Chăm sóc trẻ ốm… mà không cần thuốc!

Thời tiết chuyển mùa, trẻ em dễ mắc bệnh do vi rút gây ra như các bệnh tiêu chảy, sốt siêu vi, viêm hô hấp...

15.5752

Tâm lý của nhiều bà mẹ khi con mới chỉ hắt hơi, sổ mũi… là sốt sắng nghĩ ngay đến việc phải cho con dùng thuốc. Tuy nhiên, các bà mẹ có thể trị bệnh cho con bằng các biện pháp chăm sóc con tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, mà không cần dùng đến thuốc, đặc biệt là kháng sinh.

Dinh dưỡng cho trẻ góp phần phòng chống bệnh tật. Trong ảnh: Một giờ ăn tại trường Mầm non Hương Sen (TP.Vũng Tàu)

Dùng thuốc bừa bãi

Lạm dụng việc dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh hiện đang khá phổ biến trong các gia đình. Nhiều bà mẹ có suy nghĩ con ốm phải dùng đến thuốc thì mới khỏi bệnh. Có bà mẹ đưa con đi khám bệnh, bác sĩ không kê viên thuốc nào (vì bệnh không cần đến), thì cứ nằng nặc đòi bác sĩ phải kê thuốc, thậm chí còn “chê” bác sĩ kém chuyên môn, không biết khám và đưa con đến khám bác sĩ khác. Do đó, nắm bắt được tâm lý này, các phòng mạch tư đều kê khá nhiều loại thuốc cho trẻ bất kể trẻ bị bệnh gì. Có nơi còn kê một số loại kháng sinh cho trẻ mặc dù trẻ bị ho, sốt do nhiễm virus. Nhiều bậc cha mẹ còn tìm đến hiệu thuốc kể bệnh lấy thuốc cho con uống. Hệ quả là thuốc chẳng những không trị được bệnh mà còn tăng sức công phá của vi khuẩn có thể gây nên các bệnh khác.

Những trường hợp phụ huynh “rỉ tai nhau” tự ý mua thuốc chữa bệnh không phải là hiếm. Hậu quả thì khôn lường, lạm dụng thuốc, tự ý dùng thuốc đều có thể khiến trẻ tử vong vì những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị kháng thuốc (lờn thuốc) rất khó điều trị nếu mắc bệnh ở những lần sau. Việc tự khai bệnh không phải khi nào cũng chính xác, cho nên trẻ rất có thể bị cho uống nhầm thuốc hoặc uống phải các loại thuốc mà bản thân trẻ bị dị ứng. Một số bà mẹ thấy con ho, sẵn trong tủ có chai thuốc ho người lớn cũng lấy cho con uống, mà không biết rằng trẻ có thể ngộ độc thành phần thuốc hoặc quá liều. Việc tùy tiện sử dụng thuốc còn có thể làm sai lệch triệu chứng của bệnh, khiến khi bệnh của trẻ trở nặng mà cha mẹ không hay biết để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Khi nào nên dùng kháng sinh

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bà Rịa cho biết, đa số những bệnh thông thường ở trẻ nhỏ do thời tiết chuyển mùa, nhiễm vi rút không cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, mà phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh do vi rút gây ra. Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt, ho, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… do siêu vi thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn, trong trường hợp bị kháng thuốc thì càng nguy hiểm hơn và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong do không còn thích ứng với thuốc điều trị.

Theo bác sĩ Vương Quang Thắng, khi trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi, cha mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý mỗi ngày từ 3 đến 5 lần. Có thể sử dụng một số loại si-rô ho thảo dược chiết xuất từ tần dày lá (húng chanh), vỏ quýt chưng gừng tươi với đường phèn cho trẻ uống. Nếu trẻ sốt thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt và lau mát cơ thể trẻ bằng nước ấm. Cha mẹ chăm sóc trẻ bằng cách cho bé uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, ăn cháo hoặc súp và theo dõi nhiệt độ cơ thể của con. Sau 2 - 3 ngày mà trẻ vẫn không thấy đỡ, hoặc trẻ có những dấu hiệu bất thường như trẻ lờ đờ, không chơi đùa hoạt bát khi hết sốt, không chịu ăn uống, sốt cao, nôn ói… phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị, không nên tự ý dùng thuốc, phòng trường hợp bệnh trẻ trở nặng dẫn đến biến chứng nặng hơn, hoặc làm sai lệch triệu chứng của bệnh.

Theo Minh Thiên/ Bà Rịa - Vũng Tàu online

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]