Câu chuyện thú vị về một thanh gươm “thần kỳ”

Dân trí Người Mày và người Khùa ở xã Dân Hóa luôn đặt niềm tin vô biên vào "đặc tính siêu phàm" của thanh gươm “thần kỳ”. Họ cho rằng thanh gươm luôn biết chỉ dẫn đúng sai, phải trái cho bà con; nó cũng là một lễ vật không thể thiếu trong việc cưới xin.

0

Câu chuyện về thanh gươm "thần kỳ” của người Mày và người Khùa mang nhiều màu sắc hoang đường, mê tín, thậm chí là hủ tục; nhưng cũng có thể nói đó là một nét văn hóa vô cùng độc đáo của người Khùa và người Mày ở dãy Trường Sơn.

Từ việc xem đường, chỉ lối...

Người Khùa và người Mày thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) luôn đặt niềm tin vô biên vào "đặc tính siêu phàm" của thanh gươm “thần kỳ” thuộc sở hữu của ông Hồ Poom ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa. Chúng tôi được ông Hồ Thoong, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dân Hóa, dẫn đến nhà ông Hồ Poom - người cất giữ báu vật của bản làng.

Căn nhà sàn Hồ Poom nằm nép mình dưới chân núi đầu Vượn ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa tuy không rộng rãi nhưng khá thoáng mát. Rót ly nước lá dùng mời khách, ông Hồ Poom bắt đầu kể về sự tích thanh gươm “thần kỳ”. Ông Hồ Poom bảo thanh gươm này có từ đời xưa để lại. Từ bao đời nay, ở trong thôn, bất kỳ ai gặp chuyện gì khó xử, khó nghĩ, khó giải đáp trong cuộc sống thì đều đến nhờ sự phân giải của thanh gươm! Không chỉ thế, mỗi khi bà con dự định làm một việc lớn nhưng đang còn phân vân, do dự thì cũng viện tới thanh gươm, để được thanh gươm "chỉ đường, mách lối" xem có nên làm hay không?!

Nói rồi ông Hồ Poom bắt đầu mô tả cách làm lễ để gọi “ma mút” nhập vào thanh gươm. Theo đó, ngoài thanh gươm, chủ nhân cần phải chuẩn bị 4 chum rượu cần, một cái đầu lợn hoặc một con gà, một bát gạo đầy bằng miệng, một đồng xu đặt chính giữa bát gạo, bốn đọt lá cây còn non và điều quan trọng là phải có đầy đủ 5 thành phần tham dự buổi lễ. Đó là chủ tọa (người cần xem), người này cần phải nói được nhiều thứ tiếng như: tiếng Lào, tiếng Khùa,…; thư ký (là người phải biết thổi sáo); người rót rượu, rót nước; tộc trưởng dòng họ và những người trong dòng họ của chủ nhân tới chứng kiến buổi lễ.

Ông Hồ Poom (người cầm thanh gươm) đang mô tả cách gọi "ma mút" nhập vào thanh gươm

Khi các lễ vật đã được bày biện đầy đủ lên mâm gỗ đặt giữa sàn nhà, ông Hồ Poom mới vào buồng lấy thanh gươm “thần kỳ” ra đặt lên mâm và ngồi khoanh chân trước mặt người có việc muốn hỏi. Nến được thắp lên, khi lửa cháy đều thì ông mới bắt đầu nhắm mắt lẩm bẩm đọc “thần chú” để gọi “ma mút” nhập vào thanh gươm.

Sau đó ông Hồ Poom tuốt gươm ra, huơ huơ mấy đường rồi từ từ cắm mũi gươm xuống mép bát gạo. Khi tay vẫn còn giữ chặt thân gươm, ông lại nhắm nghiền mắt và lại lầm rầm đọc “thần chú”. Khi câu chú cuối cùng vừa dứt thì cũng là lúc ông buông tay khỏi thanh gươm.

Người dân cho rằng nếu "ma mút" đồng ý việc người đối diện thỉnh cầu thì thanh gươm sẽ đứng thẳng trên bát gạo. Lúc này “thần linh” đã phù hộ độ trì cho chủ nhân. Năm đó coi như cuộc sống của chủ nhân sẽ gặp ôn thuận gió hòa, không có điềm xấu xảy ra. Ngược lại, nếu “ma mút” không đồng ý thì thanh kiếm sẽ đổ ngay.
 
Ông Hồ Poom cũng khoe rằng năm nay ông đã ngoài 80 tuổi nhưng chưa một lần thất bại trong việc gọi “ma mút” nhập vào thanh gươm (?!).   

… đến chuyện “ông tơ bà nguyệt”

Từ xa xưa, người Khùa và người Mày không chỉ sùng kính thanh gươm “thần kỳ” trong việc xin ý kiến làm việc lớn mà họ còn xem nó là một lễ vật không thể thiếu trong chuyện cưới xin. Theo ông Hồ Poom, con trai con gái yêu nhau đến ngày đi bắt dâu thì thanh gươm “thần kỳ” là một lễ vật cần phải có đầu tiên. Nếu không có thanh gươm đó thì “ma mút” sẽ nổi giận và đám cưới đó sẽ bất thành. Vì thế, trong đám cưới của người Khùa và người Mày thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, cái gì có thể thiếu nhưng không thể thiếu sự hiện diện của thanh gươm “thần kỳ”.

Trong khi bắt dâu, cách đặt thanh gươm để cho nhà gái chấp thuận cũng phải đúng với nghi thức của nó. Thanh gươm phải được tuốt ra khỏi bọc gỗ khoảng 5cm, lưỡi gươm hướng ra ngoài, đầu nhọn thanh gươm phải chỉa vào cột nhà ở góc cửa chính, sống lưng thanh gươm phải hướng vào phòng khách.

Thanh gươm "thần kỳ" còn là một lễ vật không thể thiếu trong chuyện cưới xin của người Mày và người Khùa

Sau khi làm xong mọi thủ tục mà nhà gái đồng ý thì công việc bắt dâu mới được tiến hành. Tuy nhiên, trước khi bắt dâu về thì nhà trai phải bỏ lại thanh gươm “thần kỳ” ở nhà gái. Ba ngày sau, để sang lấy lại thanh gươm, nhà trai phải chuẩn bị một con bò, con lợn hoặc bằng tiền mặt để lại cho nhà gái. Đó được xem như là một lễ vật để cầu duyên cho đôi trẻ sống trọn đời bên nhau.  

Đặng Tài

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]