Chăm sóc đối tượng sau Chiến dịch

GiadinhNet - Công tác chăm sóc khách hàng sau Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản có vai trò rất quan trọng để tạo tính bền vững. Chuyên đề kỳ này trân trọng đăng tải bài viết của Th.S Lã Duy Tuấn - Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Nam Định góp ý về vấn đề này.

0
Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ là một mô hình được thực hiện gần 20 năm trên phạm vi toàn quốc, cho đến nay nó vẫn khẳng định tính thiết thực và hiệu quả trong thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh về giảm sinh. Mục đích của Chiến dịch là đẩy mạnh tuyên truyền vào một vài thời điểm trong năm nhằm giúp đối tượng từ chỗ chưa hiểu đến hiểu rõ, tin tưởng, đồng tình rồi chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai.
 
Quan tâm hơn nữa đến đối tượng
 
Tính thiết thực của mô hình thì không cần phải bàn thêm, tuy nhiên nếu như chúng ta không quan tâm đến khâu chăm sóc đối tượng (khách hàng) sau Chiến dịch thì sẽ không phát huy hết tính năng của biện pháp truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ.
 

Chiến dịch chăm sóc SKSS đã góp phần nâng cao nhận thức cho đông đảo người dân vùng xa (Ảnh: Dương Ngọc).

Để chuyển đổi hành vi của đối tượng từ chưa thực hiện, đến chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, xét về lý thuyết họ cần phải có sự hiểu biết thấu đáo về nó. Khi đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông, qua hội nghị chuyên đề, vận động quần chúng, vv... thực chất mới tạo ra "sức nóng" cho bầu không khí bề nổi trong cộng đồng. Tác dụng của nó mang tính cổ động, tạo khí thế. Với người dân chỉ cần có thế là họ hưởng ứng ngay. Về khách quan thì sự hưởng ứng này vẫn là mang tính tự phát theo phong trào. Chúng ta phải triệt để  tận dụng bầu không khí này để tranh thủ cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng cho đối tượng bởi vì "khi nước sôi mới hãm được trà".

Kết thúc Chiến dịch, phong trào lắng xuống, nếu không chú trọng khâu chăm sóc khách hàng thì đối tượng lại thờ ơ,  thậm chí bỏ ngay các biện pháp KHHGĐ đã áp dụng. Điều này lý giải vì sao đối tượng đã đặt vòng, đã sử dụng thuốc cấy tránh thai, vv... mà họ vẫn cứ có thai và tiếp tục đẻ, nhất là với các bà con vùng Công giáo. Để Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ thực sự có hiệu quả mang tính bền vững, cần phải thực hiện tốt hai nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Không được xem nhẹ tư vấn

Tư vấn giúp khách hàng hiểu rõ về tính năng, tác dụng của các biện pháp tránh thai hiện đại và giúp họ lựa chọn một biện pháp phù hợp nhất. Trong Chiến dịch cần bố trí các bàn tư vấn cho đối tượng. Qua đi kiểm tra giám sát ở cơ sở, chúng tôi thấy hầu như các  đơn vị không bố trí bàn tư vấn cho đối tượng.
 

Đối tượng đăng ký KHHGĐ tại Chiến dịch (Ảnh: PV).

Như vậy là  đã quá chú trọng ở khâu cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng mà xem nhẹ khâu tư vấn trong khi các biện pháp tránh thai hiện đại đều có những tác dụng phụ khác nhau và không phải ai cũng có thể áp dụng, nếu đối tượng chưa hiểu khi thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường thì họ sẽ lo lắng và tìm cách tháo bỏ biện pháp đang áp dụng. Hiện nay, theo đánh giá của các cơ sở làm dịch vụ KHHGĐ mà chúng tôi đi kiểm tra giám sát thì họ không thể kiểm soát được số ca chị em đi tháo bỏ. Điều này gây tâm lý không tốt  trong cộng đồng, gây lãng phí nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư cho chương trình. Nếu chúng ta chú trọng khâu tư vấn giúp khách hàng có sự hiểu biết sâu sắc về ích lợi, tính năng tác dụng của các biện pháp KHHGĐ thì họ có thể tự giác bỏ tiền túi ra để áp dụng, còn đã không hiểu có cung cấp miễn phí thì họ cũng không coi trọng

Thứ hai: Nâng cao chất lượng tư vấn

Thường xuyên theo dõi và tư vấn cho đối tượng sau khi áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Có thể khẳng định, hiện nay rất nhiều địa phương chưa thực hiện tốt khâu chăm sóc khách hàng hậu Chiến dịch truyền thông lồng ghép. Nói đến chăm sóc khách hàng là chúng ta phải tìm đến đối tượng chứ không phải đợi họ tìm đến chúng ta.

Xem ra đây là một việc khó vì đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kiến thức về chăm sóc SKSS là các y, bác sĩ ở các trạm y tế xã không nhiều, việc họ đến từng nhà rà từng đối tượng là bất khả thi. Mặt khác, đây lại là trách nhiệm của những người làm cộng tác viên (CTV) dân số. Hiện nay ở rất nhiều các địa phương đã có y tế thôn bản, nếu như chúng ta bố trí cho họ làm kiêm nhiệm CTV dân số thì khâu chăm sóc khách hàng hậu Chiến dịch sẽ thực hiện được. Các đối tượng đã, đang hoặc chưa áp dụng biện pháp tránh thai trong địa bàn thôn phụ trách chắc chắn họ nắm sát và dễ dàng thiết lập cuộc hẹn đến với khách hàng để tư vấn. Để đảm bảo chất lượng chăm sóc khách hàng sau khi đã làm dịch vụ cần quy trách nhiệm cho cá nhân mỗi y tế thôn kiêm CVT dân số.

Cách làm này sẽ giúp cho công tác DS - KHHGĐ đảm bảo tính ổn định bền vững và được áp dụng thuận lợi khi mà hiện nay công tác này đã được giao cho ngành Y tế quản lý về Nhà nước, chỉ cần cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến tính thiết thực và hiệu quả của công tác DS - KHHGĐ của đơn vị mình là có thể thực hiện được.

          Th.s Lã Duy Tuấn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]