Cháu đã mắc bệnh quai bị chưa?

Bệnh thường gặp ở độ tuổi trẻ đang đi học, lây truyền qua đường không khí khi, virus bám theo những hạt nước bọt nhỏ li ti lây nhiễm sang người khác.

0
- Bác sĩ ơi, hình như thằng cháu nhà em bị quai bị.
 
- Cô thấy cháu có triệu chứng gì, kể tỉ mỉ xem nào.
 
- Cháu đi học về kêu đau đầu, mệt mỏi toàn thân, không muốn ăn uống gì, rồi thấy sưng đau bên mang tai trái. Ở lớp cũng có mấy bạn nghỉ học, phụ huynh điện cho cô chủ nhiệm xin phép nói bị quai bị. Vậy cháu có lây quai bị không bác?

- Có thể thằng cu nhà cô mắc quai bị, nhưng bây giờ bệnh cảnh thay đổi không còn điển hình như xưa, cần khám cho cháu để chẩn đoán phân biệt với viêm tuyến nước bọt nhiễm khuẩn hay bệnh khác.

- Vậy thế nào mới là triệu chứng bệnh quai bị?

- Hồi tuổi cô chú còn đi học, cứ vào mùa lạnh tiết đông xuân, tự nhiên thấy sưng đau ở mang tai góc hàm, cùng lớp có vài bạn lên quai bị phải nghỉ học, thế là bố mẹ chẩn đoán luôn và xin phép cho con nghỉ. Nhà trường cũng thấy một số học sinh mắc quai bị rồi nên thoải mái cho phép nghỉ đề phòng lây lan cho các em khác. Nghỉ ngơi vài ngày là khỏi vì bệnh thường diễn biến lành tính.
Thời nay, mọi sự không đơn giản như thế tuy vẫn chỉ do mấy con virus họ paramyxo virus và myxo virus. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trẻ đang đi học, nam nhiều hơn nữ, lây truyền qua đường không khí khi trẻ ho, hắt hơi, nói chuyện, virus bám theo những hạt nước bọt nhỏ li ti lây nhiễm sang người khác.
 
Không phát bệnh ngay, có thời gian ủ bệnh 2 đến 3 tuần nên những nơi tập trung đông các cháu như trường học thường có nhiều cháu cùng bị. Không lây truyền thành dịch lớn, cũng ít lây hơn thủy đậu hay bệnh chân tay miệng hiện giờ nhưng khó tránh, khó phòng ngừa, nhất là trẻ em thường vui chơi thành nhóm bạn. Khi biết có bạn bị quai bị rồi thì mình đã nhiễm virus và đang trong thời kỳ ủ bệnh nên cô đừng trách cháu không biết giữ gìn.

- Nhưng em lo vì thấy bảo có nhiều biến chứng tai hại đến cơ quan sinh dục của cháu.

- Biến chứng viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng đã được biết từ lâu. Có thống kê nói 20% viêm tinh hoàn, 5% viêm buồng trứng, ngoài ra còn viêm màng não, viêm khớp, viêm cơ tim- màng ngoài tim, viêm tuyến giáp… nhưng đều hiếm gặp và do thiếu hiểu biết chủ quan về bệnh mới để xảy ra biến chứng. Từ năm 1967 trên thế giới đã có vaccine tiêm phòng nhưng vì mức độ lây nhiễm thấp nên ở ta không đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Cụ thể, bác bảo em phải làm gì khi trẻ con mắc quai bị.

- Đầu tiên cô đưa cháu đi khám để loại trừ bệnh khác như viêm hạch, viêm họng, viêm tuyến nước bọt nhiễm khuẩn. Chẩn đoán không đòi hỏi đến công nghệ y học đắt tiền. Cần nhất là hỏi bệnh cho kĩ, khám cẩn thận tại chỗ, khám tai mũi họng và xem xét triệu chứng toàn thân. Cần thiết có thể làm xét nghiệm công thức máu và siêu âm tuyến nước bọt để chẩn đoán phân biệt.

Bệnh do virus nên không có thuốc đặc trị. Việc điều trị quan trọng là biết săn sóc giữ gìn để khỏi bị biến chứng. Không cần thiết phải vào nằm viện, nhưng giải thích rõ để trẻ biết tự mình hạn chế chạy nhảy, vận động mạnh; cũng hơi khó vì trẻ vốn hiếu động lại bắt nằm một chỗ nhưng bố mẹ nhất thiết phải trông chừng để trẻ làm theo vì đây là cách duy nhất phòng ngừa biến chứng viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng.
 
Tốt nhất bố mẹ nghỉ vài hôm chăm nom, chuyện trò với trẻ, không để trẻ ở một mình khó giữ chuyện chạy nhảy nghịch ngợm quá mức. Nếu sốt cao, đau nhức đầu, sưng đau vùng mang tai chỉ dùng các loại thuốc hạ sốt giảm đau, chống viêm thông thường. Đáng lưu ý nhất là do hoàn cảnh sống hiện nay, rất dễ bị bội nhiễm thành viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn hoặc kèm viêm họng, viêm hạch. Trường hợp này cần chẩn đoán thật chính xác có bội nhiễm hay không để điều trị kháng sinh.

- Thưa bác sĩ, còn ăn uống, chăm sóc vệ sinh thế nào cho tốt?

- Ăn uống đủ chất, không phải kiêng khem gì, chú ý thêm hoa quả, chỉ tránh đừng ăn món chua quá. Uống thêm vitamine C 1 -2g/ngày để tăng đề kháng. Vệ sinh răng miệng sau khi ăn uống, hoặc khi thấy đắng miệng, hôi miệng. Uống nhiều nước để bù lượng nước mất do sốt. Nhớ cho trẻ mặc đồ lót cotton 100%, chọn quần lót rộng, không để bị bó vào cơ quan sinh dục.

Chăm sóc tốt, chỉ ít hôm trẻ sẽ khỏi và được miễn dịch quai bị suốt đời.
 
AloBacsi.vn
Theo BS Đào Thế Tân - Lao động
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]