Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, mô hình nhiều hứa hẹn

Sau gần một giờ lắng nghe và thuyết phục một cô gái 16 tuổi đến phá thai tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ TPHCM, nữ hộ sinh Thu Hà, tư vấn viên Khoa Kế hoạch hóa gia đình, mới thu thập đủ thông tin về “đối tượng” đang nói chuyện.

15.5916
Đó là T.T.N, học sinh lớp 10 một trường học ở quận 1, lỡ mang thai với một bạn trai cùng lớp sau một lần đi chơi qua đêm. Hoạt động tình dục sớm, nhiều hậu quả cho sức khỏe Từ năm 2002, BV Từ Dũ đã triển khai dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện dành cho thanh thiếu niên. Cũng trong năm này, số trường hợp nạo phá thai vị thành niên ở BV đã tăng 2,3 lần so với năm 2001. Trong vòng 3 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 400 trường hợp nạo phá thai vị thành niên. Trước đây khoa khám và điều trị chung cho tất cả bệnh nhân, hiện nay đã có phòng tư vấn riêng cho thanh thiếu niên. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Khoa Kế hoạch hóa gia đình, cho biết tuổi dậy thì của trẻ gái ngày càng sớm hơn, do đó nhu cầu hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản và nâng đỡ về mặt tâm lý cũng nhiều hơn. Tại BV Da Liễu, trong 3 năm qua lượng bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng gia tăng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Cụ thể từ năm 2002 đến nay số người mắc bệnh này dưới 15 tuổi chiếm 0,2%, từ 16-19 tuổi chiếm 6%, còn từ 20-24 tuổi chiếm đến 30%! Các bệnh thường gặp là giang mai, lậu, mồng gà và nhiễm HIV. Theo dược sĩ Nguyễn Văn Thục, phó giám đốc BV, cần cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho giới trẻ để hạn chế tình trạng gia tăng bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nâng đỡ tâm lý quan trọng như thuốc men Khoa Tâm lý trẻ em BV Tâm thần mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân từ 10 – 18 tuổi, chiếm khoảng 50% trường hợp đến khám. Qua thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng Khoa Tâm lý trẻ em, ghi nhận hầu hết trẻ đến đây khi bệnh đã diễn tiến nặng và đã đi điều trị khắp nơi. Như trường hợp em P.T.P.L, 12 tuổi, cách đây 2 năm, khi đang học lớp 5, em L. bỗng thấy đau đầu, tình trạng này càng nặng hơn khi phải học thi liên tục. Dần dần, em trở nên mệt mỏi, học tập giảm sút, bị cô giáo trách phạt, còn gia đình thì đổ tội em là đứa hư đốn. Mặc dù đã được đưa đi chữa trị ở nhiều BV nhưng em vẫn suy nhược nặng hơn và rối loạn giấc ngủ. Khi được đưa đến Khoa Tâm lý trẻ em ở BV Tâm thần, em được nâng đỡ tâm lý và dùng thuốc. Tuy nhiên, khi bệnh của em vừa khỏi, gia đình lại ngưng thuốc. Một năm sau, bệnh cũ của em lại tái phát, và lần này gia đình cũng lại đưa em đi điều trị lòng vòng. Em không được nâng đỡ tâm lý mà lại uống thuốc quá nhiều nên dẫn đến đau dạ dày nặng. Bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp khẳng định, ở lứa tuổi này trẻ cần được chia sẻ tình cảm, thì việc điều trị mới phát huy tác dụng.
Cần theo sát những thay đổi của trẻ vị thành niên

Theo bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, vị thành niên là lứa tuổi đang tách mình ra khỏi sự phụ thuộc vào gia đình để trở thành một người có tính tự chủ cao. Trẻ có những thay đổi rất nhanh về mặt tâm-sinh lý, do đó người lớn phải có những hiểu biết để theo sát sự thay đổi. Bên cạnh đó, trong điều trị cũng cần những cải thiện về môi trường khám chữa bệnh, thay đổi ngoại cảnh, cách tiếp cận bệnh nhân. Không riêng những BV về sản khoa mà tất cả các BV đều nên có dịch vụ sức khỏe thân thiện dành cho vị thành niên. Đây là lứa tuổi vừa qua tuổi trẻ con, nhưng chưa thực sự trở thành người lớn nên rất tò mò, thích khám phá nhưng lại nhạy cảm, dễ tổn thương...

Nhất Phương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]