CEO châu Á lạc quan về triển vọng doanh lợi

Việc Mỹ mất xếp hạng tín nhiệm cao nhất và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể làm xáo động các thị trường châu Á, song giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp khu vực này từ tài chính cho tới viễn thông vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh của họ, hãng tin CNBC cho hay.

0

Nhiều doanh nghiệp châu Á vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế thế giới.
Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poor's đã cảnh báo, khu vực châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, nếu xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần thứ hai, nhất là các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu hoặc các quốc gia vẫn đang tìm cách bù đắp ngân sách sau cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2009.

Standard and Poor's không dự báo sự trở lại của một "cơn bão" khủng hoảng tài chính toàn cầu, song cảnh báo nếu trường hợp xấu nhất đó xảy ra thì khu vực châu Á sẽ phải chịu những hậu quả sâu sắc và kéo dài hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng trước. Theo tổ chức này, việc hãng hạ bậc tín nhiệm của Mỹ sẽ không tác động ngay tới châu Á.

Standard and Poor's lưu ý nhu cầu tiêu thụ nội địa ổn định, lĩnh vực doanh nghiệp và hộ gia đình khá vững mạnh, nguồn thanh khoản bên ngoài dồi dào và tỷ lệ tiết kiệm cao của châu Á-Thái Bình Dương là những điểm mạnh của khu vực này, mặc dù nhiều nền kinh tế vẫn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu sang phương Tây.

Trong bối cảnh các thị trường toàn cầu tồn tại sự ràng buộc chặt chẽ, thì sự sụt giảm bất ngờ tại các thị trường phát triển có thể kéo theo những hệ quả xấu đối với các thị trường đang phát triển, như bài học mà các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu phải trải qua trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Tuy nhiên, trả lời CNBC, Ronald Arculli, CEO của hãng hối đoái Hồng Kông cho biết, họ đã “sống sót” qua 2-3 năm qua, cho dù có bị tác động nghiêm trọng như thế nào từ châu Âu hay Bắc Mỹ. Theo ông, triển vọng của các nền kinh tế châu Á nhìn chung vẫn tích cực, không chỉ trong năm nay mà còn cả vào năm tiếp theo.

Chua Sock Koong, CEO tập đoàn viễn thông SingTel có trụ sở ở Singapore, cũng có quan điểm tương tự. Bà cho biết, tập đoàn viễn thông của bà vẫn giành được thành công trong môi trường tăng trưởng chậm trên toàn cầu.

Bà Koong cho biết không có ý định cắt giảm vốn đầu tư và nói thêm rằng, “tiềm lực tài chính rất mạnh” của SingTel là một “cơ hội rất tốt” để nắm lấy các cơ hội thu lợi nhuận, nếu những cơ hội đó đến với doanh nghiệp

Một giám đốc điều hành doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đang quay cuồng trước cơn bão lạm phát giá cả như Domino’s Pizza cũng lạc quan không kém, khi cho rằng nhu cầu tiêu thụ đồ ăn của chuỗi cửa hàng này sẽ không giảm sút.

Don Meij, CEO của hãng Domino’s Pizza, nói rằng, “lương thực hiện đắt giá hơn bất kỳ lúc nào… nhưng cho dù như vậy, chúng tôi vẫn đang sản xuất với cường độ mạnh nhất từ trước tới nay và như vậy, lợi nhuận thu được cũng ở mức cao nhất”.

Ông cho biết, “giá trị cung cấp” vẫn là trọng tâm trong chiến lược của chuỗi nhà hàng Domino’s, nhất là trong thời điểm người tiêu dùng đang rất nhạy cảm với giá cả.

Trong lĩnh vực hàng không, John Slosar, CEO của hãng bay Cathay Pacific, cũng tỏ ra tin tưởng vào triển vọng ngành của mình. Ông cho rằng, ngành du lịch và vận tải đường không vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc, Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Hãng hàng không lớn thứ tư ở châu Á này hôm qua cho biết đã đặt hàng 4 chiếc máy bay Boeing 777-300ER và 8 chiếc máy bay Boeing 777-200F với chi phí lên tới 3,28 tỷ USD. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu vận tải và du lịch vẫn tăng mạnh.
 

Nguồn VNECONOMY
15.5915--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]