Chăm sóc kinh nguyệt ở trẻ gái vị thành niên

Tuổi dậy thì của các em gái thường bắt đầu sớm hơn các em trai khoảng 2-3 năm. Biểu hiện dậy thì của các em gái được khẳng định từ khi các em xuất hiện kinh nguyệt lần đầu, mặc dầu trước đó về hình dáng cơ thể và phát triển tinh thần ở các em đã ít nhiều có biến đổi.

15.4983

Tuổi dậy thì của các em gái nước ta hiện nay thường là 11-12 tuổi, sớm hơn 1-2 năm so với cách đây vài chục năm về trước (trường hợp 17-18 tuổi mới có kinh lần đầu vẫn được coi là bình thường). Trước đây, nhiều em gái đã rất sợ hãi trong kỳ kinh đầu tiên khi thấy máu chảy qua đường sinh dục nhưng hiện nay nhờ những thông tin khoa học về sự biến đổi sinh lý của lứa tuổi dậy thì được phổ biến khá rộng rãi trong trường học và trong cộng đồng nên tình trạng sợ hãi của các em hầu như không còn nữa. Tuy nhiên còn không ít em chưa hiểu gì nhiều về đặc điểm kinh nguyệt của tuổi vị thành niên và do không có kinh nghiệm, nhiều em còn rất lúng túng không biết điều gì cần phải làm khi các em bắt đầu có kinh nguyệt.

Đặc điểm kinh nguyệt của vị thành niên gái

Cũng như kinh nguyệt của phụ nữ trưởng thành, kinh nguyệt của vị thành niên gái là hiện tượng máu chảy từ tử cung ra ngoài do niêm mạc tử cung bị bong theo chu kỳ dưới ảnh hưởng của các hormon buồng trứng. Kinh nguyệt ở vị thành niên gái cũng có chu kỳ tùy theo từng cá thể, từ 22 ngày đến 35 ngày. (Chu kỳ kinh là khoảng thời gian từ ngày đầu của kỳ kinh này đến ngày cuối cùng trước khi có kinh lần sau). Thời gian ra máu mỗi kỳ kinh là vài ba ngày, tối đa đến 1 tuần. Lượng máu kinh ở ngày ra nhiều nhất thấm ướt từ 3 đến 5 băng vệ sinh. Thông thường ngày đầu máu kinh ra ít, ngày thứ 2 máu ra nhiều hơn; những ngày sau ít dần và hết hẳn (thường nói là “sạch”).

Dưới đây là một số tình trạng kinh nguyệt bất thường hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt mà người phụ nữ ở lứa tuổi nào cũng có thể gặp:

- Dậy thì sớm: khi tuổi có kinh lần đầu dưới 10 tuổi.

- Dậy thì muộn: khi tuổi có kinh lần đầu quá 18.

- Kinh ngắn: khi số ngày có kinh chỉ 1-2 ngày.

- Kinh kéo dài hay “rong kinh”: khi thời gian kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.

- Kinh mau: khi chu kỳ kinh ngắn, dưới 22 ngày.

- Kinh thưa: khi chu kỳ kinh kéo dài trên 35 ngày.

- Kinh nguyệt không đều: khi các lần thấy kinh có chu kỳ không cố định, khi ngắn, khi dài, nói cách khác là tháng có tháng không.

- Đau bụng kinh (hay thống kinh): Bình thường trong những ngày có kinh người phụ nữ chỉ có cảm giác tức nhẹ ở bụng dưới, không đau, nhưng khi thống kinh thì có cơn đau rõ ràng, có khi đau lăn lộn ảnh hưởng nhiều đến công việc hoặc học hành.

- Băng kinh: là tình trạng máu kinh ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây thiếu máu trầm trọng.

- Vô kinh: là tình trạng không có kinh, có thể nguyên phát khi đã quá 18 tuổi vẫn chưa có kinh; có thể thứ phát sau khi đã có kinh vài ba tháng rồi liên tiếp nhiều tháng sau không có kinh lại nữa.

- Mãn kinh sớm: Khi người phụ nữ không còn kinh do buồng trứng suy tàn không cung cấp hormon cho cơ thể nữa. Hiện nay tuổi mãn kinh của phụ nữ tring bình từ 48 đến 50. Mãn kinh sớm là khi không còn kinh từ tuổi 40.

- Mãn kinh muộn: khi trên 50 tuổi vẫn còn kinh.

Đối với lứa tuổi vị thành niên, rối loạn kinh nguyệt hay gặp hơn cả là các dạng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rong kinh và băng kinh.

