Cao huyết áp và một số phương pháp điều trị

Tăng huyết áp thường gặp ở người trưởng thành, 90% các trường hợp là không rõ nguyên nhân.

0
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và, hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Theo WHO tăng huyết áp được xem là một trong 10 bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân loại có thể làm giảm tuổi thọ từ 10 - 20 tuổi.
 
Việc điều trị không đúng bệnh tăng huyết áp sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột có thể gây tai biến mạch máu não, suy tim cấp, phù phổi cấp…

Một số triệu chứng

 
Nên thường xuyên kiểm tra để phát hiện cao huyết áp. (ảnh minh hoạ)

Người bị tăng huyết áp thường có các biểu hiện chóng mặt, đau đầu có cảm giác bốc hoả lên đầu, nóng trong mắt, mặt đỏ… Cũng có nhiều trường hợp người bị cao huyết áp ko có triệu chứng gì mà chỉ được phát hiện khi đi kiểm tra sức khoẻ.

Theo WHO bệnh tăng huyết áp được chia thành 3 độ:
 
- Độ I: khi huyết áp tối đa từ 140-159mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu từ 90 - 99mmHg.
 
- Độ II: Khi huyết áp tối đa từ 160 - 179mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu từ 100 - 109 mmHg.
 
- Độ III: Khi huyết áp tối đa ≥180mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 110mmHg
 
Khi phát hiện ra mình bị cao huyết áp bạn nên đến BS khám và kê đơn thuốc, bạn không nên tự ý đi mua thuốc để dùng. Nếu sử dụng huyết áp điện tử để kiểm tra tại nhà bạn nên đo huyết áp sau khi đã nghỉ 10 - 15 phút.
 
Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn, sau khi mới ngủ dậy và chỉ nên đo huyết áp 1 - 3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo.

Người bị cao huyết áp nên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng, xúc động, lo âu; Tránh các chất kích thích, nên ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, tránh lạnh đột ngột, tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày… nếu mất ngủ phải dùng thuốc.

Một số vị thuốc đông y trị bệnh cao huyết áp

 
Hoè hoa hãm nước uống hàng ngày có tác dụng rất tốt đối với người cao huyết áp

Hòe hoa, có tác dụng làm bền thành mạch do trong hoạt chất có Rutin. Dùng 10g nụ hoa sao vàng hãm nước uống hàng ngày.

Mướp đắng (khổ qua) vị đắng, tính hàn có tác dụng lợi tiểu, hạ áp. Dung nấu canh  ăn, xào...hoặc phơi khô hãm nước uống thay trà.

Cúc hoa, đem sấy hoặc phơi khô rồi tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 10 - 15g bột thuốc ninh với 60-100 g gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày

Câu đằng, có tác dụng hạ huyết áp là do trong thành phần có hoạt chất rhynchophyllin, làm dãn các mạch máu ngoại vi.

Trà hạ áp, câu đằng 10g, ngưu tất 8g, hòe hoa 08g lạc tiên 10g, cỏ ngọt 4g sắc uống hoặc hãm nước thay trà phòng và điều trị cao huyết áp rất tốt.

Một số vị thuốc có tác dụng lợi tiểu (Râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh, râu mèo…), hay các vị thuốc có tác dụng an thần (lạc tiên, tâm sen, lá vông, củ bình vôi…) cũng góp phần làm giảm huyết áp.

Xoa bóp bấm huyệt phòng, điều trị bệnh cao huyết áp

Day huyệt thái dương: từ đuôi mắt đo ra sau 1 thốn. Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón giữa day vào huyệt thái dương khoảng 20 lần.

Day bấm huyệt phong trì: huyệt nằm sau gáy giữa hai cơ ức đòn chũm và cơ thang. Dùng hai ngón tay cái day, ấn vào huyệt khoảng 15 lần.

Day bấm huyệt nội quan: huyệt nằm ở chính giữa lằn chỉ cổ tay phía trong đo lên hai thốn; có tác dụng định tâm thần. Chữa mất ngủ, tim hồi hộp, đau nhói vùng tim, hạ huyết áp Dùng ngón tay cái day bấm huyệt hai bên phải và trái mỗi bên từ 15-20 lần.

Day bấm huyệt hành gian: Ép ngón chân cái sát vào ngón thứ 2, huyệt nằm ngay trên đầu kẽ của 2 ngón chân, về phía mu chân. Huyệt có tác dụng chữa cao huyết áp, mất ngủ. dùng ngón tay cái day bấm huyệt mỗi bên khoảng 15- 20 lần.

AloBacsi.vn
Theo Trần Thảo, Lê Nguyên - Lao động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]