Bài học đầu tiên: Ứng xử văn hóa

Từ Pleiku đến Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng hơn 15 km một chút, có đoạn sương mù giăng kín, cách vài mét không thấy mặt nhau. Thế mà bác tài xế taxi chở tôi phóng vèo vèo, giỏi thật! Gần nửa giờ sau, Trung tâm Hàm Rồng được xây dựng hết 4 triệu USD rộng rãi hiện ra. Sáu dãy nhà ở cầu thủ vắng lặng. Bao quanh là sân tennis, hồ bơi, tập tạ, xông hơi, phòng đọc sách, vi tính, games... Anh Huỳnh Mau, Giám đốc điều hành học viện, dặn tôi: “Em cứ vào chơi và hỏi chuyện nhưng đừng hút thuốc lá nghen, bọn nhỏ dị ứng...”.

Những phiến đá lớn ghi tên các cầu thủ vô địch của HA Gia Lai hay hồ bơi đều có hình chiếc giày. Các dãy nhà ở cầu thủ hai tầng, ba tầng rộng rãi, thoáng đãng, có điểm chung là đều hướng ra năm sân bóng lớn. Bầu Đức cho trang trí nội thất như khách sạn năm sao, sàn gỗ ấm cúng như xóa tan đi cái lạnh vùng cao nguyên. Anh Mau kể: Hồi năm ngoái, Học viện Arsenal tại Ai Cập, Thái Lan đến tập huấn và giao lưu tại Hàm Rồng, ai cũng tấm tắc khen cơ sở vật chất của Học viện HA Gia Lai là hoàn hảo nhất trong số tám học viện toàn cầu.

Các cô đầu bếp đang tất bật cho bữa trưa của các cầu thủ nhí. Sáu món, đầy đủ thịt heo nướng, cá, trứng, gà, rau. Tô canh bự chảng nghi ngút khói. 12 giờ trưa. Lũ trẻ tíu tít kéo nhau đến nhà ăn, cười nói rổn rảng. Mỗi chú nhóc ăn bốn chén cơm là chuyện thường.

Tôi đi một vòng 10 bàn ăn cả hai lớp học viện và năng khiếu Gia Lai, hơi bất ngờ khi các chú bé không ai bảo ai đều vòng tay: “Cháu chào chú”. Gật đầu chào đáp lễ mỏi hết cả cổ.

Đức Lương có gương mặt hao hao giống đàn anh quê Bình Dương là tiền đạo Anh Đức. Hình thể cậu bé 17 tuổi chắc không kém bao nhiêu. Hỏi ăn mấy chén, em cười: “Con ăn hai chén à, chủ yếu là ăn thức ăn”. Lương khoe hồi mới vào học viện năm 2009, em cao có 1,49 m, giờ là 1,7 m, vậy mà vẫn còn thua anh Xuân Trường 1,73 m rồi.

Đức Lương vẫn còn chơi gấu bông. Ảnh: XUÂN HUY

Thành Nam bé gần nhất đội, ban đầu vào trường cao 1,38 m, bây giờ là 1,53 m, chỉ cao hơn mỗi bạn Quốc Nhật 1 cm. Thầy Minh Ninh bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng của lò Arsenal mỗi năm phải tăng chiều cao ít nhất 10 cm. Có nhiều em không cao đều, phần lớn do cái gen di truyền từ cha mẹ. Thế nhưng kỹ năng chơi bóng của các cầu thủ nhí lại phát triển tốt quá, bốn năm qua mới chỉ phải đưa hai em không đủ tiêu chuẩn về lại lớp năng khiếu.

35 cầu thủ năng khiếu lứa U-15, U-17 Gia Lai cũng là nhờ sự phát hiện tài năng của lò Arsenal trên cả nước. 17.000 trẻ em cùng lứa tuổi sau hai đợt tuyển sinh năm 2007 và 2009 mới chỉ chọn có bấy nhiêu nổi bật nhất thì đâu phải chuyện đùa.

2 giờ chiều. Anh Hượng lái xe nổ máy chờ đưa các cầu thủ đi xem giải U-21 trên TP Pleiku. 60 cầu thủ nhí lần lượt lên xe. 60 cái gật đầu rồi cười của “bố” Hượng chắc không vẹo cổ, vì quen rồi. Anh Trần Văn Minh, Phó Giám đốc điều hành học viện, tâm sự: “Bài học đầu tiên của các em chính là cách ứng xử có văn hóa. Cứ gặp người lớn là phải chào hỏi lễ phép trước. Mấy em trên sân cỏ thì “quái” lắm, ra khỏi sân thì hiền và ngoan vô cùng”.

Bữa cơm chiều muộn gần 21 giờ vẫn rổn rảng tiếng cười đùa. 60 em (trong đó có 35 cầu thủ năng khiếu Gia Lai) không hề có khái niệm phân biệt trình độ, ăn chung với nhau vui vẻ suốt nửa tiếng.

Từ bãi cỏ làng đến... sân cỏ quốc tế

Mỗi phòng ở của cầu thủ học viện có bốn giường, kê sát nhau. Trên mỗi bàn học có treo thời khóa biểu, bên cạnh một phiến gỗ khắc tên các cầu thủ. Các thầy cho phép các bạn chọn người ở chung với mình để phù hợp sở thích riêng.

