Chặng đường 10 năm: Hiệu quả đo được và không đo được

Hình ảnh bé nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân 10 năm trước nay đã không còn...

15.586

Xét về hiệu suất sử dụng nguồn lực và chất lượng hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân đang tồn tại, thì các doanh nghiệp tư nhân có sự cải thiện khá tốt.

Hình ảnh bé nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân 10 năm trước nay đã không còn.

Sau 10 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, khu vực này đã chiếm áp đảo về số lượng (95%) với tốc độ gia nhập thị trường gấp 15 lần năm đầu, gấp 17 lần về vốn chủ sở hữu, gấp 27 lần về lợi nhuận và 24 lần về tổng tài sản.

Nhưng một nghiên cứu mới đây lại cho rằng mức độ cải thiện về hiệu quả tài chính lại thấp hơn cả khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vì sao?

Một thập kỷ “lột xác”

Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã đầu tư cho nhóm nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu độc lập Economica để đưa ra các đánh giá nhanh về chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam sau 10 năm thực thi Luật Doanh nghiệp.

Trong vòng hai tháng, nhóm này đã thu thập, phân tích từ nhiều nguồn số liệu chính thức để đưa ra những kết quả dưới đây. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của 272.680 doanh nghiệp dân doanh đang nộp thuế (tính đến hết tháng 3/2009, số liệu của Tổng cục Thuế) trong tổng số gần 290.000 doanh nghiệp trong cả nước tất nhiên chưa thể được phản ánh đầy đủ trong nghiên cứu này do phụ thuộc vào điều kiện, thời gian và mức độ nghiên cứu.

Song, kết quả nghiên cứu cho thấy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân nhiều khi đã vượt qua khung pháp lý chật hẹp và cuộc “thay da đổi thịt” 10 năm qua là không thể phủ nhận.

Tăng trưởng ấn tượng - đó là nhận định về khối này khi xét về tốc độ và các giá trị tăng trưởng có thể tính được. Từ 31.000 doanh nghiệp trong năm đầu Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống (năm 2000), sau chín năm con số này tăng lên gấp chín lần (nếu chỉ xét theo con số thống kê đăng ký kinh doanh thì mức tăng này là 15 lần).

Ông Lê Duy Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu Economica, có đưa ra các thống kê khác nhau về số lượng doanh nghiệp tư nhân của các cơ quan quản lý. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê từ cuộc tổng điều tra doanh nghiệp năm 2009 thì chỉ có gần 180.000 doanh nghiệp dân doanh còn tồn tại và đang hoạt động, tính đến hết năm 2008. Tổng cục Thuế cho biết con số tính đến tháng 3/2009 là có 272.680 doanh nghiệp tư nhân đang nộp thuế/460.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký hoạt động.

Economica phân tích rằng, chỉ số tăng trưởng và tồn tại của các doanh nghiệp tư nhân nói trên là bình thường so với mức trung bình của thế giới. Theo thống kê của Tổ chức lao động thế giới (ILO), các doanh nghiệp trên thế giới ra đời cũng phần nhiều là nhỏ, sau ba năm chỉ còn 75% doanh nghiệp tồn tại, sau năm năm còn 50% và sau 10 năm, chỉ còn 30% tiếp tục phát triển, từ quy mô nhỏ đi lên quy mô vừa hoặc một số ít lên quy mô lớn.

Kể cả những doanh nghiệp tư nhân đã không còn tồn tại (không tính những doanh nghiệp thành lập vì mục đích không lành mạnh nhằm mua bán hóa đơn và gian lận thuế), thì sự mất đi hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh, rút lui khỏi thị trường cũng không hẳn là điều xấu. Economica gọi đó là quá trình “phá hủy sáng tạo” lành mạnh cho nền kinh tế vì sự thay đổi và điều chỉnh sẽ góp phần giúp cho nguồn lực xã hội được luân chuyển hiệu quả hơn.

Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục phá sản, thanh lý theo đúng pháp luật còn nhiều khó khăn nên tình trạng “chết nhưng chưa thể mai táng” thực tế đang ảnh hưởng tới chất lượng chung của toàn bộ khối doanh nghiệp tư nhân.

Xét về hiệu suất sử dụng nguồn lực và chất lượng hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân đang tồn tại, thì các doanh nghiệp tư nhân có sự cải thiện khá tốt. Tổng vốn chủ sở hữu tăng 17 lần (từ 38.700 tỉ đồng năm 2000 lên 657.000 tỉ đồng năm 2008). Tính trung bình một doanh nghiệp tư nhân hiện nay có 3,6 tỉ đồng vốn chủ sở hữu so với 1,2 tỉ đồng hồi năm đầu thập kỷ. Doanh thu thuần tăng gần 16 lần, lợi nhuận tăng 27 lần và tổng tài sản tăng 24 lần trong cùng thời kỳ.

Đặc biệt, tốc độ tăng của tổng tài sản, lợi nhuận nhanh hơn rất nhiều tốc độ tăng vốn chủ sở hữu cho thấy việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của khối này.

Một dẫn chứng cụ thể là năm 2008 với 100 đồng vốn chủ sở hữu, một doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra 398 đồng tài sản và 7 đồng lợi nhuận. Trong khi cùng với chừng ấy đồng vốn chủ sở hữu, ở thời điểm đầu thập kỷ, sự cạnh tranh chưa gay gắt như hiện nay, họ chỉ có thể tạo ra 271 đồng tài sản và 4,4 đồng lợi nhuận.

