Theo đó, giai đoạn này hệ thống được lắp đặt tại ba bệnh viện tuyến Từ Dũ, Nhi đồng 1 và Chấn thương Chỉnh hình. Bốn bệnh viện cơ sở được hỗ trợ tư vấn chuyên môn là BV Đa khoa tỉnh Gia Lai, BV Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre, BV Đa khoa tỉnh An Giang và BV Đa khoa khu vực Củ Chi.

“Với việc sử dụng mạng lưới y tế từ xa, bất cứ khi nào gặp ca bệnh khó, phức tạp vượt quá khả năng chuyên môn của mình, các bác sĩ tuyến dưới đều có thể yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ để có hướng giải quyết đúng đắn và chính xác. Tứ đó bác sĩ bệnh viện tuyến dưới sẽ từng bước nâng cao trình độ, có đủ khả năng chuyên môn để xử lý các ca bệnh khó, phức tạp một cách độc lập. Khi đó bệnh nhân các tỉnh đến TP sẽ giảm, góp phần cải thiện tình trạng quá tải ở TP như hiện nay” - TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế (thành viên xây dựng chương trình), cho biết. Ngoài ra, hệ thống này cũng sẽ giúp đào tạo, tập huấn định kỳ, đột xuất nhằm nâng cao chất lượng, tay nghề điều trị tuyến dưới.

TS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, giai đoạn tiếp theo sẽ có 11 bệnh viện hỗ trợ và 100 bệnh viện nhận hỗ trợ. Dự kiến cũng sẽ triển khai ở các tỉnh vùng biên giới và hải đảo khác. Các tỉnh sẽ tự trang thiết bị máy móc, con người, còn TP sẽ lo về hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, đối với các tỉnh khó khăn, TP cũng sẽ có hỗ trợ một phần.

Theo TS Giang, một vấn đề khó khăn hiện nay là khi vận hành hệ thống nhưng chưa có cơ sở pháp lý quy định quy trình hoạt động, trách nhiệm… Thí dụ, một ca mổ ở tuyến dưới, các chuyên gia ở tuyến trên nhìn qua màn hình chỉ đạo, ca mổ thành công tốt đẹp thì không nói gì, lỡ xảy ra tử vong thì trách nhiệm thuộc về ai? Hiện Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng quy chế để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

DUY TÍNH


Video đang được xem nhiều