Trung Tín ở góc học tập của mình. Ảnh: XUÂN HUY

Ngoài học văn hóa và đá bóng, các em còn học bơi để rèn luyện thể lực. Ảnh: XUÂN HUY

Tôi vào phòng cuối cùng, gặp Tuấn Anh (quê Thái Bình), nghe nói là học giỏi toàn diện, từ văn hóa đến đá bóng. Em và Công Phượng là hai cầu thủ xuất sắc nhất của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG vừa có chuyến giao lưu với cầu thủ của tám học viện Arsenal trên toàn thế giới. Đấy là món quà của Giám đốc Toàn cầu Học viện Bóng đá Arsenal JMG, cựu tuyển thủ Pháp Marc Guillou, dành cho 12 học viên xuất sắc nhất.

Tuấn Anh kể: Cái duyên em đến với học viện này rất lạ. Hồi còn học lớp 5 xã An Quý (Quỳnh Phụ, Thái Bình), em chơi bóng cho trường. Một năm sau thì nghỉ để chăm lo học cho tốt hơn theo mong muốn của gia đình mai mốt đi học y khoa. Cha của Tuấn Anh là bác sĩ, mẹ chăn nuôi ở nhà. Vả lại chỉ có một chị gái đang học ở Hà Nội nên cha mẹ không muốn thằng út đi đâu xa. Thế nhưng chính cha lại khuyến khích Tuấn Anh đi tuyển sinh vào Học viện Bóng đá Arsenal sau khi xem trên tivi.

Sáng sớm, thằng bé hí hửng ngồi sau xe cha lên thị xã Thái Bình ứng thí. HLV Guillaume cứ thế tung mấy đứa nhỏ ra sân tự chơi bóng với nhau. Tuấn Anh có bao nhiêu sức chơi bấy nhiêu, cứ tưởng không đỗ.

Ai ngờ cuối buổi các thầy thông báo Tuấn Anh vào vòng chung kết, thằng bé mừng húm. Chỉ tội nghiệp mẹ Tuấn Anh hồi giờ đâu có xa con út, khóc hết nước mắt. “Mấy ngày xa nhà cháu nhớ mẹ lắm. Lần nào gọi điện thoại về mẹ cũng khóc, làm cháu khóc theo” - Tuấn Anh mắc cỡ - “Hồi đó cháu mới học lớp 6, giờ lên lớp 10, cháu lớn rồi. Ở chung với các bạn vui lắm. Vui nhất là ngày nào cháu cũng được chơi đá bóng, lại được học văn hóa, tiếng Anh, tiếng Pháp. Cháu vẫn nhớ nhà lắm nhưng hết khóc rồi”.

Công Phượng (quê Nghệ An) thì kể vào ngày học viện tuyển sinh, Phượng đi làm ruộng với ba đâu có biết. Khi nhớ ra thì đã muộn, thằng bé nằn nì ba phải đưa lên Pleiku thử vận. Hồi đó, Phượng biết vài động tác tâng bóng đơn giản, sau bốn năm, nó đang là “trùm” giữ bóng trên 12 bộ phận. Mấy thầy đứng đếm Phượng tâng bóng mấy ngàn cái, suốt nửa tiếng đồng hồ, bóng vẫn nhảy lóc cóc trên người chú bé.

Mẹ Thủy

Chị Lê Thị Thủy quê ở Bình Định, lên Gia Lai lập nghiệp đã lâu. Cách đây gần bốn năm, chị xin vào Hàm Rồng làm bảo mẫu cho các cầu thủ nhí. Bọn nhỏ quen gọi chị là “mama”, có chuyện gì cũng gọi tên “mama” đầu tiên.

Mẹ Thủy. Ảnh: CÔNG TUẤN

Mỗi đêm đến giờ ngủ, mẹ Thủy đều đi thăm phòng của các con và nhắc nhở bọn nhỏ đúng giờ phải ngủ, lơ là một chút là bọn nó tắt đèn rì rầm nói chuyện suốt. Chị Thủy nói giọng Bình Định đặc sệt: “Nhà tui ở Pleiku, các con đều lớn cả rồi. Họa hoằn lắm một vài tháng tui mới về thăm nhà một lần. Từ hồi ở với bọn nhỏ tới giờ, tui đi đâu chút là nhớ bọn nó lắm. Mỗi năm hai đợt nghỉ hè hay tết, tôi đều ngóng mấy đứa nhỏ, còn hơn mẹ chờ con vậy đó. Bọn nhỏ dễ thương lắm!”.

Những yêu cầu bắt buộc ở Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG

Hạn chế tối đa sự qua lại giữa thành viên CLB và học viện nhằm tránh sự phân tán, ảnh hưởng về tư tưởng giữa các thế hệ cầu thủ. Mặt tiền dãy nhà nghỉ của học viên phải hướng ra sân bóng để các em luôn ăn - ngủ bóng đá. Mỗi phòng nghỉ có bốn học viên, trong phòng tuyệt đối không có máy lạnh, tivi, bồn tắm. Tất cả phải tắm tập thể để tạo sự hòa đồng, gắn kết lẫn nhau; xây mới hai sân tập (68 m x 105 m) và bắt buộc phải trồng cỏ chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu huấn luyện kỹ thuật. Bàn bida, bóng bàn, banh bàn, trò chơi bóng đá điện tử giúp học viên thư giãn sau giờ học văn hóa, tập luyện. Tất cả phải cùng xem bóng đá tập thể qua tivi vào mỗi dịp cuối tuần. Trợ lý HLV người Việt không nhất thiết phải là HLV có trình độ nhưng phải bảo đảm lòng yêu nghề và yêu trẻ em. Luôn có ít nhất một bác sĩ thể thao túc trực cùng học viên 24/24 giờ.

CÔNG TUẤN

Bài 2: Từ sân bóng đến trường học

Ngoài đam mê bóng đá, kỹ năng và trình độ của một cầu thủ chuyên nghiệp, các em còn phải là những công dân có văn hóa.


Video đang được xem nhiều