Càng nổi tiếng càng phải biết khiêm nhường

Đáng lý ra nhạc sĩ Quốc Bảo phải tự hào về chúng tôi - một lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Chúng tôi phải cố gắng biết bao để hội nhập vào nền văn hóa ở đất nước mà chúng tôi đang sống mà vẫn cố gắng duy trì nguồn cội của mình.

15.6153

Người gửi: Kristy Nguyen,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Quốc Bảo - Xin đừng quá chủ quan

 Tôi không hiểu Quốc Bảo có quá chủ quan hay không khi phát biểu về nhạc hải ngoại như vậy. Theo tôi, một bài nhạc có "thuyết phục nổi công chúng" hay không là tùy cảm xúc của mỗi người. Chính Quốc Bảo cũng nhìn nhận: "Năm 1990, tôi viết một loạt tác phẩm Tình trầm, Em về tinh khôi, Cõi hồng, lúc đó bị các bậc đàn anh chê là giai điệu cầu kỳ mà lời ca thì cũ. 4 năm gần đây, tôi mới được công chúng biết đến nên nhiều người nghĩ rằng, tôi là kẻ chân ướt chân ráo mới vào nghề". (VnExpress - 9/10/2002). Anh là người sống trong nước, tiếng Việt là ngôn ngữ chính nhưng những bài hát do anh sáng tác mãi đến năm 2000 mới được công chúng nhìn nhận. Vậy thì anh dựa vào đâu mà phê phán nền âm nhạc ở hải ngoại?

Có thể các bài nhạc do nhạc sĩ trẻ ở hải ngoại sáng tác có lời lẽ đơn giản, ca từ không được trau chuốt, nhưng làm sao anh có thể trách chúng tôi khi ngôn ngữ chính hàng ngày của chúng tôi là tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Đáng lý ra anh phải tự hào về một lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại mới phải. Những bài hát do lớp trẻ chúng tôi sáng tác cho dù không được điêu luyện, nhưng vẫn là nhịp cầu để quay về với nguồn cội, để duy trì tiếng Việt, để bày tỏ tình cảm với quê cha đất tổ. Cho dù chúng tôi không có "thiên tài lưu vong", chúng tôi vẫn những nhạc sĩ trẻ có kiến thức về âm nhạc như nhạc sĩ Trúc Hồ, Nhật Trung, Sĩ Đan, Diệu Hương, Dorky Minh... Những bài hát do họ sáng tác vẫn làm xúc động người nghe. Và anh cũng nên mừng mới đúng khi những bài nhạc sáng tác trong nước được hát trên sân khấu Thúy Nga, Asia... bởi vì nền âm nhạc Việt Nam đang bay xa khắp nơi trên thế giới. Và xin anh đừng dùng hai chữ lưu vong vì cho dù ở đâu trên trái đất này, người Việt vẫn là người Việt. Chúng ta không ai muốn rời bỏ quê hương. Anh nghĩ gì nếu anh là một người đang sống ở nước ngoài như chúng tôi? Liệu anh có còn đủ cảm xúc để sáng tác nhạc với những ca từ đi vào lòng người khi mà anh lúc nào cũng phải quay cuồng với cơm, áo, gạo, tiền hay không?

Tôi chưa hề nghe các nhạc sĩ lớn trong nền âm nhạc Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Dzoãn Mẫn, Hoàng Giác chỉ trích về người khác như anh. "Càng nổi tiếng thì càng phải biết khiêm nhường" anh ạ. Nếu như hai mươi năm sau, nhạc của anh vẫn còn được hát trên sân khấu hay được nhắc tới, thì lúc đó anh hãy chỉ trích người khác cũng chưa muộn.

Và tôi cũng không đồng ý với nhận xét của Hoàng Mi khi cho rằng các chương trình của Trung tâm Thúy Nga và Asia chỉ là "fast food" hoặc "mì ăn liền". Nếu như đúng như bạn nói thì trung tâm Thúy Nga không bao giờ được đề cử giải American Choreography Award của Hollywood 2003 đâu bạn ạ.

Cám ơn VnExpress đã cho tôi có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình.

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]