Cây đặc sản Atisô ở Đà Lạt đang gặp khó khăn

15.6028
Trong vài năm trở lại đây, cây atisô Đà Lạt - một loại rau và cũng là một loại dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp với diện tích trồng giảm dần.

Người nông dân không còn mặn mà với loài cây đã từng gắn bó lâu năm, giúp họ vươn lên làm giàu mặc dù cây trồng này vẫn luôn được địa phương chú trọng.

Có nguồn gốc từ nước Pháp, cây atisô được được đưa vào Việt Nam từ thề kỷ 19 và được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt (Lâm Đồng), trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng này.

Với các công dụng nhuận gan, mật, thông tiểu tiện, kích thích tiêu hóa…, cây atisô được xem là loại cây dược liệu tốt cho sức khỏe.

Về với vùng Thái Phiên trong những ngày nơi đây đang vào vụ thu hoạch cây atisô, cảnh mua bán tấp nập như trước đây đã không còn, giá bán atiso tại vườn hiện chỉ ở mức 15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Do vậy, số hộ trồng cây này chỉ còn lại rất ít. Bà con cho biết nguyên nhân khiến cây atisô bị thu hẹp dần do giá cả không ổn định, lợi nhuận thấp hơn trồng hoa và một số loại rau khác, rủi ro cũng cao hơn.

Thực tế cho thấy, nếu như năm 2005, tại phường 12 - vùng atisô trọng điểm của thành phố Đà Lạt, diện tích cây atisô lên đến khoảng 80ha (chiếm 80% tổng diện tích atisô toàn thành phố) thì nay diện tích này đã giảm xuống còn hơn 40ha, thay vào đó là những nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa khác mọc lên.

Đặc biệt, trong hai năm 2008-2009, khi giá atisô bị “tuột dốc” mạnh (chưa tới 10.000 đồng/kg) thì các loài hoa như hoa cúc, cát tường… lại được giá khá cao nên bà con đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng atisô sang trồng những loại cây được giá.

Ông Lê Đình Luân (khu phố 2, phường 12) cho biết nếu so sánh về giá trị kinh tế giữa atisô và hoa cúc, hiện nay, lợi nhuận từ hoa cúc thu được cao hơn nhiều.

Theo tính toán, trên 1.000m2 đất, nếu trồng atisô thì tổng thu nhập một năm chỉ đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng trong khi đó, hoa cúc cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng.

Một năm cây atisô chỉ trồng được một vụ còn hoa cúc có thể trồng được 3 vụ do vậy, tính rủi ro khi trồng hoa cúc sẽ thấp hơn. Nếu tiếp tục theo đà này, không lâu nữa, thương hiệu atisô Đà Lạt sẽ khó giữ được.

Để tìm hướng đi mới cho cây atisô, ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho biết “Mặc dù trong vài năm trở lại đây, diện tích cây atisô đang giảm mạnh, nhưng không thể để thương hiệu Atisô Đà Lạt mất đi vì không nơi nào ở Việt Nam có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp... để trồng atisô như ở phường 12, Đà Lạt. Đồng thời, giá trị dinh dưỡng của cây atisô nơi đây rất cao.”

Tuy nhiên, để vị thế của Atisô Đà Lạt ngày càng được nâng cao hơn thì rất cần sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng. Để làm được điều này, người nông dân trồng Atisô đang cần được hỗ trợ về vốn đầu tư, đầu ra cho sản phẩm.../.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]