“Cạnh tranh tốt nhất phải là hai bên cùng thắng”

0
Đó là phát biểu của Giáo sư Michael Porter trong bài thuyết trình về cạnh tranh và chiến lược công ty trước gần 500 khán giả người Việt tại Hà Nội hôm 29/11. Rất thẳng thắn, ông tóm tắt: “Kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, người dân cần cù, giá lao động rẻ, thị trường nội địa cũng tương đối rộng lớn” rồi đưa ra lời khuyên: “Việt Nam có thể thành công không chỉ nhờ vào việc bán những hàng hóa giá rẻ.Các bạn nên chọn một phân khúc kinh doanh, lựa chọn những ngành hàng mà mình có ưu thế tương đối so với các nước khác trong khu vực để phát triển. Nếu chỉ bắt chước Trung Quốc hoặc cố gắng dựa vào nhân công giá rẻ thì thực sự không phải là một lựa chọn khôn ngoan”.
 
Thực ra chưa cần chờ đến lời khuyên của vị giáo sư từ Đại học Harvard mà từ xa xưa, cha ông ta đa tổng kết thành chân lý “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng” không chỉ trong quân sự mà trong cả cuộc sống, trong đó có lĩnh vực kinh doanh. Chân lý là thế nhưng để nhận ra mình, biết được mạnh yếu của chính mình lại là điều không hề đơn giản. Để có sự nhận biết chính mình ấy lại cần một bản lĩnh, ý chí và tri thức vững vàng.

Trong bài thuyết trình của mình, GS. Porter cho rằng: Các doanh nghiệp có thể tìm được thắng lợi qua một điều đơn giản: “trở nên khác biệt”. Chao ôi, hóa ra kinh doanh cũng là chuyện cuộc đời với những quy luật tương tự. Khái niệm “khác biệt” ấy phải chăng chính là bản sắc riêng của một cơ quan, doanh nghiệp, một địa phương hay của cả một dân tộc. Trong thế giới hội nhập hôm nay, bản sắc ấy lại càng cần thiết để mình được chính là mình, độc lập trong tiếp thu, học hỏi nhưng không phải là sao chép, bắt chước. Vị giáo sư Harvard phát triển thêm: “Một doanh nghiệp, một sản phẩm có thể tốt nhất trong mắt khách hàng này, nhưng lại chỉ xếp cuối trong danh sách ưa chuộng của khách hàng khác”. Ấy là sự đa dạng của cuộc sống và phải biết chấp nhận. Hóa ra, kinh doanh hay văn hóa hoặc bất cứ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống cũng đều phải hướng tới cộng đồng, phục vụ lợi ích cộng đồng. Trước cả Michael Porter rất lâu, Bác Hồ cũng đa từng dạy: “Không có việc nhỏ, chỉ có suy tính nhỏ” để nhắc nhở cán bộ lấy cái lớn là đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết bắt đầu từ cả những việc nhỏ.

Cách nửa vòng trái đất nhưng nhà chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới vẫn biết ở ta có các tập đoàn, tổng công ty phát triển trên quá nhiều ngành nghề, lĩnh vực sẽ gây ra tình trạng thiếu nguồn lực cũng như khả năng quản lý để phát triển tốt tất cả các lĩnh vực đó. Thực tế đa xảy ra với một tập đoàn kinh tế phải tái cơ cấu lại. Và còn những tập đoàn khác hiện đang đầu tư, kinh doanh sang cả những lĩnh vực khác, xa lạ với nhiệm vụ của tập đoàn?

Lần thứ hai GS. Michael Porter - bậc thầy của chiến lược cạnh tranh tới Việt Nam để chia sẻ quan điểm của mình về thuyết cạnh tranh hiện đại. Tôi ngẫm ngợi nhiều hơn trước tổng kết của ông “Cạnh tranh tốt nhất phải là hai bên cùng thắng”. Không phải nhà kinh tế, tôi miên man nghĩ về những gì đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên và nghĩ tới biển Đông. Cạnh tranh đâu chỉ có giữa các doanh nghiệp về kinh tế, lợi nhuận mà giữa các quốc gia cũng đâu thiếu những va chạm lợi ích. Biển Đông đang có những cuộc tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam với hải quân các nước trong khu vực với những hợp tác, đối thoại song phương, đa phương để các bên cùng thắng.

Chuyện làm ăn với chuyện đời, chuyện quốc gia đại sự sao mà giống nhau đến thế...
 
Lưu Thủy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]