Câu chuyện 1: "Sốc" với lễ hội các cụ

Lễ hội - Thừa & thiếu

0

Giống như cành đào, bánh chưng ngày Tết, một thứ không thể thiếu được Xuân này là lễ hội. Những năm gần đây, việc phục hồi lễ hội truyền thống, ngay cả với những lễ hội đã “biến mất” từ lâu, giờ còn rất ít dấu vết để lại như lễ hội Âm Dương ở làng Xuân Ổ, có xu hướng bùng nổ. Nhưng dường như, lễ hội càng nhiều, người ta vẫn thấy thiêu thiếu. Cái nhiều chưa hẳn đã là nhiều, và cái được phục dựng chưa chắc đã thực sự quay về. Trong không khí lễ hội khắp nơi, chuyên đề số tân niên của TT&VH Cuối tuần xin đưa ra một góc nhìn về chuyện Thừa và Thiếu của lễ hội với ba câu chuyện: Chuyện về các lễ hội truyền thống kỳ thú còn ít được biết đến ở Việt Nam, chuyện về kế hoạch phục dựng lễ hội Âm Dương “đổ bể” và chuyện trò đầu năm với GS - TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á.


(TT&VH Cuối tuần) - Khi nghe ở bên Tây có lễ hội Halloween, ở Lào có lễ hội té nước, ở Tây Ban Nha có lễ hội ném cà chua… nhiều người ngạc nhiên lắm. Thế nhưng, chẳng cần đi đâu xa, chẳng cần tìm những lễ hội lạ kỳ ở những đâu đâu, chúng ta hãy trở về đồng bằng sông Hồng, về với những miền đất cội nguồn, nơi phát tích của người Việt, ta sẽ thấy không chỉ một, mà muôn vàn những lễ hội “không thể tưởng tượng được”, vừa ly kỳ, lý thú, lại vừa thâm trầm thiêng liêng, vừa đi đến tận đáy sâu của triết lý về vũ trụ lại vừa mang đậm hơi thở phồn sinh của đời sống.

Lễ hội… ném đá

Làng cổ Vân Luông, nay thuộc xã Vân Phú thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ có tục ném chài hết sức độc đáo. Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 18, một năm nhân dịp tết Nguyên đán sang ngày thứ ba, Thánh Tản Viên từ núi Ba Vì sang chúc Tết bố vợ từ hôm trước, muốn ra về. Vua bèn truyền lệnh nán lại cùng các quan Lạc hầu Lạc tướng đi săn khai Xuân. Đến Vân Luông thì quan quân bắn được con lợn rừng khá to. Vua hài lòng, sai mổ ngay bày tiệc mừng năm mới. Lợn mổ ra chỉ luộc bộ lòng và cái tràng hoa để ăn ngay. Còn chia thịt sống lấy lộc mang về nhà. Khi tan tiệc vua trở về cung điện bằng đường bộ. Còn Thánh Tản Viên xuống thuyền chài ra sông Lô xuôi Bạch Hạc, sang bến Cổ Đô về núi Ba Vì. Trong quân của Thánh Tản có cả các loài hổ báo, vì vậy khi tiễn ngài xuống thuyền phải dùng đá ném xua đuổi chúng đi.


Lễ hội Tịch Điền. Ảnh: Ngô Dư
Để kỷ niệm chuyến săn khai Xuân của vua Hùng và cuộc tiễn Thánh Tản Viên ra về, cứ đến mồng 3 tháng Giêng, nhân dân Vân Luông cầu tiệc tế Vua Hùng và mở hội Ném Chài. Kíp chịu hứng ném đá gồm 3 người do dân làng cử ra: ông Củ sát tức là người sẽ ngồi cho đám con trai ném đá phải kiêng kỵ bắt đầu từ ngày 22 tháng Chạp đến mồng 3 tháng Giêng như không ngủ với vợ, không ăn thịt chó, không đến đám tang, không ẵm con... Người vác rọ thịt lợn sống đứng cạnh Củ sát gọi là ông Củ hờ. Người vác chiếc thuyền chài đi cùng Củ sát, Củ hờ gọi là ông vác thuyền chài. Sau khi bày bàn thờ (với thịt lợn sống là món dâng chính), đọc bài văn cúng thì ném chài.

