Chăm sóc răng miệng là nền tảng cho sức khỏe sau này

Hàm răng là một bộ phận giúp con người ta nghiền nát, nhào trộn và thưởng thức hương vị của đồ ăn, thức uống,giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu được tốt.

15.5645
(SKDS) - Hàm răng là một bộ phận giúp con người ta nghiền nát, nhào trộn và thưởng thức hương vị của đồ ăn, thức uống,giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu được tốt. Ngoài chức năng ấy răng còn tạo nên một phần khá quan trọng trong vẻ đẹp ngoại hình cũng như thể hiện sức khỏe của con người.
 
Vậy làm sao để có hàm răng khoẻ đẹp? cách chăm sóc răng miệng như thế nào?...Nhân dịp Báo Sức khỏe&Ðời sống ra số chuyên đề về bệnh răng hàm mặt, phóng viên Báo có cuộc trao đổi với TTND. PGS.TS Trịnh Ðình Hải- Giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương Hà nội, Chủ tịch Hội răng hàm mặt Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa PGS, xin ông cho biết tình hình các bệnh răng miệng hiện nay ở Việt Nam là như thế nào? Nguyên nhân gây ra các bệnh răng miệng nói trên?

 TTND. PGS. TS Trịnh Đình Hải
TTND.PGS.TS. Trịnh Đình Hải:
Các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm lợi… là các bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi học đường. Theo kết quả điều tra sức khoẻ răng miệng toàn quốc có trên 60% người có sâu răng, có nhóm tuổi còn có tỷ lệ cao trên 85%, trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng  sữa trung bình mỗi trẻ em có trên 6 răng bị sâu.
 
Bên cạnh bệnh sâu răng có tỷ lệ mắc cao, còn có trên 80% người trưởng thành có bệnh viêm lợi hoặc viêm quanh răng. Các trường hợp viêm quanh răng có nguy cơ mất răng sớm nếu không được điều trị kịp thời, và có trên 80%  trẻ em bị lệch lạc răng. Các bệnh răng miệng ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy rất cần kiểm tra răng miệng thường xuyên để sớm phát hiện bệnh và có kế hoạch điều trị kịp thời.

Bệnh sâu răng thường có nguyên nhân do thiếu fluor trong các nguồn nước ăn, mức độ tiêu thụ đường liên quan chặt chẽ tới việc sâu răng tại cộng đồng; việc quan tâm chăm sóc vệ sinh răng miệng ở trẻ em và cộng đồng còn có phần hạn chế; Mạng lưới nha khoa ở các tuyến cơ sở còn chậm phát triển vì vậy một bộ phận cộng đồng còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ răng hàm mặt để được khám, phát hiện điều trị ngay trong giai đoạn sớm.

PV: Những giải pháp khắc phục các bệnh răng miệng nói trên là gì, thưa PGS?

TTND.PGS.TS. Trịnh Đình Hải: Giải pháp quan trọng để phòng bệnh răng miệng là chế độ ăn uống hợp lý cũng như thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, kết hợp với việc khám răng miệng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện các dấu hiệu sâu răng và có biện pháp điều trị kịp thời.

Chúng tôi đang đẩy nhanh các hoạt động chăm sóc răng miệng trẻ em học đường bao gồm, hướng dẫn trẻ em biết các biện pháp chăm sóc răng miệng, hàng ngày, đúng phương pháp; sử dụng fluor để dự phòng sâu răng.

Tại nhà trường: Đưa nội dung súc miệng nước fluor vào chương trình nha học đường; tổ chức khám răng định kỳ cho học sinh để phát hiện sớm ngay từ thời kỳ đầu.

Triển khai các chương trình dự phòng sâu răng tại cộng đồng với các biện pháp. Tuyên truyền phòng bệnh, các biện pháp giữ gìn vệ sinh răng miệng hàng ngày.

Sử dụng fluor để dự phòng sâu răng theo đường toàn thân, như đưa fluor vào nguồn nước ở thành phố, và đưa fluor vào muối ăn ở vùng nông thôn, miền núi. Nâng cấp mạng lưới răng hàm mặt các tuyến cơ sở để cộng đồng có thể tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Chải răng đúng cách với kem đánh răng có Fluor tối thiểu 2 lần một ngày rất quan trọng , cũng như cho trẻ ăn những thức ăn tốt như trái cây ngũ cốc, giảm thiểu những thức ăn có đường cũng giúp phòng ngừa sâu răng.

 Khuyên các bậc phụ huynh chăm sóc răng tốt và sớm cho trẻ. Thường xuyên kiểm tra răng cho trẻ, nếu phát hiện răng trẻ có đốm đen, nên đưa con đến bác sĩ nha khoa để có kế hoạch điều trị sớm, kịp thời.

Khuyến khích và tạo thói quen cho trẻ chải răng. Tập cho trẻ có thói quen tự chăm sóc răng miệng ngay sau khi mọc các răng sữa đầu tiên và hướng dẫn trẻ cách chải răng đơn giản như động tác xoay tròn với biên độ nhỏ, đây chính là nền tảng chăm sóc sức khỏe răng miệng để giữ gìn hàm răng tốt suốt đời.

PV: Thưa PGS, BVRHMTWHN vừa qua tập trung triển khai nhiều kỹ thuật cao, đó là các kỹ thuật gì? Và việc triển khai các kỹ thuật cao đó có ảnh hưởng đến công tác mổ nhân đạo của BV không, thưa ông?

