Chất gây nghiện tác động lên não bộ chúng ta như thế nào?

Caffeine, rượu, cần sa hay heroin đều được chúng ta biết đến là những chất kích thích có khả năng gây nghiện tuy rằng tác động của chúng lên bộ não là rất khác nhau.

15.5589

Có loại chỉ cần sử dụng một ít có thể biến thế giới xung quanh chúng ta trở nên như một chiếc kính vạn hoa đầy màu sắc hoặc khiến cơ thể chúng ta hoạt động không mệt mỏi, cũng có loại khi chúng ta sử dụng có thể khiến các cơ bắp trong cơ thể được thả lỏng và thư giãn mềm nhũn như thạch rau câu.

Tuy rằng những chất kích thích này đều có tác dụng phụ sau khi sử dụng. Song cảm giác mà chúng mang lại ngay tức thì khiến nhiều người bỏ qua những cảnh báo trước đó mà dùng ngày càng thường xuyên. Vậy thực sự những chất kích thích này tác động thế nào đến bộ não của chúng ta ?

Cần sa

Khi hoạt chất chính của cần sa là Tetrahydrocannabinol (THC) tiến vào bộ não của chúng ta, nó sẽ khiến các tế bào não sản sinh ra dopamine mạnh khiến cho cơ thể cảm thấy hưng phấn. Trong não bộ chất dopamine rất hiếm. Nó là chất dẫn truyền thần kinh của khoảng 0,3% số neurone trong não nhưng lại cần thiết trong nhiều chức năng.

Dopamine được tiết ra từ một trong các vùng nguyên sơ nhất của não, ở đỉnh thân não. Một phần số neuron đó tác động đến việc kiểm soát cử động. Sự yếu kém của các neuron sẽ gây ra các run rẩy đặc thù của bệnh Parkinson. Mọi hành động tạo nên hứng thú như ăn một mẩu sôcôla, làm tình, nghe một khúc nhạc, thắng một trò chơi, đều làm tăng tiết dopamine.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi sử dụng quá thường xuyên các chất kích thích như cần sa thì cơ thể sẽ ở trạng thái hưng phấn quá mức và không còn cảm thấy một số giác quan nữa.

Nấm ma thuật

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng thành phần chính của nấm ma thuật là hợp chất ảo giác tự nhiên psilocybin có khả năng làm giảm các hoạt động bình thường truyền thống của bộ não và thay vào đó là tạo ra các một số liên kết mới giữa các vùng khác nhau mà vốn chúng không hề tương tác với nhau trong các hoạt động bình thường của bộ não.

Những liên kết mới này có thể là nguyên nhân gây ra cho người sử dụng nấm ma thuật cảm thấy hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là chứng loạn cảm giác (synaesthesia) - hiện tượng khi giác quan này lại có cảm giác của giác quan kia.

Nấm ma thuật cũng thường được sử dụng trong quá trình chữa bệnh trầm cảm. Và tất nhiên cũng giống như các loại chất kích thích khác, nấm ma thuật cũng mang đến một số tác dụng phụ bao gồm ảo giác khó chịu cũng như tăng cảm giác lo lắng.

Thức uống có cồn

Cũng như các chất kích thích khác, rượu ảnh hưởng đến bộ não bằng cách thay đổi các mức độ truyền dẫn thần kinh, các tín hiệu "kích thích" đi dọc theo các sóng não để điều khiển suy nghĩ và hành vi của chúng ta.

Rượu làm chậm suy nghĩ, hơi thở và nhịp tim của chúng ta bằng cách làm giảm các tín hiệu "tăng hoạt động" của chúng ta, các tín hiệu này có nhiệm vụ làm tăng mức năng lượng của cơ thể. Nhưng nó khuếch đại các tín hiệu "giảm hoạt động" - những tín hiệu làm cho cơ thể chúng ta bình tĩnh xuống và giảm chức năng hoạt động của cơ thể. Rượu cũng làm tăng nồng độ chất dopamine khiến não của chúng ta cảm thấy hưng phấn hơn.

