Cắt lát cơ thể

Hãy đừng nghĩ đến một bộ phim kinh dị đầy máu me, bởi việc "cắt lát cơ thể” này diễn ra hằng ngày tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế, nhưng chỉ trên... màn hình máy tính.

15.5879

Đọc E-paper

Ngay cả trong phim kinh dị, các vị đạo diễn cũng chưa nghĩ đến chuyện cắt lát cơ thể người, bởi nó quá rùng rợn! Nhưng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, cơ thể người đã thực sự bị... cắt lát, bởi đó là cách rất hữu hiệu để phát hiện những tổn thương mà các phương tiện khác không thể tìm thấy.

Cách mạng trong Y học

Nhắc đến cắt lát cơ thể, người ta nghĩ ngay đến CT, dù ngành chẩn đoán hình ảnh còn có nhiều kỹ thuật cắt lát hơn người ta tưởng. CT là chữ viết tắt của Computed Tomography (chính xác hơn phải là X ray Computed Tomography mới đúng hết nghĩa của kỹ thuật này, dịch ra là chụp X quang cắt lớp điện toán).

Nói nôm na, đây là kỹ thuật dùng tia X để chụp cơ thể theo từng lát mỏng có bề dày nhất định. Tia X sẽ xuyên qua người bệnh và máy tính sẽ tổng hợp, "cộng trừ nhân chia" cho ra được hình ảnh từ hình khối 3D chuyển thành hình 2D xem được trên phim và trên màn hình máy tính.

CT "sinh sau đẻ muộn" hơn nhiều so với X quang, nhưng sự phát triển nhảy vọt của CT đã làm thay đổi bộ mặt của ngành chẩn đoán hình ảnh nói riêng và của y học nói chung.

Tháng 4/1972, Godfrey Hounsfield, một kỹ sư người Anh, đã giới thiệu máy CT đầu tiên trên thế giới. Để nhớ công lao của ông, người ta đặt tên cho đơn vị đo độ đậm vật chất trên CT là đơn vị Hounsfield (viết tắt là HU).

Nguyên lý hoạt động của CT khá đơn giản: Bệnh nhân được đặt trên bàn chụp, bàn sẽ di chuyển vào vị trí cần khảo sát, trong quá trình chụp thì đầu đèn nằm trong khung máy sẽ quay một vòng và phát ra tia X xuyên qua cơ thể.

Lượng tia X còn lại sẽ được một hàng cảm biến đối diện phía bên kia đầu đèn tiếp nhận và gởi tín hiệu về máy tính phân tích. Mỗi vòng quay tương ứng với một lát cắt được ghi hình, đó chính là thế hệ máy CT đầu tiên đơn lát cắt.

Từ năm 1998, xuất hiện thuật ngữ CT đa lát cắt (MSCT: multislice CT). Trước đây, khi quay một vòng tia X thì chỉ có một hàng tiếp nhận tín hiệu ở đầu bên kia, ngày nay, khi tia X được phát ra thì bên đối diện đầu đèn sẽ có nhiều hàng để tiếp nhận tín hiệu, bao nhiêu hàng thì có bấy nhiêu lát cắt.

Để dễ hình dung, ví dụ với máy CT128, khi bước lên bàn chụp, bệnh nhân chỉ cần thấy quay một vòng khung máy là đủ 128 "lát" thay vì phải quay đến 128 vòng phát tia X như trước đây. Hiện nay tại Việt Nam đã có máy CT 640 lát cắt.

CT đa lát cắt là cuộc cách mạng trong ngành chẩn đoán hình ảnh về phương diện tạo ảnh đa chiều, dựng hình y như thật, thời gian chụp toàn bộ cơ thể rút ngắn lại chỉ còn trên dưới 10 giây.

Và những ứng dụng

Ứng dụng của CT, đặc biệt CT đa lát cắt, là nhiều vô kể và có thể khảo sát toàn bộ cơ thể nhờ CT. Tuy nhiên, vì liên quan đến tia X nên chỉ định cũng cần phải được cân nhắc và tốt nhất nên được tư vấn từ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Sau đây là điểm qua một vài ứng dụng khá nổi bật của CT khi "quét" từ đầu đến chân.

CT sọ não: Rất quan trọng trong việc chữa trị chấn thương sọ não. Hiện nay hầu như không còn chụp X quang sọ não trong chấn thương, vì thông tin trên X quang sọ không tương ứng với tổn thương trong não của bệnh nhân.