TTND.PGS.TS. Trịnh Đình Hải: Trong mấy năm gần đây, BV đã áp dụng  nhiều kỹ thuật cao vào điều trị như: Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt; Cưa cắt dịch chuyển các phần xương hàm mặt ở bệnh nhân có khuôn mặt bị biến dạng để cải thiện khuôn mặt; vi phẫu ghép đoạn xương hàm, lấy xương mác cẳng chân để tạo hình lại, ghép thay thế xương hàm và cắt bỏ xương do bệnh lý, nhờ có nối các mạch máu cho nên phần xương ghép được nuôi dưỡng và phát triển tốt và có thể làm phục hình hàm răng trên phần xương ghép.
 
Kỹ thuật này đã giúp phục hồi lại khuôn mặt cho người bệnh, giúp cho họ có thể hoà nhập với xã hội. Đến nay, BV đã thực hiện hàng trăm ca vi phẫu và đã trở thành kỹ thuật thường quy tại BV; kỹ  thuật gây mê hạ áp trong các phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt để tránh chảy máu khi mổ; các kỹ thuật cấy ghép nha khoa với ghép xương nhân tạo, ghép xương tự thân, ghép xương khối, các kỹ thuật nâng xoang hàm phục vụ cấy ghép nha khoa; các kỹ thuật ghép mô mềm và ghép xương trong nha chu; các kỹ thuật tiên tiến trong nắn chỉnh răng, điều trị nội nha, phục hình răng …Nhờ những kỹ thuật cao này được áp dụng mà bệnh nhân được điều trị tốt ít tốn kém, không phải ra nước ngoài điều trị.

Bên cạnh việc tập trung cho các kỹ thuật mới tiên tiến trong điều trị và phòng bệnh, BV rất quan tâm đến các hoạt động nhân đạo, phẫu thuật cho trẻ em có khuyết tật khe hở môi vòm miệng. Từ tháng 8/2011 BV đã gắn biển thông báo trước cổng là nơi tiếp nhận mổ nhân đạo cho trẻ em khuyết tật. Trẻ em khuyết tật ở bất kỳ nơi nào trên cả nước chỉ cần gọi điện tới BV là được đăng ký mổ miễn phí và được hỗ trợ một phần kinh phí ăn ở đi lại.

 PV: BVRHMTWHN có hội nhập được với nền nha khoa trong khu vực và trên thế giới không, thưa PGS?

TTND.PGS.TS. Trịnh Đình Hải: BV tham gia tích cực các hoạt động của nền nha khoa Châu Á và thế giới. Trong năm 2011 và 2012, BV đã tổ chức 3 sự kiện lớn về nha khoa của thế giới. Tháng 11/2011 BV đã chủ trì tổ chức hội nghị “nha học đường Châu Á lần thứ 6” tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu từ trên 20 nước trong khu vực và thế giới, các chuyên gia của BV có nhiều báo cáo khoa học để chia sẻ. Đặc biệt BV đã giới thiệu mô hình nha học đường ở Gia Lộc, Hải Dương với các đồng nghiệp quốc tế và được đánh giá là mô hình thành công nhất từ trước đến nay.

 PGS . Hải đang cấy ghép implant cho bệnh nhân.

Tháng 6/2012 BV đã chủ trì tổ chức hội nghị “cấy ghép nha khoa Châu Á Thái bình dương lần thứ 15” tại TPHCM. Đây là hội nghị cấy ghép  nha khoa lớn nhất khu vực Châu Á Thái bình dương năm 2012. Hội nghị được nhận xét là trình độ đẳng cấp thế giới về lĩnh vực tiên tiến chuyên sâu trong nha khoa. Các cán bộ của BV tham gia đều các hoạt động và tham dự chương trình nghị sự của nha khoa Châu Á Thái bình dương

(APDC), liên đoàn nha khoa Thế giới FDI và nhiều tổ chức chuyên ngành, chuyên sâu trong ngành răng hàm mặt của khu vực và thế giới.

Đầu năm 2012 giám đốc BV đã được Tổ chức y tế Thế giới mời đến Giơnevơ (Thuỵ Sĩ) tham gia nhóm biên soạn tài liệu chuyên môn “giám sát bài tiết fluor qua đường  thận ở các cộng đồng sử dụng fluor phòng sâu răng”. Tài liệu sẽ được sử dụng trên toàn cầu phục vụ cho các hoạt động dự phòng trong nha khoa.

Như vậy, có thể nói BVRHMTW.HN và ngành RHM đã thực sự hội nhập và có đóng góp cho nền nha  khoa khu vực và thế giới.

PV:Xin ông cho biết cụ thể những cơ hội trong công tác phòng chống bệnh răng miệng của Việt Nam hiện nay và công tác nha học đường đang được hoạt động như thế nào, thưa ông?

TTND.PGS.TS. Trịnh Đình Hải: Được sự đồng ý của Bộ y tế và được sự quan tâm hỗ trợ của  Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam nên triển khai mở rộng 2 chương trình: Chương trình nha học đường để chăm sóc dự phòng cho trẻ em và chương trình Dự phòng các bệnh răng miệng cho cộng đồng bằng cách đưa fluor vào muối ăn.

Hiện nay chương trình nha học đường đã có nhiều tỉnh được phủ kín như: Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Huế, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Tuyên Quang. Ngoài ra còn một số tỉnh khác có chương trình nha học đường phát triển mạnh như TP. HCM, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam…
 
Tuy nhiên về cơ sở vật chất, kinh phí còn khó khăn nên việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em lứa tuổi học đường nói riêng và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức, tại một số địa phương trước đây chương trình đã được triển khai tốt nhưng hiện nay có nơi lại chưa đều và có thể bị gián đoạn. Vì vậy trong 2 năm trở lại đây BV đã ưu tiên củng cố duy trì các nội dung chăm sóc răng miệng cho trẻ em tại các địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Nguyệt Anh (thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]