Người ta nhặt 3 gánh đá cuội ở sau đình ra để trước sân đình. Đúng 12 giờ trưa trên đình nổ pháo là bắt đầu ném đá. Tham gia ném là thanh niên trong làng và các làng bên đến xem cũng ném, nhằm vào Củ sát. Làng đặt điều kiện, hễ Củ sát bị trúng đá chết thì làng sẽ bồi thường, ngả nong ra sân đình mà nhận tiền, mọi nhà phải đem tiền đến đặt vào nong. Nhưng suốt bao nhiêu trăm năm chưa có Củ sát nào bị nạn bao giờ, người ta tin rằng được Thánh Tản phù trợ an toàn. (Số đá ngổn ngang quanh Củ sát, sau 4-5 ngày tự nhiên biến hết, mà không một ai nhặt cả. Nó được hoàn trả lại sau đình để sang năm nhặt ném. Nhân dân cũng cho là Thánh Tản làm phép thần thông).

Khi nào hết pháo nổ thì chấm dứt ném đá. Ông Củ sát đứng dậy đi trước, ông Củ hờ vác rọ thịt lợn, và ông vác thuyền chài theo sau. Dân làng đánh phèng phèng đi theo tống tiễn. Ra đến Bờ Luông thì Củ sát lấy đĩa thịt và đĩa xôi đặt trong thuyền chài ra để lại. Ông vác thuyền chài lao thuyền ra lạch nước về phía sông Lô, rồi tất cả trở về đình. Khi ông Củ sát, ông Củ hờ và ông vác thuyền chài về tới đình thì đánh 3 tiếng trống. Ông từ đem các đũa bông ra sân đình tung cho mọi người cướp lấy may. Cướp hết đũa bông là tan hội, thụ lộc và chia phần hương đảng. Từ năm 1946, lễ hội Ném Chài thôi tổ chức. Đến năm 2004 mới phục hồi, nhưng khác là ném túi vải đựng cát chứ không dám ném đá, để đảm bảo an toàn.

Lễ hội... đánh nhau

Trong xã hội hiện đại, mất trật tự, giành giật tranh cướp nhau là đáng bị lên án. Đánh nhau chốn đông người sẽ bị khép tội gây rối loạn trật tự công cộng, nếu gây thương tích trên 11% là đủ cơ sở để khởi tố hình sự. Thế nhưng hôm mồng 6 Tết vừa qua, phiên chợ “đánh nhau cầu may” lại được tổ chức một lần nữa tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.


Phiên chợ đánh nhau cầu may ở Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Hoa Mai
Có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tựu trung, người đi phiên chợ này từ bao đời nay cứ phải “uýnh” nhau mới mang được may mắn về nhà. Dĩ nhiên, ngày xưa có uýnh nhau chỉ là “tỉ thí võ công”, thể hiện tinh thần thượng võ, chứ không phải là chuyện gây gổ đánh nhau sứt đầu mẻ trán mang “vạ” về nhà. Thế nhưng, không phải ai đến chợ cũng thấu hiểu tinh thần thượng võ của phiên chợ, nhiều thanh niên lợi dụng phong tục này để thỏa thói côn đồ, chưa kể còn có chuyện mượn cớ phiên chợ để “thi ân triển oán” với nhau. Do đó, giữ gìn nét đẹp “nện” nhau đầu Xuân lấy may quả thực là khó, chỉ còn biết ngửa cổ lên trời than là tại sao các cụ ngày xưa lại nghĩ ra cái phiên chợ “anh chị” đến mức này….

