Nói đến những món ăn Nam bộ, người ta thường nói đến sự đậm đà quyến rũ của những món ăn dân dã từ những sản vật ở quê hương, cách chế biến giản dị nhưng hương vị vô cùng hấp dẫn.

Món canh chua thì đã có từ lâu đời trong ẩm thực Việt ta. Từ Bắc chí Nam, mỗi vùng miền đều có cách nấu canh chua cho riêng xứ sở của mình. Miền Bắc có trái sấu chua, miền Trung có trái me thanh mát, miền Nam có mớ lá giang chua chua nấu với gà, hoặc với cá lóc, ngon không gì sánh bằng..

Nói về các loại rau nấu canh chua thì nhiều vô kể. Ngoài cà chua, giá trắng quen thuộc, người thích thì thêm cây bạc hà, đậu bắp, hay thêm rau nhút, hay thêm rau chuối, rau muống bào sợi.. Nhưng mà nấu canh chua với bông so đũa thì phải người Tây Nam bộ mới ăn theo kiểu này..

Bông so đũa ngòn ngọt, nhưng trong nhụy lại có vị nhân nhẫn đăng đắng, ăn tạo ra một vị đắng ngọt quyện vào nhau, rất lạ miệng và rất ngon. Người không thích vị nhân nhẫn này có thể lặt bỏ phần nhụy, chỉ dùng cánh hoa.. Nhưng để nguyên bông hoa thì ăn đúng vị hơn vì ngoài vị nhân nhẫn ăn rất ghiền, bông hoa để nguyên sẽ giòn hơn, ăn thơm ngon hơn..
 
Nấu canh chua bông so đũa, người Nam bộ nấu rất nhiều kiểu khác nhau, khi thì mớ cá rô đồng, có khi là con cá lóc béo ngậy, khi thì mớ cá kèo, loại cá cũng có vị đăng đắng như bông so đũa, còn phổ biến hơn là nấu với tôm đất. Tôm đất có vị ngọt, màu lại đỏ đẹp mắt, nấu với quả cà chua, vắt me, chút giá đậu bắp, quyện với vị tươi ngon thanh mát của loại bông trắng dung dị đồng quê, ăn với cơm trắng cá kho tộ, tưởng rằng món ngon vật lạ gì trên cuộc đời cũng không thể sánh bằng. Người Nam bộ dễ ăn, nhưng lại rất khéo léo trong việc nấu nướng. Chỉ từ những hoa trái quanh vườn cũng có thể cho ra một món ăn ngon lạ miệng, cả nhà quây quần bên nhau bữa cơm chiều ấm áp.
Những món ăn dân dã như canh chua bông so đũa, vừa là món ăn ngon, gần gũi, vừa là cái tình với đất, với làng xóm quê hương xứ sở của mình.

Bài và ảnh: Huỳnh Thu Dung