Châu Á mua sắm thông minh

Bảy năm trì trệ kinh tế có thể đã dạy cho những người nhiệt tình mua sắm châu Á phải biết “kiềm chế”. Thế những khi các nền kinh tế hồi phục trở lại, họ lại kéo đến các cửa hàng bán sản phẩm cao cấp với cặp mắt sáng suốt hơn

15.6
Khi thu nhập ròng đạt đến gần mức kỷ lục vào giữa những năm 1990, người tiêu dùng châu Á đã chuyển kiểu chỉ có xài và xài sang cách tiếp cận mang tính chất kén chọn những thứ có chất lượng cao. “Người tiêu dùng không ném tiền vào đồ đắt giá nhất. Họ đã hiểu biết và chọn lựa thông minh hơn” – Simon Tam, chuyên gia tư vấn về rượu của Cafe Deco Group – một hệ thống quán bar và nhà hàng ở Hồng Kông, nhận xét. Châu Á là thị trường mục tiêu cho các nhãn hiệu cao cấp, chiếm tỉ lệ doanh thu cao hơn bất kỳ nơi nào khác, kể cả châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, phân nửa trong tổng số 8 tỉ USD đồng hồ xuất khẩu của Thụy Sĩ đến từ châu Á. Đối với hãng LVMH của Pháp, nhà sản xuất hàng cao cấp lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu các nhãn hiệu như Louis Vuitton và Veuve Clicquot, 40% doanh thu của hãng được tạo ra ở đây. Đối với nhãn hiệu giày Gucci, đó là 45%. Vẫn dẫn đầu về nhu cầu là Nhật Bản, nơi đối với một số nhãn hiệu chiếm 1/3 doanh thu toàn cầu. Dù các vấn đề kinh tế vẫn hiện diện trong 15 năm qua, các nhãn hiệu thiết kế vẫn đang đầu tư “nặng đô”. Trong số này phải kể đến hãng bán lẻ Chanel của Pháp, đơn vị đã mở một cửa hàng trụ cột trị giá 240 triệu USD vào ngày 2-12- 2004 “Lợi tức của Chanel ở Nhật cao gấp 3 lần hơn so với lợi tức ở Pháp” – Richard Colasse, một quan chức cao cấp của Chanel Japan, nói. Nếu điện thoại di động là biểu tượng của sự bùng nổ vừa qua, lần này, đặc điểm chính lại là... mùi khói xì gà. “Trong năm qua hàng chục hộp giữ độ ẩm cho xì gà đã được mở trên khắp Hồng Kông, và tất cả những khách sạn mà tôi tiếp xúc đều bận rộn sửa soạn xì gà và rượu cho các quán bar của họ” – Andrew Dembina, biên tập viên của tạp chí Cigar Cutter, tờ báo nhắm đến thế hệ thích “bập” xì gà mới của châu A,Á cho biết. Những thay đổi lớn đã được chứng kiến trên thị trường du lịch cao cấp, trong đó người đi du lịch có xu hướng chọn đi máy bay thuê tư nhân kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001. Họ cũng đang đòi hỏi thêm “giá trị gia tăng” cho đồng tiền và sức khỏe của họ. “Khách ngày càng trẻ hơn, họ đòi hỏi nhiều hơn cho đồng tiền của họ và họ muốn không chỉ là những phòng tập thể dục” – người phát ngôn của khách sạn Peninsula ở Hồng Kông, một trong những khách sạn sang trọng nhất châu Á, cho biết. Tuy nhiên, một số thứ quá sang trọng đến mức sức hút của nó vẫn không bị tác động bởi yếu tố kinh tế. Rolls Royce bán khoảng 15% xe Limousine được thiết kế theo yêu cầu khách hàng ở châu Á. Kiểu Phantom của Rolls Royce, được tung ra hơn 1 năm trước đây, là chiếc xe hơi đắt nhất mà công ty có tuổi thọ 100 năm này sản xuất. “Chúng tôi đưa kiểu xe này ra trong thời gian xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) nhưng chúng tôi vẫn bán được 1.000 chiếc/năm do hàng hóa siêu cao cấp tránh được tính chất chu kỳ của kinh tế học” – Colin Kelly, giám đốc khu vực của nhãn hiệu, cho biết. Nếu các thị trường truyền thống châu Á đã trở nên chín chắn trong việc tiêu dùng thì thị trường Trung Quốc đang ở trong giai đoạn hình thành, và đang say sưa chi tiêu. Các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng ở nước có dân số lớn nhất thế giới sẽ giúp tăng tỉ lệ doanh thu hàng cao cấp ở châu Á lên 60%. “Người Trung Quốc không ngại thưởng mình sau khi thành công” – Kelly nói. “Đối với họ, phô trương sự thành công của mình là điều tự nhiên”.

Chia sẻ ý kiến với Kelly, Enrico Mussetto, một quan chức phụ trách tiếp thị của hãng xe Ý Ferrari, phát biểu: “Người Trung Quốc đã biểu lộ sự thích thú với Ferrari và lối sống mà chúng tôi là đại diện. Các khách hàng của chúng tôi là những người thành công, những người biết cách tận dụng cái mà Trung Quốc đem đến cho họ từ sự tăng trưởng cao”. Ferrari cuối năm ngoái đã mở văn phòng đầu tiên của mình ở Thượng Hải.

Thảo Quân (Theo CNA)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]