Cây cảnh Tết Nguyên đán: Độc đáo mâm ngũ quả

0
Với tay nghề tài hoa cùng đức tính cần cù chịu khó, ông Lê Đức Giáp, xã Cao Viên, Thanh Oai (Hà Nội), đã trở thành “ông vua” cam canh và còn đưa ra thị trường cây cảnh Tết những loại cây ghép năm loại quả, bảy loại quả hết sức độc đáo.

Thành công từ mô hình trồng cam canh và cây ngũ quả phục vụ Tết đã cho gia đình ông Giáp khoản thu nhập cao với lãi ròng 500 triệu đồng/ha/năm.

Ông "vua" cam canh


Từ năm 2002, khi bắt tay vào chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng cam, ông Giáp đã mày mò đi khắp nơi, xuống tận tỉnh Hưng Yên để mua giống và học hỏi kỹ thuật. Ông xin tham gia vào những khóa đào tạo, tập huấn của Trung tâm khuyến nông (lúc đó vẫn thuộc tỉnh Hà Tây cũ).

Ông Giáp xác định, làm ăn chuyên nghiệp thì mới đem lại hiệu quả cao nên phải đầu tư thâm canh cây trồng. Vì vậy, ông nghiên cứu nâng cao chất lượng cam để có được giá thành cao hơn. Cụ thể, nếu như giá cam bán buôn tại vườn năm 2003 chỉ là 25.000 đồng/kg; năm 2008 là 35.000-40.000 đồng/kg, thì đến năm 2012, giá cam lên đến 55.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá tăng một phần cũng do thị trường biến động, nhưng chất lượng cam ngon là điều không ai có thể phủ nhận. Khi bán hàng uy tín, cam của ông dần có thương hiệu, khách hàng tự tìm đến, nên năm nào vườn cây cũng có đầu ra ổn định, ngày càng có lãi cao để lấy ngắn nuôi dài.

Theo ông Giáp, để trồng cam thành công cần có nhiều yếu tố, trong đó chọn cây giống, bố trí thời vụ, chế độ chăm sóc là đặc biệt quan trọng.

Tổng diện tích trồng cam của ông có 1ha, trong đó một nửa trồng cây cam cảnh, nửa còn lại những vùng đất xấu hơn ông dùng trồng cây giống, hiện cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình từ các tỉnh thành lân cận.

Nhiều người là anh em, họ hàng hay những người từ nơi xa đến học hỏi, có khó khăn ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Điển hình là ông đã giúp đỡ mô hình trồng cam của anh Đinh Quang Thắng ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ đến nay cho thu nhập 800 triệu đồng/ha...

Trước khi chuẩn bị dự tổng kết các phong trào sản xuất của Hội nông dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chọn mô hình vườn cam của ông Giáp để tham quan. Chủ tịch thành phố Hà Nội đánh giá đây là mô hình đặc thù, kết hợp tốt việc sản xuất gắn với nhu cầu tiêu thụ, nên cho hiệu quả cao, cần nhân rộng.

Đưa mâm ngũ quả lên một thân cây

Ông Giáp còn được biết đến là một người tài hoa, có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực ghép cây. Ông chính là người đầu tiên ghép thành công bảy loại quả trên cùng một cây.

Để làm được điều đó, ông Giáp bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2006 mày mò ghép các loại quả cùng họ như quất, quýt, cam, bưởi, và phật thủ lên một thân cây.

Lúc đầu, mặc dù ghép đi, ghép lại nhiều lần nhưng ông vẫn thất bại, các loại quả chín không đồng đều một lúc và thường chín rộ rụng trước thời điểm Tết đến.

Sau nhiều năm làm thử nghiệm (2006-2009) ông đã ghép thành công bảy loại quả trên cùng một cây và năm 2009 đã bắt đầu cho ra thị trường tiêu thụ.

Theo ông, cây ghép năm loại quả, bảy loại quả không chỉ đơn thuần là vì kinh doanh, lợi nhuận, mà là để thỏa mãn niềm đam mê của những người sành chơi cây cảnh Tết.

Cây ghép năm loại quả, tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày tết. Còn cây ghép bảy loại quả muốn nói sự hoà hợp, gắn bó, sum vầy những ngày Tết đến Xuân về mà ai ai cũng hướng tới.

Thời gian kể từ khi chọn cây thực hiện ghép cho đến khi cho thu hoạch vừa tròn một năm. Những cây được chọn ghép có bộ rễ chùm cực khỏe, thông thường ông chọn cây bưởi, sau đó ghép các quả khác vào như cam canh, cam Malaysia, cam Vinh; phật thủ; quýt...

Việc ghép các loại quả vào cũng theo từng thời điểm thích hợp với thời gian phát triển, để làm sao đến dịp Tết về tất cả các loại quả đều đồng loạt chín rộ với màu sắc rực rỡ.

Hiện nay, vườn gia đình ông Giáp có hàng trăm cây cam, trong đó có nhiều cây lâu năm, cùng hàng chục cây ghép ngũ quả. Trước Tết, khách đã đặt mua phần lớn số cây trong vườn chỉ chờ ngày vận chuyển.

Cây bảy loại quả có giá dao động từ 10-12 triệu đồng/cây; cây ghép loại 3-5 quả dao động từ 1-5 triệu đồng/cây./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]