Chăm sóc sức khỏe cho nữ vận động viên

Cường độ tập luyện cao quá sức có thể gây ra nhiều rối loạn về sinh lý. Bởi vậy, nếu các VĐV nữ không biết cách tự bảo vệ mình thì các rối loạn kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và gây hậu quả nghiêm trọng.

15.7357

Cường độ tập luyện cao quá sức có thể gây ra nhiều rối loạn về sinh lý. Bởi vậy, nếu các VĐV nữ không biết cách tự bảo vệ mình thì các rối loạn kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và gây hậu quả nghiêm trọng.

Rối loạn ăn uống

Rối loạn về ăn uống có 2 dạng, gồm: chán ăn do nguyên nhân thần kinh (xảy ra khi lượng calo và chất dinh dưỡng không đủ để duy trì cân nặng bình thường) hoặc ăn quá nhiều, không thể kiềm chế được...

Để giải quyết chứng rối loạn này, các VĐV nữ cần phải ăn uống hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng. Đây là điều kiện cần thiết để có chu kỳ kinh nguyệt đều và nồng độ oestrogen bình thường. Nếu bị sút cân nghiêm trọng trong thời gian ngắn, các em gái rất dễ bị mất kinh tạm thời và thay đổi tâm sinh lý. Điều này rất bất lợi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống một cách nặng nề.

Rối loạn kinh nguyệt

Mất kinh: là tình trạng không thấy kinh trên 6 tháng. Mất kinh có thể xảy ra khi bị sút cân, bị rối loạn về ăn uống hoặc do luyện tập thân thể quá căng thẳng. Để có lượng hormon giới tính bình thường, cơ thể nữ phải luôn duy trì một lượng mỡ nhất định; nếu lượng mỡ này còn quá ít (do tập nặng) thì dễ bị mất kinh. Nếu thấy mất kinh vài tháng, cần báo cho thầy thuốc và HLV biết vì đó là dấu hiệu cơ thể đang trong tình trạng quá căng thẳng, cần phải điều chỉnh ngay chế độ ăn uống giàu lipid, tập luyện nhẹ nhàng hơn và bổ sung nội tiết tố nữ.

Rối loạn hệ thống cơ xương

Nếu đã bị mất kinh, nữ VĐV cần nghĩ đến nguy cơ loãng xương và đi khám để làm test Dexa (đo độ hấp thụ của xương bằng tia X). Test này không đau, sử dụng sóng tia xạ thấp để có hình ảnh xương, kết quả cho biết khối xương nhiều ít so với các bạn gái cùng lứa tuổi khác.Vận động thân thể giúp xây dựng hệ xương lành mạnh và khỏe, nhưng nếu vận động quá nhiều, nồng độ oestrogen bình thường sẽ giảm và lâu dài dẫn đến loãng xương. Vì vậy, các nữ VĐV, nhất là với tuổi dậy thì, cần có sự cân đối về vận động, cân nặng, lượng canxi, vitamin D và nồng độ oestrogen để có hệ xương khỏe mạnh.

Làm gì để bảo vệ mình?

Thực tế hiện nay, các VĐV năng khiếu đến tuyển trẻ hay thậm chí cả các VĐV chuyên nghiệp của Việt Nam đều không hề biết đến việc bổ sung canxi, vitamin D và các loại thuốc nội tiết. Mà bất cứ VĐV nào luyện tập nặng đều có nguy cơ bị 1 hay cả 3 chứng rối loạn nói trên. Các VĐV phải thi đấu nhiều hay tham gia nhiều năm trong một môn thể thao nào đó được xem là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, các VĐV cần được học một khóa thường thức về dinh dưỡng ngay khi bắt đầu sự nghiệp. Việc đến khám bác sĩ dinh dưỡng hay nội tiết cũng là việc nên làm đều đặn 6 tháng/lần. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện thì các bạn nữ VĐV cần nhớ: phải cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Trong mùa thi đấu, cần được ăn uống đủ lượng calo để đáp ứng cường độ luyện tập; không để sút cân nếu đã có cân nặng bình thường (do thầy thuốc xác định). Phải bảo đảm 1.300mg canxi và 400 IU vitamin D mỗi ngày để giúp cho xương khỏe (qua chế độ ăn hay uống thuốc bổ sung).

Thu Phương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]