Chăm sóc bà mẹ đa thai (1): Những nguy cơ tiềm ẩn

GiadinhNet - Nhằm giúp các bà mẹ mang đa thai có thêm kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe, Báo GĐ&XH khởi đăng loạt bài "Chăm sóc bà mẹ đa thai".

15.5757
Mang thai, sinh con, bên cạnh niềm vui, hạnh phúc là nỗi lo lắng: Sinh hoạt ra sao để đảm bảo sức khỏe của bà mẹ, em bé? Mang đơn thai đã thế, nếu mang đa thai thì nỗi lo cũng nhân lên. Có đúng phải "tẩm bổ" gấp ba, gấp bốn, ăn uống, nghỉ ngơi nhiều hơn, sức khỏe của bà mẹ sinh đôi dễ yếu hơn, những em bé sinh đôi có thể trạng không tốt bằng các em bé khác?
 
Sinh đôi chiếm tỷ lệ khoảng 1- 1,5% tổng số các trường hợp đẻ. Hiện nay, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên. Theo các chuyên gia y tế, đa thai là một hiện tượng  thai nghén có nguy cơ bệnh lý và tử vong cao, xảy ra ngay cả trong thời kỳ người phụ nữ mang thai cũng như trong lúc chuyển dạ.

Niềm vui, nỗi lo… nhân ba

"Hốt hoảng, lo lắng, băn khoăn là tâm trạng chung của các thai phụ khi biết mình mang đa thai, phổ biến là thai đôi", BS Trần Thu Hà (Phó khoa Phụ sản, BV Trung ương Huế) cho biết. Sở dĩ có tâm trạng này là bởi phụ nữ mang đa thai phải đối diện với những nguy cơ cao hơn người mang thai thường.

Không phải phụ nữ mang đa thai nào cũng có những dấu hiệu nhận biết, bởi có rất nhiều người còn không biết mình mang bầu. "Tuy nhiên, thường thì thai phụ mang đa thai có dấu hiệu nghén nhiều hơn so với lần mang thai trước (với trường hợp mang thai lần thứ hai) hoặc so với người cùng có thai. Phụ nữ mang đa thai có dấu hiệu phù sớm, nhiều hơn do tử cung to chèn ép tuần hoàn chi dưới.
 

Luyện tập nhẹ nhàng trước sinh rất cần thiết cho bà bầu, nhưng phải thảo luận với bác sĩ về bài tập (Trong ảnh: Các bà bầu đang thực hiện một bài tập vận động dưới sự hướng dẫn của nữ hộ sinh). Ảnh: P.V

 
Sản phụ cũng mệt mỏi, đi lại khó khăn do các cơ quan làm việc tăng cường hơn, huy động các cơ khớp, xương. Tử cung to nhanh làm thai phụ cảm thấy khó thở. Thai máy ở nhiều nơi trên tử cung, khắp ổ bụng", BS Thu Hà cho hay.

Theo BS Thu Hà, sinh đôi một noãn (sinh đôi đồng hợp tử) hiếm gặp hơn, khoảng 1/250 trường hợp sinh, không có tính chất gia đình và di truyền, là kết quả của sự thụ tinh giữa một tiểu noãn và một tinh trùng duy nhất, nhưng trong quá trình phân bào của trứng do sự đột biến mà phát triển thành 2 thai. Do có cùng nguồn gốc cho nên 2 thai mang cùng tính chất di truyền, bao giờ cũng cùng giới, có thể giống nhau về hình thái cơ thể. Sinh đôi 2 noãn (sinh đôi dị hợp tử) thường gặp hơn sinh đôi một noãn, tỷ lệ khoảng 65% - 70% trong tổng số sinh đôi. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền.

Nguy cơ sinh non cao gấp 6 lần thai thường

Trong thai kỳ, sảy thai, sinh non là biến chứng thường gặp, nguy cơ sinh non đa thai cao gấp 6 lần thai thường (khoảng 15-30% các trường hợp sinh đôi bị đẻ non trong đó khoảng 8% trước 32 tuần). Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội): Hiếm có ca sinh đa thai nào đúng dự kiến. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong và bệnh lý cao. Triệu chứng tiền sản giật cũng xảy ra thường xuyên và sớm hơn các trường hợp mang một thai.

Nguy cơ thứ hai sau sinh non là thai chậm phát triển trong tử cung. Tỷ lệ gặp gấp 10 lần so với phụ nữ mang một thai. Hơn 50% trường hợp thai chết lưu trong tử cung là hậu quả của thai chậm phát triển hoặc do sự mất cân bằng tuần hoàn giữa 2 thai. Một nguy cơ khác của người mang đa thai là đa ối, thường xảy ra vào thời kỳ cuối của 3 tháng giữa thai kỳ và hay gặp ở trường hợp sinh đôi một bánh nhau, mất cân bằng tuần hoàn giữa 2 thai.