Cái sự thế này là cái sự làm sao?

Qua hai lễ hội phảng phất mùi “bạo lực” kể trên, các bạn chớ vội lo lắng - những lễ hội phải “đội mũ bảo hiểm” khi tham gia như thế hiếm lắm. Trong khoảng 9.000 lễ hội mỗi năm trải khắp đất nước ta, chủ yếu vẫn là những lễ hội tưng bừng, vui nhộn. Vui thì đương nhiên rồi, nhưng vui tới mức “thả phanh”, tháo khoán, tràn cung mây, đến mức mà không ít người quan sát bên ngoài, vội kết tội “vui quá hóa cuồng” cũng không phải là hiếm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà kẻ nào giở thói bỡn cợt ra, người ta lại giở hình ảnh này ra để mắng: Lại giở cái thói trai làng chơi hội đấy hử?

Cách đây mấy năm khi lần đầu tiên khôi phục trò Trám ở làng Tứ xã (tên Nôm là Kẻ Gát), huyện Lâm Thao, miền đất tổ Phú Thọ, không ít người “choáng” khi nhìn thấy cảnh trai gái cầm cái Nõ (biểu tượng sinh thực khí Nam) đâm vào cái Nường (biểu tượng sinh thực khí Nữ). Lệ xưa còn “kinh hoàng hơn nhiều”: vào đúng 12 giờ đêm, trong miếu diễn ra lễ mật, đèn đuốc tắt phụt và màn lễ “linh tinh tình phộc” (Nõ Nường đâm vào nhau) diễn ra để cầu sinh thực khí, theo như sách vở chép lại thì sau đó, trai trai gái được tự do “đùa nghịch” nhau quanh miếu suốt đêm và cặp nào có chửa còn được trọng thưởng vì mang lại may mắn cho cả dân làng.


Lễ hội làng Đồng Kỵ. Ảnh: Ngô Dư
Những tưởng rằng cái “trò” bật đèn xanh cho trai gái nghịch ngợm, tý toáy nhau này chỉ là hy hữu, ở một cái làng mà “thuần phong mỹ tục” có vẻ hơi cởi mở thái quá. Nhưng không, có hẳn một “nền văn hóa” Nõ - Nường trải khắp miền Phú Thọ - trung tâm của miền đất tổ ngày xưa, gốc gác tổ tiên lâu đời nhất của chúng ta và nền văn hóa chúng ta. Trong hội làng Khúc Lạc, huyện Cẩm Khê, thì không chỉ có một cặp Nõ Nường đâm vào nhau như ở trò Trám mà dân làng rước đủ cặp 36 cái Nõ nường. Ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, thờ dâm thần, đẽo gỗ thành hình đàn ông, đàn bà… đặt lên trên cao, trước cửa đình, ngày vào đám, dân xã cùng nhau xúm lạy ở dưới. Ở Dị Nậu (tên nôm là Kẻ Núc) huyện Tam Nông có tục “cướp kén” được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Trước ngày vào hội, dân làng cho chôn hai cây tre ở hai bên sân đình, trên ngọn tre có treo các bộ kén. Mỗi bộ kén gồm một chiếc mo cau rạch ở giữa (tượng trưng cho vật âm), và một chiếc chày ngắn bằng gỗ vông, một đầu tước xơ xớp ra (tượng trưng cho vật dương) đúng 12 giờ trưa (chính ngọ) ông chủ tế đứng trước cửa đình đọc một bài cầu chúc những điều may mắn. Sau đó người ta rung cây tre cho kén rơi xuống, trong tiếng trống chuông rộn vang cùng tiếng reo hò, dân làng xô nhau tranh cướp kén để cầu may cho cả năm.