Heroin

Khi tiếp xúc với bộ não, não của chúng ta sẽ chuyển biến heroin thành morphine (một chất giảm đau gây nghiện còn gọi là opiate). Tại đây, morphine liên kết với cơ quan cảm nhận opiate của hệ viền (não cảm xúc), não và tủy sống. Việc tác động này sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của chúng ta về cơn đau và cảm giác thoải mái, thư giãn. Điều này cũng giải thích lý do mà nhiều người cảm giác thoải mái và hưng phấn khi họ sử dụng heroin.

Khi morphine phân tán đi khắp não, người sử dụng heroin sẽ tận hưởng cảm giác "lâng lâng" trong vòng 4 đến 5 giờ. Sau đó, cơ thể sẽ mỏi mệt lờ đờ, buồn ngủ, mắt mỏi.

Trong não, morphine khiến cơ thể thở chậm, nhịp tim tăng, có thể kề cận với cái chết. Chính vì vậy nếu sử dụng quá liều heroin có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê sâu hoặc tử vong.

Thuốc giảm đau gây nghiện

Nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ một khả năng tương đồng giữa heroin và thuốc giảm đau gây nghiện như Vicodin và OxyContin.

Một báo cáo của CDC được đưa ra vào đầu tháng này đã cho thấy những người lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện có khả năng tìm đến sử dụng heroin cao gấp 40 lần so với người bình thường. Một trong những lý do của việc này đó là các loại thuốc giảm đau gây nghiện có tác động đến não người tương tự như những gì mà heroin mang lại.

Caffeine

Caffeine là một loại thuốc an thần thông dụng nhất trên thế giới, thường thấy nhất trong café.

Caffeine là một chất kích thích hệ thống thần kinh trung ương. Tác dụng chính của caffein là "giả dạng" phân tử adenosine và tìm tới các cơ quan cảm nhận để tiến hành phản ứng. Adenosine được sản sinh khi neuron thần kinh bị đốt cháy. Khi càng nhiều chất này được sản sinh, hệ thần kinh càng trở nên mệt mỏi. Do có cấu tạo giống nhau, cơ quan cảm thụ sẽ chấp nhận caffeine và xem nó như là chất adenosine thật.

Lí do café trở thành một thức uống quen thuộc vào buổi sáng đó là caffeine giúp đánh tan cảm giác buồn ngủ vẫn còn sót lại sau một đêm não bộ chúng ta sản sinh đầy adenosine. Tuy nhiên việc lạm dụng quá nhiều caffeine cũng dần đến một số tác hại như lo lắng và đau đầu. Chính vì vậy để có cảm giác tỉnh táo vào buổi sáng thì bạn có thể tập thể dục hoặc đi bộ thay vì uống café.

LSD

Cũng giống với nấm ma thuật, LSD có thể khiến người sử dụng lâm vào ảo giác. LSD, viết tắt của Lysergic Acid Diethylamide, là hoạt chất kích thích thần kinh cực mạnh, được tìm ra bởi nhà khoa học Thụy Sĩ Albert Hofmann 1943.

LSD tạo ra ảo giác chủ yếu bằng cách gây ảnh hưởng đến các vùng não chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng, suy nghĩ và nhận thức của chúng ta. Nhưng đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến các khu vực khác kiểm soát cách chúng ta phản ứng với căng thẳng. Các nhà khoa học theo dõi hoạt động não và phát hiện ra LSD phá hủy một số mạng lưới liên kết quen thuộc của não. Khi mạng lưới mới xuất hiện, nó kết nối lại những phần trong não vốn trước đó ít giao tiếp với nhau - đây chính là nguồn gốc của suy nghĩ mới.

Các tác động ngắn hạn của LSD có thể bao gồm bốc đồng, thay đổi nhanh chóng những cảm xúc khác nhau từ hưng phấn đến cảm giác buồn chán, ngoài ra còn có chóng mặt và tăng nhịp tim.

Ma túy Flakka

Flakka là một loại chất gây nghiện tổng hợp có xuất xứ từ Trung Quốc. Chất này có hình dạng như tinh thể muối, người sử dụng có thể hút, hít, tiêm hoặc nhai sống.