Ngoài ra, các nguy cơ khác không phải hiếm gặp ở phụ nữ mang đa thai là nhau bám thấp do sự tăng bề mặt của bánh nhau, làm tăng nguy cơ đẻ non, chảy máu do bong nhau, ngôi thai bất thường; hay nguy cơ thai dị dạng (2% trong sinh đôi), đặc biệt là sinh đôi đồng hợp tử (10%); thiếu máu - 3,2% trường hợp.

Với những ca đa thai, nguy cơ bị dị tật, chết lưu cao gấp nhiều lần so với thai thường.

Không những thế, phụ nữ mang đa thai còn đối diện với những nguy cơ cao trong chuyển dạ như: Đẻ khó do cơn co tử cung; da dây rốn; đẻ khó thai thứ hai; hai thai mắc nhau; sang chấn sản khoa; đờ tử cung sau đẻ.

Dinh dưỡng, thể dục đi đôi với cân bằng tâm lý

BS.Kim Dung chia sẻ: Trong quá trình tiếp xúc với các phụ nữ mang đa thai, câu hỏi thường gặp nhất vẫn là về dinh dưỡng. Nhiều người cho rằng, mang một thai đã ăn cho 2 người, vậy mang đa thai phải ăn gấp mấy lần chừng đó. "Sự thật là bạn không thể ăn nhiều hơn được như vậy! Vì thế, chúng tôi khuyến cáo các thai phụ nên cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn, ăn dễ tiêu, chia làm nhiều bữa trong ngày, lượng protein chỉ tăng gấp rưỡi so với bình thường là hợp lý. Nếu quá kiêng khem, một hoặc các thai sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng. Trong khi phụ nữ mang thai đơn tăng từ 9-12kg thì tăng từ 13-15kg là hợp lý cho phụ nữ mang thai đôi, từ 17-20kg cho thai 3", BS.Kim Dung cho biết.

Đi kèm với ăn uống, bà bầu đa thai rất dễ bị táo bón, do đó cần có một chế độ luyện tập cho cơ thể. Khác với phụ nữ mang thai thường, bà bầu đa thai không có bài tập cố định và nhất thiết phải có ý kiến của bác sỹ chuyên môn về vấn đề này. Một số gợi ý như đi bộ vào buổi sáng hoặc chiều tối, đạp xe đạp cố định, bài tập cho cánh tay, bơi lội cũng là những môn thể thao nhẹ nhàng và có lợi cho thai phụ.

Quan trọng nhất đối với người mang đa thai là được tư vấn, cho biết trước tất cả những nguy cơ, khó khăn vất vả để chuẩn bị trước và học cách cân bằng về tâm lý. "Khi mang trong mình một lúc nhiều sinh linh, ngoài sự mệt mỏi về sức khỏe, nếu không được chia sẻ về tinh thần và trách nhiệm, những bà bầu này sẽ rất dễ trầm cảm. Họ cần sự động viên, an ủi và giúp đỡ rất lớn từ người thân.
 
Lập kế hoạch cho cuộc sống sắp tới sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng đối với thai phụ và gia đình ngay khi biết mình mang đa thai. Để phòng ngừa dị tật, những phụ nữ trước khi chuẩn bị mang thai cần đi khám sức khỏe toàn diện, điều trị dứt điểm những bệnh đang mắc, cần được theo dõi chặt chẽ những bệnh mạn tính như tim mạch, hen, dị ứng... trong thai kỳ”,  BS Dung tư vấn.  
 
(Còn nữa)

Sản phụ nên đi khám toàn diện sớm

"Hiện, bệnh viện chúng tôi chưa có nghiên cứu cụ thể nào về dị tật trong những ca đa thai. Trên thực tế không quá nhiều trường hợp này. Bằng phương pháp siêu âm, phần lớn các bất thường thai nghén đều có thể được chẩn đoán được từ giai đoạn đầu thai kỳ nhưng thường là 3 tháng giữa thai kỳ (từ 12 tuần trở đi).
 
Sản phụ cần và nên đi khám sớm bởi nếu được chẩn đoán sớm, chính xác tình trạng này, các bác sĩ có thể bàn bạc để lựa chọn quyết định ít gây tổn hại nhất về sức khỏe, tinh thần và tiền bạc cho cả gia đình".
PGS.TS Lê Anh Tuấn 
Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ

Võ Thu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]