X quang sọ bình thường chưa chắc không có tổn thương bên trong hộp sọ, ngược lại, khi có đường nứt sọ trên X quang cũng chưa chắc bệnh nhân có tổn thương nội sọ. Ngoài ích lợi to lớn khi phát hiện chấn thương, CT còn giúp chẩn đoán sớm tai biến mạch máu não.

Thậm chí trong ba giờ đầu xuất hiện triệu chứng, có thể phân định được ngay lập tức tổn thương nhồi máu não hay xuất huyết não, đánh giá toàn diện tổn thương, nhờ đó các nhà thần kinh học có thể xử trí tình huống kịp thời...

CT xoang: Vai trò X quang xoang (chụp tư thế Blondeau - Hirtz) ngày càng bị lu mờ và biến mất khi có CT xoang xuất hiện, vì CT cho hình ảnh rõ nét, chính xác, toàn diện hơn về tình trạng các xoang, về các dị tật của hốc mũi, có thể dựng hình đa chiều để các nhà tai mũi họng can thiệp dễ dàng hơn.

CT tai: Bên cạnh nội soi tai thì CT giúp bác sĩ tai mũi họng đánh giá được tình trạng bên trong ống tai giữa, có viêm nhiễm hay ảnh hưởng mức độ nào với các chuỗi xương con và sào bào chũm lân cận.

CT răng: Với kỹ thuật MSCT và dựng hình cùng in ấn theo tỷ lệ 1:1, các bác sĩ răng hàm mặt càng lúc càng ứng dụng CT răng để cấy ghép răng dễ dàng và chính xác.

CT ngực: Đây là ưu thế lớn nhất của CT khi so sánh với các kỹ thuật khác, kể cả MRI, vì CT là phương pháp khảo sát hữu hiệu các bệnh lý trong phổi, đặc biệt với các tổn thương viêm nhiễm, u phổi, giãn phế quản, bệnh lý mô kẽ, bệnh lý màng phổi...

CT ngực còn khảo sát tốt các bệnh lý thuộc trung thất và tim mạch. Đặc biệt với CT từ 64 lát cắt trở lên, có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của nhịp tim (dưới 64 lát cắt rất khó khảo sát tim mạch do xuất hiện nhiều ảnh giả của nhịp tim) nên ứng dụng trong khảo sát mạch vành là điểm mạnh của kỹ thuật này.

CT bụng: Đây cũng là ưu thế rất nổi trội của CT khi góp phần cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho lâm sàng, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân đau bụng cấp, giúp chẩn đoán hướng tới các nguyên nhân dễ dàng như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, thủng tạng rỗng, tắc ruột, lồng ruột...

CT còn cung cấp nhiều dữ kiện cho các khối u thuộc hệ gan mật, lách tụy, đánh giá tổng quan về tình trạng xơ gan, phân độ tốt cho các u thuộc đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, đại trực tràng... Thậm chí, bằng những phần mềm chuyên biệt, có thể tạo dựng một cuộc "nội soi ảo" trên CT.

CT hệ niệu: Dần dần thay thế các kỹ thuật X quang kinh điển như KUB, UIV bằng CT vì dữ kiện cung cấp nhiều hơn, chính xác hơn. Ưu thế trong chẩn đoán sỏi thận, u hệ niệu, viêm nhiễm và dị tật bẩm sinh hệ niệu...

CT hệ cơ xương khớp: Cùng với X quang và MRI, CT góp phần không nhỏ trong chẩn đoán hệ cơ xương khớp, nhất là khi có các vấn đề liên quan đến xương, sẽ luôn được khảo sát tốt hơn so với các kỹ thuật khác.

CT mạch máu: Với kỹ thuật angio CT trên các máy đa lát cắt, có thể khảo sát dễ dàng toàn bộ hệ mạch máu trong cơ thể một cách nhanh chóng.

Trên thực tế, với các loại MSCT từ 6 lát trở lên, người ta có thể ứng dụng và tạo nên các hình ảnh "y như thật". Điều này giúp các nhà hình ảnh học thể hiện dễ dàng hơn những mô tả của mình trong bảng kết quả gởi về các nhà lâm sàng và bệnh nhân.

* Đến năm 1979, cùng với nhà vật lý người Mỹ Cormack, Godfrey Hounsfield đoạt giải Nobel Y học nhờ sáng tạo ra máy CT.

* Máy CT đầu tiên ở Việt Nam được giới thiệu vào ngày 4/2/1991 tại Hà Nội và hiện đang được lưu giữ tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai.

THS-BS. HỒ HOÀNG PHƯƠNG - Giảng viên Đại học Y Dược, Cố vấn chuyên môn Phòng Khám Đa khoa Quốc tế Yersin
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]