Theo Economica: “Tuy rằng 100 đồng vốn chủ sở hữu hiện tại có thể tạo ra ít đồng doanh thu so với năm 2000 nhưng việc mang lại một tỷ lệ lợi nhuận cao trên mỗi đồng vốn thể hiện hiệu quả về hoạt động tài chính của doanh nghiệp tư nhân”. Và tất yếu, những hiệu quả đó đã làm cho diện mạo của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung được nâng lên rất nhiều, làm thay đổi lực hút đầu tư và lao động một cách rõ rệt.

Cải thiện chỉ số tài chính: 1 cử động cho doanh nghiệp Nhà nước, 5 cử động cho doanh nghiệp tư nhân?

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng đã đưa ra những nhận định sau: “Mức độ cải thiện về chỉ số hoạt động tài chính của doanh nghiệp tư nhân dường như không nhanh bằng các khu vực khác”.


Economica tính toán từ nguồn tổng điều tra doanh nghiệp các năm (2001-2009), khu vực doanh nghiệp tư nhân đã tăng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ 4,4% (năm 2000) lên 7,1% (2008), trong khi doanh nghiệp Nhà nước tăng từ 7,9% lên 12,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ 19,8% lên 23,9% trong cùng giai đoạn.

Tương tự, mức cải thiện tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản có của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn hai khu vực doanh nghiệp còn lại: là 1,63% (năm 2000) lên 1,76% (năm 2008), so với từ 2,35% lên 3,38% của doanh nghiệp Nhà nước, và từ 8,97% lên 9,55% của khu vực FDI.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp tư nhân (ngoại trừ một số ít phát triển vượt bậc) ngày càng trở nên nhỏ bé hơn về quy mô khi so sánh tương đối với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Chẳng hạn, quy mô vốn chủ sở hữu trung bình của một doanh nghiệp tư nhân được tăng lên gấp ba lần trong giai đoạn 2000-2008 (3,6 tỉ đồng/doanh nghiệp) thì đến năm 2008 vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp Nhà nước trung bình là 242 tỉ đồng, và của doanh nghiệp FDI là 76 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, khi xét về các chỉ số lợi nhuận trung bình/doanh nghiệp, tài sản trung bình/doanh nghiệp hoặc doanh thu thuần trung bình/doanh nghiệp, thì mức độ thay đổi của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng chậm nhất.

Khoảng cách của doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp FDI chưa tỷ lệ thuận đầy đủ với những cố gắng của họ, theo giải thích của Economica, là do xuất phát từ đánh giá tổng thể về toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân từ các số liệu mang tính chính thống và tính trung bình cho toàn khu vực.

Kết quả còn một phần bị tác động thêm bởi hoàn cảnh thực tế trong thời gian qua, với hàng chục tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập, các dự án FDI trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỉ Đô la được đăng ký khiến cho việc so sánh các loại hình doanh nghiệp có thể khập khiễng hơn. Song, ở mức độ nào đó, nó cũng là một phần của bức tranh vận động mang tính cạnh tranh chưa hoàn thiện mà doanh nghiệp tư nhân tham gia.

“Còn nhiều nguyên nhân khác nữa có thể giải thích cho những hiện tượng nêu trên”, Economica viết. Bởi nếu chọn phương pháp nghiên cứu khác, ví như chọn khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động tốt nhất của từng khu vực doanh nghiệp đem so sánh và phân tích sâu hơn, sẽ có những phát hiện thú vị khác về tính hiệu quả trong hoạt động tài chính.

Đó là chưa kể đến xuất phát môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng chưa thể so sánh với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước (quyền lợi đặc biệt về đất đai, vốn...) hay doanh nghiệp FDI (được chào đón đầu tư nhờ kinh nghiệm và lợi thế cạnh tranh quốc tế).

Ở một góc độ nhìn nhận khác ngoài những con số, ông Lê Duy Bình cho rằng, kết quả cải thiện tài chính chậm hơn của khối doanh nghiệp tư nhân còn có thể miêu tả bằng một hình ảnh: “doanh nghiệp Nhà nước chỉ cần một “cử động” có thể tạo ra được một đồng lợi nhuận trong khi doanh nghiệp tư nhân cần đến 4 hoặc 5 “cử động” mới tạo ra lợi nhuận tương tự”. Nghĩa là doanh nghiệp tư nhân phải làm việc nhiều hơn so với doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Câu lạc bộ doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng rất băn khoăn với đánh giá về hiệu quả tài chính này. Ông cho rằng có thể nhiều doanh nghiệp tư nhân còn có hiện tượng có nhiều sổ sách kế toán: loại dành cho cơ quan thuế, loại dành cho kiểm toán và cổ đông bên cạnh sổ sách kế toán thực nên kết quả trên có thể chưa đầy đủ.

Bởi vậy, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Chỉ khi nào vấn đề công khai, minh bạch hiệu quả tài chính trở thành động lực giúp doanh nghiệp tư nhân gia tăng quyền lợi, sự công bằng, bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung, lúc ấy chúng ta mới đo được hiệu quả tài chính thật sự của doanh nghiệp tư nhân - điều mà ngày hôm nay, còn chưa được nhìn thấy hết”.

Ngọc Lan (TBKTSG)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]