Do loại ma túy này mới được tìm ra gần đây nên các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn được cách mà chất này tác động lên bộ não của chúng ta hay cách mà chúng gây nghiện. Cho đến thời điểm này, các nhà hóa học mới chỉ có thể dựa vào các chất có họ với Flakka như Cocain và ma túy đá để dự đoán tác động của chất ma túy mới này.

Những loại thuốc này gây ra một sự đột biến trong hai chất hóa học: dopamine, chất dẫn truyền thần kinh gây nên cảm giác sung sướng, sảng khoái và norepinephrine, chất làm tăng nhịp tim của chúng ta và giúp chúng ta tỉnh táo. Giống như hầu hết các loại thuốc khác, flakka mang đến cho người sử dụng một khoảng thời gian "bay bổng" nhưng lại mang rất nhiều tác dụng phụ như khiến cơ thể mệt mỏi và còn gây nghiện.

Sử dụng quá nhiều còn khiến chúng ta có cảm giác lo lắng cực đoan, hoang tưởng, ảo giác và có xu hướng sử dụng các hành vi bạo lực.

Thuốc lắc

Thuốc lắc hay ecstasy - tên khoa học là MethyleneDioxyMethamphetAmine (viêt tắt : MDMA) - là một dạng ma tuý được chế tạo tổng hợp lần đầu tiên từ năm 1910 và 2 năm sau thuộc quyền sở hữu của công ty dược Merck (Đức) dưới dạng chất ức chế cảm giác thèm ăn.

Thuốc lắc tác động lên hoạt động của ít nhất ba chất dẫn truyền thần kinh khác nhau bao gồm dopamine, norepinephrine  và serotonin. Serotonin mà đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tâm trạng của chúng ta.

Nồng độ serotonin tăng lên có thể giải thích sự thay đổi tâm trạng mà nhiều người sử dụng MDMA cảm thấy. Thuốc lắc gây ức chế hoạt động ở hệ rìa não - phần quyết định phản ứng cảm xúc của con người. Mối liên hệ này thể hiện rõ ở dấu hiệu ức chế diễn ra nhiều hơn với những người từng trải qua các cảm xúc mạnh. Sự kết nối giữa các thùy thái dương trung gian và vỏ não trung gian trước trán để kiểm soát cảm xúc cũng giảm. Điều này sẽ phần nào giúp cho các bệnh nhân bị trầm cảm trải qua trạng thái bất an triền miên.

Khi sử dụng, thuốc lắc làm tăng sự liên lạc giữa các hạch hạnh nhân và vùng chân hải mã ở não bộ. Sau khi sử dụng hồng phiến (không phải giả dược), các tình nguyện viên đánh giá về những "ảo giác" một cách sống động, vui tươi hơn. Còn với những ký ức không vui, họ cũng đánh giá ít tiêu cực hơn.

Điều này cho thấy, hồng phiến đã gây ảnh hưởng lên phần não chi phối cảm xúc và trí nhớ - tạo nên "ảo giác" mạnh.

Cocaine

Cocaine là một chất có thể xâm nhập vào bộ não rất nhanh dù cho bạn có sử dụng bằng cách nào. Dù là hít trực tiếp, ngửi khói hay tiêm thì cocaine cũng có thể xâm nhập vào bộ não của bạn chỉ sau vài giây. Sau khi thâm nhập vào não thì cocaine có thể gây nên cảm giác hưng phấn mãnh liệt cho người sử dụng do sản sinh ra rất nhiều chất dopamine chiếm lĩnh bộ não. Trong phòng thí nghiệm, khi các nhà khoa học thử nghiệm trên động vật thì một khi đã thử qua cảm giác do cocaine mang lại, con vật sẽ chỉ chọn thức ăn có chứa cocaine mặc dù chúng có thể bị chết đói.

Phần của bộ não chịu ảnh hưởng nhiều nhất do cocaine gây ra là phần trung tâm bộ não, cụ thể là hạch hạnh nhân xử lý cảm xúc và khả năng suy luận chính của mỗi người. Các báo cáo khoa học đã chứng minh rằng việc sử dụng thường xuyên cocaine sẽ khiến cho vùng hạch này bị suy giảm và trở nên bé dần đi. Điều này vừa gây hại cho bộ não vừa khiến người sử dụng bị "nghiện" cocaine hơn.

Anh Minh

Tổng hợp

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]