Chăm sóc răng đúng cách

GiadinhNet- Trẻ sâu răng chủ yếu do thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng không đúng cách mà nguyên nhân sâu xa là vì cha mẹ nhận thức sai lầm.

0
Răng sâu rất khó hồi phục
 
PGS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Quốc gia cho biết, tỉ lệ trẻ đến khám do sâu răng luôn chiếm hơn 2/3 số bệnh nhân.

Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, sai lầm của cha mẹ ở đây chính là suy nghĩ: Răng sữa  tất yếu sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn. Khi thấy răng của con bị sâu, họ chủ quan bỏ qua, không chạy chữa. Chỉ khi trẻ sưng đau không chịu nổi mới vội vàng đưa con đến nha sĩ.

Trong khi đó, răng sữa được bảo quản tốt thì mới tạo ra được thế hệ răng vĩnh viễn an toàn. Nhiều trẻ đến bệnh viện trong tình trạng viêm quanh tủy nặng, viêm xương hàm, ảnh hưởng đến những mầm răng vĩnh viễn sẽ mọc.
 
Do đó, ngay khi phát hiện răng trẻ có lỗ sâu, hay các chấm đen, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay, tránh ảnh hưởng đến chất lượng răng vĩnh viễn sau này.
 
Để trẻ có một hàm răng đẹp thì quá trình chăm sóc, bảo vệ răng phải bắt đầu từ rất sớm, vì khi răng đã sâu, hỏng sẽ rất khó để hồi phục

Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, Việt Nam có 83,9% trẻ từ 6-8 tuổi bị sâu răng, trung bình là 6 cái răng sâu/cháu. Ở độ tuổi 12, khi đã thay hết răng sữa, trung bình mỗi cháu có 2 răng sâu. Một tỷ lệ đáng báo động là khoảng 80% trẻ em bị viêm lợi.

Trẻ ở bậc tiểu học là giai đoạn thay răng vĩnh viễn, răng mới mọc có các rãnh sâu, khó chải nên dễ bị sâu.
 
Các sang thương nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường nhưng các sang thương lớn thường có biểu hiện là lỗ thủng ở mặt nhai. Vị trí sâu răng thường gặp nữa là ở mặt bên (mặt tiếp xúc giữa các răng), rất nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng.
 
Các tổn thương do sâu răng biểu hiện ở các bề mặt trơn láng (mặt ngoài và mặt trong) thường chỉ gặp ở trẻ có sâu nhiều răng nghiêm trọng.
 

Cho trẻ tập thói quen đánh răng để bảo vệ sức khỏe.

Nên bắt đầu từ trong bụng m

Bác sĩ Đồng Văn Biểu, Trưởng khoa Răng trẻ em, BV Răng Hàm Mặt Quốc gia cho hay, chăm sóc răng miệng cho trẻ nên bắt đầu từ khi trong bụng mẹ.
 
Người mẹ cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối trong thời gian có thai. Đặc biệt là được cung cấp đầy đủ canxi từ sữa và sản phẩm từ sữa; cá nhỏ nguyên xương, nghêu, sò, ốc, tôm, cua.
 
Việc bà mẹ chải răng thật kỹ, chế độ ăn có lượng đường thấp sẽ làm giảm lượng vi khuẩn sâu răng trong miệng, từ đó làm giảm hay chậm khả năng truyền vi khuẩn sang cho trẻ.
 
Để loại trừ sự lây nhiễm, không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ; không cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng; tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng.
 
Để canxi được hấp thu tốt, cha mẹ cần cho bé tắm nắng mỗi buổi sáng (15- 20 phút).
 
Khi trẻ mọc răng, nên cho uống vài muỗng nước ngay sau khi bú hay ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch, lau nhẹ nhàng.
 
Massage lợi sau mỗi bữa ăn và ngay trước khi bé đi ngủ, điều này có ích cho sự mọc răng, giúp bé quen với việc thường xuyên làm vệ sinh miệng. 
 
Không nên để trẻ bú bình, núm vú giả quá lâu; không cho trẻ mút tay. Nên cho trẻ đến nha sĩ lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi. Không nên chờ đến khi trẻ có răng sâu hay đau răng mới đến nha sĩ.
 
Trúc Vy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]