Tại sao vị thành niên gái hay bị rối loạn kinh nguyệt? Giải đáp câu hỏi này người ta cho rằng ở lứa tuổi đang lớn nhanh của các em gái vị thành niên sự phát triển về cơ thể nhanh chóng, mạnh mẽ nhưng sự phát triển và điều hòa về thần kinh và thể dịch ở các em lại không theo kịp vì thế nên thường có trục trặc trong một hai năm; đến khi cơ thể thực sự trưởng thành thì “đâu sẽ vào đấy”, kinh nguyệt của các em sẽ bình thường như hầu hết các phụ nữ trưởng thành khác.

Vệ sinh như thế nào?

Trước hết các em cần hiểu biết kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường, người con gái nào cũng phải trải qua để sẵn sàng đón nhận nó, không sợ hãi, lo lắng khi lần đầu tiên thấy chảy máu từ bộ phận sinh dục. Lúc này tốt hơn cả là các em thông báo cho mẹ hay chị gái lớn để nhận được lời giải thích và lời khuyên cần thiết.

Trong những ngày có kinh, các em cần giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt vệ sinh bộ phận sinh dục bằng cách đóng băng vệ sinh và thường xuyên thay băng khi máu thấm nhiều. Mỗi lần thay băng cần phải rửa sạch bộ phận sinh dục bên ngoài bằng nước sạch và xà phòng; không được xịt nước vào bên trong cửa mình hoặc cho ngón tay vào rửa trong đó. Cần chú ý rửa bộ phận sinh dục trước rồi mới chuyển sang rửa vùng hậu môn và không bao giờ dùng tay đã rửa ở phía sau (phía hậu môn) để rửa vùng sinh dục phía trước nhằm tránh đưa vi khuẩn vào vùng sinh dục. Nên dùng vòi tia nước hay gáo dội, không nên rửa bằng cách ngâm trong chậu. Sau khi rửa dùng khăn sạch thấm khô rồi mới đóng khăn vệ sinh mới. Hiện nay một số các em dùng loại băng vệ sinh đặt sâu trong âm đạo để cuộn băng hút máu và dịch, sẽ thuận tiện hơn vì máu không chảy ra ngoài và ít bị vướng nhưng cần hết sức cẩn thận nếu không rút ra thay kịp thời hoặc bỏ quên trong đó. Ngoài việc gìn giữ vệ sinh khi có kinh, trong những ngày này các em nên làm việc nhẹ, không tập các môn thể thao nặng nề, không bơi lội, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tinh thần thanh thản, không lo nghĩ, không để những điều không hay tác động gây khó chịu, giận dữ.

Nếu đau bụng dưới nhẹ thì chỉ cần nằm nghỉ khi đau, có thể chườm ấm vùng bụng dưới. Nếu đau nhiều, thực sự khó chịu thì có thể uống 1-2 viên thuốc giảm đau loại paracetamol (mỗi viên 500 mg) nhưng tốt nhất là nên đi khám để thầy thuốc chọn loại thuốc phù hợp nhất.

      Ở lứa tuổi đang lớn nhanh của các em gái vị thành niên sự phát triển về cơ thể nhanh chóng, mạnh mẽ nhưng sự phát triển và điều hòa về thần kinh và thể dịch ở các em lại không theo kịp vì thê nên thường có trục trặc trong một hai năm; đến khi cơ thể thực sự trưởng thành thì “đâu sẽ vào đấy”, kinh nguyệt của các em sẽ bình thường như hầu hết các phụ nữ trưởng thành khác.

Trường hợp các em bị rong kinh, máu ra ít một nhưng kéo dài nhiều ngày rất khó chịu và gây mệt mỏi, có khi thiếu máu cũng nên đi khám để thầy thuốc cấp đơn điều trị. Nên biết rằng các thuốc dùng điều trị rong kinh của vị thành niên hầu hết là các thuốc có chứa hormon sinh dục và để cho dễ và tiện sử dụng, thầy thuốc thường ghi cho các em dùng một loại viên thuốc tránh thai nào đó sẵn có trên thị trường và phù hợp với tình trạng rối loạn kinh của em đó. (Để gây vòng kinh nhân tạo trong trường hợp vô kinh nguyên phát hay thứ phát cũng có thể như vậy). Nhiều em và nhất là gia đình các em thường rất thắc mắc khi thấy con em mình được cấp đơn dùng thuốc như vậy nếu không được phân tích và giải thích rõ ràng.

Nếu không may có em nào bị băng kinh thì nên được đưa đến bệnh viện sớm để điều trị. Nhiều trường hợp bị băng kinh vào viện đã được dùng thuốc chứa hormon tiêm, mang đến kết quả rất ngoạn mục nhưng trên thực tế, không ít trường hợp các em vào viện lại quá muộn, cơ thể gầy sút, xanh xao vì thiếu máu nặng đã phải truyền máu gây tốn kém và việc chăm sóc, điều trị còn phức tạp hơn nhiều.

BS. Phó Đức Nhuận

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]