có lợi, thường làm tăng tiềm năng thuốc, gây độc  (ví dụ: fluoxetin làm tăng cường tiềm năng của thuốc chống trầm cảm 3 vòng).

Dùng thế nào cho đúng?

Thường dùng bắt đầu với liều thấp, tăng dần đến đạt yêu cầu, rồi duy trì liều đó, nhưng cũng có khi thấy xuất hiện các hiện tượng như quá liều (do người bệnh tăng tính nhạy cảm hay do gan thận giảm chức năng) lại phải giảm liều, hoặc lúc trạng thái bệnh có thay đổi phải điều chỉnh liều hoặc thay thuốc. Không tăng hay giảm liều một cách đột ngột để tránh các phản ứng bất lợi. Môi trường sống, môi trường gia đình - xã hội rất quan trọng với người bệnh trầm cảm, cần chú ý phối hợp. Tuy nhiên cần biết rõ khi bị bệnh thì nhất thiết phải chấp nhận việc dùng thuốc và không bỏ dở khi chưa đủ liệu trình. Người bệnh trầm cảm thường phải dùng nhiều thuốc trong thời gian dài, khó chủ động làm tốt các việc này. Người nhà cần làm cho người bệnh thông suốt, giúp nhận quản lý và cho họ uống thuốc đúng chỉ dẫn. Mặt khác phải theo sát và cùng người bệnh phát hiện với thầy thuốc những bất thường (diễn biến bệnh, tác dụng phụ) để xử lý  kịp thời.

Thuốc chống trầm cảm khó dùng nhưng do đặc thù chữa bệnh thường được cho dùng tại nhà, vì vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa người bệnh - người nhà- thầy thuốc giúp cho việc dùng thuốc hiệu quả an toàn hơn.

DS. Hà Thủy Phước
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]