Chế biến trà cho người béo phì

Gọi là trà vì được dùng uống thay trà, rất dễ dùng, dễ làm lại an toàn và có hiệu quả tốt cho người béo phì muốn giảm cân

15.5986
Thừa cân và béo phì đang có xu hướng gia tăng và trở thành một trong những mối lo ngại của toàn thể xã hội nói chung và những nhà dinh dưỡng học, nói riêng.
 
Nguyên nhân có nhiều, biện pháp phòng chống cũng không ít nhưng xem ra tình hình chưa được cải thiện là bao. Trong phạm vi bài viết này, xin được giới thiệu một số loại trà dược giảm béo cổ truyền mà theo kinh nghiệm điều trị của chúng tôi, chúng vừa tiện lợi và dễ dùng, dễ làm vừa an toàn và có hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Vấn đề là cần lưu ý lựa chọn loại trà nào phù hợp thể bệnh của mình.


 
- Thể tì hư đàm trệ: Thuộc về người béo nhưng dễ mệt, mình mẩy nặng nề, thích nằm, ngại vận động, ngực tức, bụng đầy, chậm tiêu, ngủ nhiều nhưng giấc ngủ không sâu, đại tiện nát hoặc lỏng, chỉ số huyết áp trong phạm vi bình thường hoặc thấp.
 
Bài 1: bạch truật, thương truật, trạch tả, bạch linh, sa tiền, trư linh, phòng kỷ, trà diệp, mỗi vị 10 g. 
 
Bài 2: Trà diệp, sơn tra, trạch tả, hạt cải củ, mạch nha, thần khúc, hạ khô thảo, trần bì, khiên ngưu tử, thảo quyết minh, bạch linh, xích tiểu đậu, hoắc hương, mỗi vị 7 g. 
 
Bài 3: Nhân sâm, bán hạ chế, trần bì, mỗi vị 6 g; bạch truật, bạch linh, mỗi vị 9 g; chích thảo 3 g.
 
- Thể khí trệ huyết ứ: Thuộc về người béo, ngực sườn hay đau tức, thần kinh dễ căng thẳng, thường có thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành tim, rối loạn lipid máu, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh.
 
Bài 1: Uất kim 10 g, vỏ bí đao 20 g, hoa hồng 6 g. Có thể pha thêm chút đường đỏ khi uống.
 
Bài 2: Hà thủ ô  25 g, đan sâm 25 g, trạch tả 10 g.
 
Bài 3: Hoa hồng, hoa nhài, mỗi vị 2 g; xuyên khung 6 g; lá sen, thảo quyết minh, trạch tả, mỗi vị 10 g.
 


- Thể can thận âm hư: Thuộc về người béo, đầu choáng mắt hoa, tai ù, lưng đau, gối mỏi, lòng bàn tay bàn chân nóng, có thể có cơn bốc hỏa, huyết áp cao, đại tiện táo, tay chân hay tê bì, ngủ kém hay mê mộng.
 
Bài 1: Đan sâm 20 g; hà thủ ô, cát căn, hoàng tinh, tang ký sinh, cúc hoa, mỗi loại 10 g.
 
Bài 2: Trà diệp, hà thủ ô, hạ khô thảo, sơn tra, trạch tả, thạch quyết minh, lai phục tử, mỗi vị 10 g.
 
Bài 3: Đan sâm, thảo quyết minh, mỗi loại  15 g; hà thủ ô, kỷ tử, trạch tả, mỗi vị 12 g
 
- Thể tì vị thực nhiệt: Thuộc về người béo khỏe  mạnh, ăn rất ngon miệng, luôn có cảm giác thèm ăn, sắc mặt hồng nhuận, miệng hay khát, đại tiện táo kết.
 
Bài 1: Trà diệp, đại hoàng, chỉ thực, hâu phác, cam thảo, mỗi vị 20 g.
 
Bài 2: Sinh địa, sơn tra, mỗi vị 20 g; thảo quyết minh 15 g; trạch tả, vừng đen, mỗi vị 12 g; chỉ xác 10 g.
 
Việc chế biến và sử dụng tất cả các bài thuốc trên giống nhau ở chỗ đều đem sấy khô các thành phần trong bài thuốc, tán vụn, chia đều làm 7 phần, mỗi ngày lấy một phần hãm với nước sôi trong bình kín 15 phút, uống thay trà trong ngày.

Cẩn thận với dược liệu công phạt mạnh

Ngoài các loại  trà đa vị đã kể, còn có thể dùng các loại trà độc vị chế biến từ các dược liệu như sơn tra, trạch tả, hải tảo, linh chi, kỷ tử và đặc biệt là trà hà diệp chế từ lá sen khô, cũng hãm uống thay trà trong ngày.

 
Trong y thư cổ Chứng trị yếu quyết, người xưa còn ghi lại kinh nghiệm dùng lá sen đốt toàn tính rồi nghiền thành bột, uống với nước cơm mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 6 g để làm thuốc giảm béo.
 
Để có hiệu quả rõ rệt, các loại trà giảm béo cổ truyền đều nên dùng kéo dài, ít nhất phải từ 2 - 3 tháng.
 
Các loại trà chế từ dược liệu có tính công phạt mạnh như đại hoàng, phan tả diệp... khi dùng nhất thiết phải có sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa.

 

Theo BS Vân Khánh - Người lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]