Lật lại các lễ hội mang tính phồn thực xưa mới thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu “cơ sở văn hóa Việt Nam” đã “quy chế” nhiều biểu hiện văn hóa vào Âm - Dương, vào cặp biểu tượng sinh thực khí vốn rất thân thuộc và gần gũi với cư dân nông nghiệp. Thế mới biết rằng hướng nghiên cứu ấy cũng có cơ sở thực tiễn, những ai giễu cợt họ là những nhà “chày cối học” có vẻ còn mang nhiều “định kiến” với những dấu ấn phồn thực trong văn hóa cổ. Có thể nói, phải có cái “cơ sở văn hóa” vững chắc và thấm sâu vào tận làng xã từ xa xưa ấy thì mới có một Hồ Xuân Hương trong thời kỳ văn học cổ điển. Khi đọc mấy chữ “ứ hự” đầy “ỡm ờ” của “nhà phóng túng” Nguyễn Công Trứ: Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng? người ta ngạc nhiên quá. Nhà nho mà lại… “tình” thế à? Nhưng khi xem câu hát trong trò múa Mo ở Đức Bác (Phú Thọ) thì còn “ứ hự” hơn nhiều.

Xưa dân Đức Bác có thờ một vị nữ thần và có tục múa hát thờ mô phỏng tính giao. Đền thờ xưa nhỏ, làm bằng gỗ có một gian đặt trên một quả gò - gọi là gò ám ảnh. Sau chỗ đất ấy được thay bằng một ngôi đình. Khi tế lễ xong có trò múa âm dương hòa hợp, gồm tám nam và tám nữ ăn mặc chỉnh tề. Bên nam cầm sinh thực khí nạm bằng gỗ vuông, bên nữ cầm hình sinh thực khí nữ bằng mo cau. Trong khi múa có trống chiêng đệm. Bên nam hát trước: Cái sự làm sao, nữ đáp: Cái sự làm vậy, bên nam lấy cây vông chọc một lỗ thủng vào mo cau, sau đó dùng gỗ vuông vừa chọc vào mo cau vừa hát: Cái sự thế này là cái sự làm sao? Tất cả vừa múa vừa đi vòng tròn, tiến lên, lùi xuống trong một thời gian nhất định. Vào buổi tối khi lễ xong, lại có tục tắt đèn, trai gái tự do đùa nghịch.

Xin trích lời tác giả Phạm Hoàng Oanh trên báo Phú Thọ để kết thúc bài viết này: “Có thể thấy, tục thờ sinh thực khí qua các hội làng trên vùng trung du đất Tổ, chính là mong ước cầu cho sự sinh sôi phát triển của cộng đồng, của con người, là một nghi lễ rất phổ biến vẫn được duy trì ở nhiều làng quê. Qua các nghi lễ trong hội làng ấy, chúng ta không thấy có những hành động tính giao, mà thay vào đó là những lời hát giao duyên tình tứ, lời nói được sử dụng tượng trưng để thay cho hành động”.

Với cơ sở triết học ấy, với khát vọng thuần khiết và lành mạnh ấy, với sức hấp dẫn nghìn năm ấy, việc tôi liệt kê ra những lễ hội nói trên, có lẽ không chỉ là để thỏa trí tò mò trong dịp hội hè đầu Xuân mà muốn đặt ra một vấn đề nghiêm túc: Kho tàng lễ hội truyền thống của chúng ta rất phong phú, rất sống động, rất đời thường, chứ hoàn toàn không khô khan như những hội làng “phục dựng bây giờ”, hết vái dài đến vái ngắn mà trống rỗng. Vấn đề là chúng ta cần phải đánh thức kho tàng ấy, khơi dậy những giá trị văn hóa lành mạnh, trước hết là để thổi niềm vui sống vào chính cộng đồng đang lưu giữ lễ hội ấy, sau là để phát triển du lịch. Rất mong một ngày nào đó, chúng ta có thể hòa vào không khí “trai làng đi chơi hội” và tận hưởng những ngày Xuân tươi trẻ, tràn trề sức sống.

Câu chuyện 2:

 

Nguyễn Mỹ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]